Mới đây, Khoa Nhi BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận một bệnh nhi 3 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng hô hấp tuần hoàn, hạ đường huyết, bỏng độ II do điều trị bỏng sai cách.
Khai thác thông tin từ phía người nhà bệnh nhân, được biết trước đó ngày 12/3/2018, trong lúc vui đùa tại gia đình, cháu bé không may ngã vào nồi nước sôi dẫn đến bị bỏng.
Nhận thấy tình trạng bỏng nặng, gia đình vội đưa cháu tới bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cấp cứu. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bỏng tại khu vực lưng, sau đùi 2 bên, trẻ tỉnh táo, ăn uống được.
Sau khi được các bác sĩ tiến hành sơ cấp cứu, trẻ có chỉ định nhập viện điều trị. Mặc dù đã được các bác sĩ giải thích về các nguy cơ có thể xảy ra nhưng gia đình kiên quyết xin về để điều trị tại nhà.
Đại diện gia đình cho biết: "Sau khi về nhà gia đình đã nghe theo một số người đã cho trẻ đi đắp thuốc nam để chữa bỏng. Đắp thuốc lá con chưa kịp có tiến triển tích cực đã xuất hiện các dấu hiệu nguy kịch như kém ăn, bất tỉnh, người tím tái, khi đó gia đình mới vội vàng cho cháu bé quay trở lại nhập viện".
Sau khi nhập viện lần 1 bác sĩ tiến hành sơ cấp cứu, trẻ có chỉ định nhập viện điều trị nhưng gia đình không tuân thủ.
Trẻ nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng hô hấp tuần hoàn, hạ đường huyết, bỏng độ II. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực, đặt nội khí quản, thở máy và dùng thuốc vận mạch.
Theo BSCKI Nguyễn Thị Ngọc Điệp – Trưởng Khoa Nhi – BV Việt Nam – Thụy Điển cho biết: "Bệnh nhi đang trong tình trạng hôn mê, sốc sau bỏng, diễn biến bệnh nặng, tiên lượng xấu và đang trong giai đoạn nhiễm trùng nhiễm độc".
Bên cạnh việc tích cực chăm sóc và điều trị cho bệnh nhi, phía bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển cũng đã hỗ trợ gia đình bệnh nhi những suất ăn miễn phí, động viên gia đình cùng bệnh nhi vượt qua nỗi đau bệnh tật.
Bác sĩ Điệp cũng cho biết thêm, hiện bệnh nhi đang trong tình trạng hôn mê, sốc sau bỏng.
Chuyên gia cũng khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần chú ý trẻ trong giai đoạn từ 1-3 tuổi rất hiếu động, khi cho trẻ chơi đùa cần tránh xa các đồ vật có thể gây nguy hại, gây bỏng cho trẻ như phích nước nóng, đồ ăn nóng, các vật thể sắc nhọn có thể gây tổn thương cho trẻ.
Với những bé đã biết đi, tuyệt đối không cho xuống khu vực bếp nấu ăn vì lửa và thức ăn nóng luôn là hiểm họa không lường đối với trẻ.
Đối với các trường hợp trẻ bị bỏng cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc và điều trị sớm nhất.