Phương Tây kịch liệt phản đối Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus
Vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Moscow và Minsk đã đồng ý sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus mà không vị phạm luật pháp quốc tế.
Ông Putin giải thích rằng, Nga không chuyển giao vũ khí hạt nhân của mình cho Belarus mà chỉ làm những gì phía Mỹ đã làm trong suốt cả thập kỷ qua là cất trữ vũ khí hạt nhân tại các căn cứ NATO ở châu Âu và sẵn sàng lắp chúng lên các máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ và đồng minh.
Ngay sau tuyên bố của Moscow, Kiev và các đồng minh trong NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), EU (Liên minh châu Âu) và các nước thành viên của các khối này đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích quyết định triển khai vũ khí hạt nhân Nga tới Belarus.
Thư ký Hội đồng An ninh Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov ngày 26/3 cho rằng, Nga đã biến Belarus thành “con tin hạt nhân của mình” và thông báo của Tổng thống Putin về việc đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus là động thái hết sức nguy hiểm đối với an ninh khu vực.
Người phát ngôn NATO Oana Lungescu tuyên bố, NATO chưa tính tới chuyện điều chỉnh trạng thái hạt nhân của mình vì chưa nhận thấy có sự thay đổi nào trong trạng thái hạt nhân của Nga. Tuy nhiên, NATO sẽ theo dõi chặt động thái từ Nga và cam kết bảo vệ tất cả đồng minh NATO.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, tuyên bố của Nga là “hết sức nguy hiểm và đáng lo ngại”, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá rằng, việc Nga và Belarus bàn về vũ khí hạt nhân “là điều không mới” và Mỹ sẽ theo dõi tác động sau tuyên bố của Tổng thống Nga.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật không được coi là vũ khí hủy diệt hàng loạt những cũng rất nguy hiểm đối với con người
Đại diện Cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh (người đứng đầu cơ quan ngoại giao EU) là ông Josep Borrell cho biết, Brussels sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt mới, nếu Belarus không thay đổi ý định đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ của mình.
Paris cũng lên tiếng nhưng có vẻ nhẹ nhàng hơn, khi Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi Moscow “xem xét lại” quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga đến Belarus.
Hai quốc gia NATO là Ba Lan và Litva - những nước viện trợ vũ khí tích cực nhất cho Ukraine, là những quốc gia mới nhất lên tiếng phản đối kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân của Nga ở Belarus.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 28/3, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki khẳng định, việc Belarus chấp thuận cho Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước mình chắc chắn sẽ dẫn tới tuyên bố về các lệnh trừng phạt bổ sung, với mức độ trừng phạt mạnh mẽ hơn.
Cùng ngày, Litva cũng đưa ra phản ứng tương tự, song có phần gay gắt hơn khi tuyên bố sẽ kêu gọi lệnh trừng phạt mới nhắm vào cả Nga và Belarus.
Mỹ đang cất trữ hàng trăm quả bom hạt nhân ở châu Âu
Binh luận về phản ứng của phương Tây về việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus, viện sĩ của của Học viện khoa học quân sự Nga là ông Alexander Bartosh nói rằng, Moscow không làm gì quá đáng mà chỉ thực hiện đúng những gì Washington đang làm ở châu Âu.
Căn cứ không quân Büchel ở Đức là một địa điểm cất trữ bom hạt nhân B61 của Mỹ
Những ai chỉ trích Moscow triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus hãy nhớ rằng, vũ khí hạt nhân của Mỹ hiện nay vẫn đang được triển khai trên lãnh thổ của bảy quốc gia châu Âu và các phi công châu Âu đã học cách đưa bom hạt nhân đến biên giới Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
Thời Chiến tranh lanh, việc đưa vũ khí hạt nhân đến Liên Xô là khó hơn nhiều bởi còn có các quốc gia Xã hội Chủ nghĩa xung quanh như: Cộng hòa Dân chủ Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Romania…; nhưng ngày nay, khả năng đưa vũ khí hạt nhân của NATO đến lãnh thổ Nga đã dễ hơn nhiều, vì NATO có thể sử dụng các sân bay ở Ba Lan, các nước vùng Baltic và Romania.
Chuyên gia này cũng khuyến nghị cả Brussels và Paris không nên chăm chăm chỉ trích Moscow mà nên quay sang khuyên London không cấp loại đạn dược nguy hiểm này cho Kiev, bởi nó nguy hiểm cho cả Ukraine lẫn châu Âu, phóng xạ qua gió và nước ngầm có thể lây nhiễm sang một loạt các quốc gia EU.
Theo ông Philip Dewinter, thành viên cốt cán của đảng “Flemish interest” ở Bỉ, khi lớn tiếng chỉ trích quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus, người châu Âu đã “đột nhiên” quên mất 150 đầu đạn hạt nhân B61 của Mỹ đang cất trữ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Âu.
Theo báo cáo năm 2019 của các cơ quan trực thuộc NATO, vũ khí hạt nhân của Mỹ được cất giữ tại 6 căn cứ ở châu Âu, gồm: Căn cứ Kleine Brogel ở Bỉ; Buchel ở Đức; Aviano và Ghedi-Torre ở Italy; Volkel ở Hà Lan và Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Bom hạt nhân B61 của Mỹ triển khai ở châu Âu được coi là “tàn dư” của Chiến tranh lạnh
Ngoài ra, Hy Lạp hiện không cất trữ vũ khí hạt nhân Mỹ, nhưng có một cơ sở cất trữ ở đó vẫn còn được bảo quản tốt.
Những vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ có thể được triển khai trên các máy bay chiến đấu của các quốc gia: Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó chủ yếu là F-16 của Mỹ bán cho các đồng minh và các chiến đấu cơ của Mỹ triển khai ở châu Âu.
Theo lời ông Philip Dewinter, sự hiện diện của đầu đạn hạt nhân ở châu Âu là một “tàn dư của Chiến tranh Lạnh”, nhưng sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, NATO vẫn giữ nó lại để tiếp tục đối đầu với “người thừa kế của Liên Xô” là Nga.
Theo ông, thật phi lý khi giữ các đầu đạn hạt nhân đó ở lại châu Âu sau khi “Bức màn Sắt” đã sụp đổ; các quốc gia thuộc Khối Hiệp ước Warsaw hoặc tách ra từ Liên Xô như Kazakhstan, Belarus và Ukraine…, đã giải trừ những vũ khí hạt nhân của Liên Xô triển khai trên lãnh thổ của mình.
Theo vị chính khách Bỉ, thế giới hiện nay trước hết phải nghĩ đến việc giải quyết xung đột và không để xảy ra các cuộc đối đầu quân sự quy mô, có thể dễ dàng leo thang thành cuộc Thế chiến mới, chứ không nên tìm cách đáp trả lẫn nhau theo cấp độ leo thang ngày càng nguy hiểm hơn.
Ông Philip Dewinter cho biết ông rất lấy làm tiếc về quyết định của Moscow triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus nhưng thừa nhận rằng, Nga không làm gì quá đáng khi Mỹ cũng đang làm điều tương tự.