Nga vừa cho biết đã tiêu diệt máy bay không người lái (UAV) Tupolev Tu-141 Strizh (Swift) của Nga bằng cách sử dụng hệ thống Tác chiến điện tử (EW). Chiếc UAV này đã bị gây nhiễu trong không trung và rơi xuống một ngôi làng ở vùng Tula.
Tu-141 là UAV trinh sát tốc độ cao có từ thời Liên Xô. Ukraine được cho là đã sử dụng UAV này để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, trong đó có các căn cứ không quân Engels và Dyagilevo của Nga vào ngày 5 và 26/12/2022.
Nhưng sau đó, tất cả các cuộc tấn công của Tu-141 đều không thành công, đặc biệt là cuộc tấn công nhằm vào một kho chứa dầu tại Tuapse ở vùng Krasnodar của Nga hôm 28/2/2023.
Hình ảnh về các mảnh vỡ của UAV này đã được chia sẻ trên mạng xã hội. Vẫn chưa rõ Tu-141 bị bắn hạ như thế nào, nhưng một số thông tin xuất hiện trên Telegram cho rằng, UAV này đã gặp trục trặc về mặt kỹ thuật.
Khi kiểm tra một chiếc Tu-141 khác bị rơi tại khu vực Kaluga của Nga ngày 6/2, các nhà khoa học Nga cho rằng, các kỹ sư của tập đoàn Raytheon (Mỹ) đã giúp Ukraine sửa đổi máy bay không người lái này với việc lắp đặt hệ thống định vị mới.
Một bài bình luận đăng tải trên tờ Zvezda của Bộ Quốc phòng Nga lưu ý, các kỹ sư thuộc Công ty sản xuất vũ khí nhà nước Ukroboronprom (Ukraine) sẽ không thể sửa đối UAV Tu-141 nếu không có bản vẽ thiết kế ban đầu. Công việc sửa đổi chỉ có thể được thực hiện với sự trợ giúp của các kỹ sư thuộc tập đoàn Raytheon.
Tu-141 được sản xuất tại một nhà máy ở Kharkov vào năm 1979 và sử dụng cho đến năm 1989, hai năm trước khi Liên Xô tan rã. Liên Xô đã sản xuất tổng cộng có 152 chiếc UAV này và chuyển một số đến Ukraine.
Tại đây, nó được bàn giao cho phi đội UAV 321 có trụ sở tại Odessa. Với tốc độ tối đa 1.110 km/h, trần bay tối đa 6.000 m và phạm vi hoạt động lên tới 1.000 km, Tu-141 được coi một cuộc cách mạng về máy bay không người lái vào thời điểm đó.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống tác chiến điện tử Pole-21 đã vô hiệu hóa hệ thống định vị của UAV Tu-141, khiến nó bị rơi ở khu vực Kireevsk cách biên giới Ukraine 600 km về phía bắc và cách Moscow khoảng 250 km về phía nam. Bộ này cho biết thêm, các hệ thống phòng không ở khu vực Tula, gồm S-300, Pantsir-S1 đã cung cấp khả năng bảo vệ đáng tin cậy.
Hệ thống tác chiến điện tử Pole-21. Ảnh: Eurasian Times
Khả năng tác chiến điện tử đáng gờm của Nga
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra, giới phân tích cho rằng, chương trình hiện đại hóa của Nga trong lĩnh vực tác chiến điện tử và tín hiệu tình báo đã giúp mang lại lợi thế cho nước này. Tác chiến điện tử là một trong những lĩnh vực quan trọng của chiến tranh hiện đại, góp phần bổ sung cho tác chiến truyền thống.
Thất bại hay thành công dựa vào việc đánh bại lợi thế công nghệ của đối thủ trong lĩnh vực tần số vô tuyến. Các công nghệ tần số vô tuyến như radia chiến thuật, radar, tín hiệu định vị, điều hướng, hệ thống vũ khí và các thiết bị dò tìm khác đóng vai trò then chốt đối với các lực lượng quân sự.
Tác chiến điện tử bao gồm tấn công điện tử, hỗ trợ điện tử và bảo vệ điện tử. Tấn công điện tử là gây nhiễu các hệ thống của đối phương hoặc sử dụng tín hiệu đánh lừa, để khiến các phương tiện của đối phương mất kiểm soát hoặc không thể phát tín hiệu hay thông báo quan trọng cho đồng đội.
Theo The Drive, các lực lượng Nga đã vô hiệu hóa UAV của Ukraine bằng cách gây nhiễu hoặc giả mạo GPS cũng như những tín hiệu khác, khiến UAV đối phương không có khả năng cung cấp thông tin tình báo, giám sát và trinh sát từ trên không.
Moscow cũng được cho là đã gây nhiễu các radar phòng không, vô hiệu hóa nỗ lực chỉ huy và kiểm soát để có thể dễ dàng yểm trợ cho chiến dịch đổ bộ đường không tại sân bay Hostomel gần Kiev ở giai đoạn đầu xung đột.
Một trong những hệ thống tác chiến điện tử lợi hại của Nga là Pole-21. Nga lần đầu tiên ra mắt tổ hợp tác chiến điện tử Pole-21 vào năm 2013 và biên chế cho lực lượng vũ trang vào năm 2016.
Tổ hợp này được thiết kế để can thiệp, gây nhiễu và triệt tiêu tín hiệu vệ tinh của tất cả các hệ thống định vị trong phạm vi 25km.
Vai trò chính của Pole-21 là bảo vệ các mục tiêu nhà nước, quân sự và kinh tế quan trọng, chống lại các cuộc tấn công có độ chính xác cao, chống lại các hệ thống vũ khí sử dụng định vị vệ tinh như máy bay không người lái, bom dẫn đường hay tên lửa hành trình.
Tổ hợp được chế tạo theo nguyên tắc mô-đun, giúp đơn giản hóa quá trình sản xuất và triển khai. Mô-đun quy chuẩn Pole-21 là đài phát vô tuyến R-340RP với phần thiết bị và các mô-đun ăng-ten.
Tổ hợp tác chiến điện tử này cho phép thiết lập 100 trạm gây nhiễu sóng vô tuyến. Việc quản lý và kiểm soát tất cả chúng được thực hiện từ xa. Theo hãng thông tấn TASS, Pole-21 có khả năng áp chế các thiết bị kết nối với hệ thống định vị vô tuyến và vệ tinh toàn cầu.
Đây là một trong số các hệ thống EW đáng gờm của Nga cùng với các tổ hợp Krasukha-3, LEER-4 và Tirada-2S, giúp Moscow trở thành một trong số các quốc gia đứng đầu thế giới về năng lực tác chiến điện tử.