Thông tin này được Hội Đột quỵ TP HCM chia sẻ tại lễ tổng kết một năm chương trình Angels (Acute network striving for excellent in stroke) triển khai tại Việt Nam, vừa diễn ra. Bệnh nhân là một thanh niên 17 tuổi, ngụ quận Bình Tân - TP HCM.
Trước đó, trong lúc tập thể hình tại phòng gym, chàng trai này bất ngờ ngất xỉu, được đến sơ cứu tại một phòng khám nhưng sau đó rơi vào trạng thái lơ mơ, đau đầu, nôn ói... nên tiếp tục được chuyển đến một bệnh viện.
Tại đây, qua kiểm tra, chụp DSA, các bác sĩ xác định bệnh nhân xuất huyết não do dị dạng mạch máu hiếm gặp.
Sau hội chẩn, xét thấy tình huống nguy kịch, nguy cơ bệnh nhân tử vong cao, bác sĩ thực hiện ngay kỹ thuật nội mạch vành (kỹ thuật tiên tiến nhất trong điều trị đột quỵ), kịp thời giữ lại tính mạng cho bệnh nhân.
Theo TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, nghiên cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM trong hai năm 2016 và 2017 cho thấy có 90% trường hợp đột quỵ đến bệnh viện bằng phương tiện công cộng.
Do việc di chuyển chậm nên 75% đến được bệnh viện thì đã vượt quá "thời gian vàng" cứu chữa.
GS-TS-BS Nguyễn Đạt Anh, Chủ tịch Phân hội Cấp cứu Việt Nam, cho hay với mục tiêu nâng cao chất lượng, tối ưu hóa điều trị đột quỵ bằng cách hỗ trợ các bệnh viện thành lập đơn vị đột quỵ, dự án Angels (do Boehringer Ingelheim sáng lập cùng với sự cố vấn của Tổ chức Đột quỵ Châu Âu và Tổ chức Đột quỵ thế giới) đang hỗ trợ tích cực tại Việt Nam.
Angels cung cấp các khoá huấn luyện, các công cụ như túi cấp cứu đột quỵ và các chương trình cộng đồng để giúp bệnh nhân được điều trị càng sớm càng tốt, tận dụng thời gian vàng để cứu sống người bệnh, giảm di chứng tàn phế sau đột quỵ.
Hiện cả nước có khoảng chừng 40 cơ sở y tế có khả năng tiếp nhận cứu chữa được người đột quỵ. Mục tiêu đến 2021, cả nước sẽ có 100 bệnh viện có đơn vị đột quỵ để bệnh nhân có thể tiếp cận với các phương pháp điều trị cần thiết và kịp thời.