Doanh nghiệp nổi tiếng trong ngành xây dựng ở Việt Nam là Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả). Tập đoàn này hiện có 20 công ty thành viên, tập trung chia thành 5 khối, ngành nghề như đầu tư, dự án, dịch vụ, sản xuất kinh doanh và đầu tư nước ngoài. Tập đoàn hiện có hơn 6.000 cán bộ - công nhân viên.
Trong hơn một thập kỷ qua, Tập đoàn Đèo Cả đã xây dựng được hơn 22 km hầm đường bộ, 275 km đường cao tốc, quốc lộ, 6 cây cầu lớn và quản lý 15 trạm thu phí, với tổng mức đầu tư lên tới hơn 100.000 tỷ đồng. Tập đoàn được mệnh danh là "Vua hầm" hiện đang tham gia vào nhiều công trình giao thông quan trọng khác, trong đó có một số gói thầu của dự án cao tốc Bắc – Nam.
Mới đây nhất, ngày 26/4, Tập đoàn Đèo Cả đã tiến hành tổ chức hội nghị với những đối tác chiến lược là những nhà đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp dịch vụ và những đơn vị đào tạo. Tại hội nghị, Đèo Cả đã chia sẻ về kế hoạch sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tới. Cụ thể, đến năm 2030, tập đoàn này dự kiến đầu tư khoảng 400 km đường cao tốc và đường vành đai, với tổng mức đầu tư là hơn 94.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, về mảng thi công xây lắp, với vai trò là tổng thầu thi công, dự kiến từ năm 2024 – 2026, Tập đoàn Đèo Cả sẽ đảm nhận khối lượng thi công xây lắp trị giá khoảng 31.000 tỷ đồng. Về công tác vận hành, đến năm 2026, dự kiến giá trị O&M là khoảng 574 tỷ đồng/năm và đến năm 2030 là khoảng 957 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, mảng đường sắt còn có dư địa rất lớn. Bởi theo quy hoạch của Chính phủ, mục tiêu đến năm 2030 là đầu tư 9 tuyến đường sắt, với chiều dài 2.362 km, với giá trị khoảng 815.000 tỷ đồng, trong đó phần xây dựng về hạ tầng đường sắt chiếm khoảng 489.000 tỷ đồng. Chính phủ còn dự kiến đầu 600 km tuyến metro ở 2 trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội, TP HCM, với giá trị khoảng 50 tỷ USD.
Về kế hoạch kinh doanh này, nhiều doanh nghiệp đã cam kết cùng đồng hành với Tập đoàn Đèo Cả trong thời gian tới.
Ai là người đứng sau thành công của Đèo Cả?
Sự thành công của Đèo Cả gắn liền với ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch tập đoàn. Ông Hồ Minh Hoàng (SN 1972) là cái tên quen thuộc trong giới doanh nhân, đặc biệt là lĩnh vực cầu đường. Ông Hoàng sinh ra tại Bình Định, nhưng học tập và lớn lên tại Phú Yên. Ban đầu, sau khi tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM năm 1995, ông Hồ Minh Hoàng mong muốn trở thành nhà giáo. Tuy nhiên, ông phải chọn kinh doanh để nối nghiệp gia đình, khi Xí nghiệp sản xuất xây dựng, xây lắp điện Hải Thạch do cha ông quản lý đứng trước nguy cơ bị phá sản.
Đến năm 2002, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hải Thạch được thành lập, sớm đạt được nhiều thành công ấn tượng trong lĩnh vực xây dựng và được nhiều người biết đến với các mẫu đèn chiếu sáng hiện đại.
Dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Minh Hoàng, năm 2009, Công ty Hải Thạch bắt đầu đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi bước sang một địa hạt mới. Đó là thực hiện công trình hầm đường bộ đèo Cả, với vai trò là nhà đầu tư, nhà thầu thi công những hạng mục chính. Đến năm 2014, Tập đoàn Hải thạch được hình thành, hoạt động đa ngành và có vốn điều lệ lên tới 1.500 tỷ đồng. Thời điểm này, tập đoàn có hơn 700 cán bộ, công nhân viên. Năm 2015 – 2016, Tập đoàn Hải Thạch đã tham gia góp vốn vào Công ty CP Tập đoàn Xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC).
Đến tháng 12/2016, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC) chính thức ra mắt. Đây cũng là dấu mốc hoàn thiện tái cơ cấu nguồn vốn và dịch chuyển vị trí chiến lược.
Tháng 5/2018, SBRC đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, tái cấu trúc nhằm hiện thực hóa những chiến lược đầu tư kinh doanh, định vị tập đoàn là nhà đầu tư, tổng thầu thi công những công trình hạ tầng giao thông hàng đầu ở Việt Nam.
Tính đến nay, Tập đoàn Đèo Cả đã thực hiện nhiều chương trình có tính chất kỹ thuật phức tạp, với tổng mức đầu tư lớn, góp phần mang lại nhiều giá trị về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Các công trình tiêu biểu có thể kể đến như hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân, các tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Trung Lương – Mỹ Thuận, hầm đường Bao biển và cầu Tình Yêu trên Vịnh Cửa Lục…
Vị chủ tịch yêu cầu cấp dưới phải là thạc sĩ, tiến sĩ
Chủ tịch HĐQT Đèo Cả Hồ Minh Hoàng không chỉ gây ấn tượng với vai trò lãnh đạo tập đoàn có những bước phát triển vượt bậc mà còn yêu cầu cao với cấp dưới. Theo nghị quyết về việc giao nhiệm vụ học tập, nghiên cứu nâng cao học vị đối với người tham gia quản lý, điều hành, công bố ngày 7/11/2023, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả yêu cầu các Phó chủ tịch HĐQT Đèo Cả (không bao gồm thành viên HĐQT độc lập) phải tham gia chương trình nghiên cứu sinh theo lĩnh vực được phân công và đến ngày 31/12/2028 phải trở thành tiến sĩ.
Ngoài ra, HĐQT Tập đoàn Đèo Cả còn yêu cầu ban điều hành của tập đoàn, đơn vị thành viên và văn phòng HĐQT (bao gồm các chánh/phó văn phòng, trợ lý, thư ký và chuyên tổng hợp) phải tham gia học tập chương trình cao học theo lĩnh vực chuyên môn được phân công và đến ngày 31/12/2026 phải là thạc sĩ.
Trên thực tế, Tập đoàn Đèo Cả hiện có 7 vị Phó chủ tịch đều là thạc sĩ về quản trị kinh doanh, xây dựng cầu đường. Riêng Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng là kỹ sư điện và thạc sĩ quản trị kinh doanh.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch của Tập đoàn Đèo Cả được biết đến là người đề cao vai trò của học tập, nhất là việc chủ động xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao cho tập đoàn. Ông từng khen thưởng những người trong tập đoàn có thành tích học tập tốt trong khoa học đào tạo thạc sĩ điều hành cao cấp.
Tại một sự kiện, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả từng chia sẻ về tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với một doanh nghiệp: "Tiền có thể đi vay được, nhưng văn hóa và nhân lực là 2 thứ phải tự tạo lập và xây dựng lên, chứ không thể đi mượn ai được".