Nữ CEO người Mường đứng sau sự thành công của công ty thịt chua đầu tiên ở Việt Nam là ai?

Minh Hằng |

Nữ doanh nhân xinh đẹp có vóc dáng nhỏ nhắn thừa nhận, trước khi thương hiệu thịt chua đất Tổ được nhiều người biết đến, chị đến với kinh doanh ban đầu không phải vì đam mê.

Thịt chua Trường Foods là thương hiệu thịt chua được nhiều người biết tới trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi chị Nguyễn Thị Thu Hoa, Founder & CEO tham gia gọi vốn trên chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 5 vào năm 2022. Dù còn rất trẻ (SN 1992) nhưng chị thu Hoa đã là CEO của Công ty CP sản xuất và Thương mại Trường Foods. Công ty có sản phẩm chủ lực là thịt chua nổi tiếng của Phú Thọ. Trường Foods hiện có trụ sở chính ở khu Đa Đu, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ và có hai văn phòng đại diện ở Hà Nội và TP HCM.

Ngay từ thời điểm chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 5 được phát sóng, nhiều khán giả đều ấn tượng và tò mò về cô gái dân tộc Mường vừa trẻ đẹp vừa thông minh, sắc sảo. 

Nữ CEO người Mường đứng sau sự thành công của công ty thịt chua đầu tiên ở Việt Nam là ai?- Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa gọi vốn thành công 15 tỷ đồng tại chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 5.

Bắt đầu khởi nghiệp khi mới 18, cái tuổi mà bao bạn bè đồng trang lứa vẫn còn tuổi ăn, tuổi học, chị Thu Hoa chia sẻ: "Năm 18 tuổi, tôi không nghĩ gì về khởi nghiệp, càng không nghĩ tới việc thành lập và phát triển công ty đâu. Tôi chỉ nghĩ là bán hàng để có một khoản thu nhập lo cơm áo gạo tiền cho gia đình. Ngày ấy, chỉ đơn giản là tôi làm thịt chua và bán nhỏ lẻ trong khu vực mình sinh sống. Khi đó thịt chua còn chưa được nhiều người biết tới. Nó chỉ đơn giản là một đặc sản của thị trấn thôi, huyện hay các tỉnh lân cận cũng chưa biết tới thịt chua là gì".

"Từng ôm thùng thịt chua khóc mếu máo"

Nữ CEO người Mường đứng sau sự thành công của công ty thịt chua đầu tiên ở Việt Nam là ai?- Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Thu Hoa là Founder & CEO của Công ty Trường Foods. ảnh: NVCC

Sẵn có nghề làm thịt chua của gia đình chồng, chị Hoa quyết định học theo. Thời gian đầu làm và bán thịt chua, chị Hoa bán được khoảng 30 hộp/ngày. Công thức làm thịt chua của chị Hoa khi đó được mẹ chồng dạy là "1 nắm, 2 nắm". Nôm na là có một chậu thịt thì cho vào 1 nắm bột canh, 1 nắm mì chính. Thời gian đầu, chị Hoa làm từ 10 – 15 kg thịt.

Tuy nhiên, sau thời gian làm thủ công với công thức áng chừng đó, chị Hoa nhận ra có một vấn đề liên quan tới chất lượng sản phẩm. Đó là có khách kêu hôm nay ăn mặn, hôm sau lại than là nhạt quá. Xuất phát từ những lời góp ý này, chị Hoa nghĩ rằng phải mình phải tìm ra một công thức riêng để có thể sản xuất đồng bộ.

Nữ CEO người Mường đứng sau sự thành công của công ty thịt chua đầu tiên ở Việt Nam là ai?- Ảnh 3.

Để tìm ra được công thức làm thịt chua chuẩn nhất, chị Hoa phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Ảnh: NVCC

Sau gần 2 năm bán hàng, đến năm 2012, chị Hoa mới tìm được công thức làm thịt chua chuẩn với hương vị thơm ngon. "Khi ra được công thức này, sản lượng thịt chua cũng tăng lên rất nhiều", chị Hoa kể. Thế nhưng, ít ai biết được rằng để đạt được thành công này, chị cũng đã phải nếm trải nhiều lần thất bại.

"Khi gần ra được công thức chuẩn, tôi nhớ mình từng ôm thùng thịt chua khóc mếu máo. Ngày đó, để thử nghiệm làm thịt chua theo công thức mới, tôi phải định lượng cả về thời gian và nhiệt độ. Tôi để thịt trong thùng xốp và sử dụng bóng đèn (hay dùng để ấp gà – PV) để ủ. Cái khó là phải căn đúng thời gian để rút đèn ủ ra, nếu không thịt chua sẽ bị hỏng. Nhưng ngặt nỗi tôi lại ngủ quên vì nhiều ngày chỉ ngủ có 2 – 3 tiếng, dù có đặt báo thức. Tỉnh dậy thấy thùng thịt chua gồm 40 – 50 hộp hỏng hết, tôi bật khóc, vừa tự trách bản thân, vừa tiếc tiền. Để có được công thức chuẩn, tôi không nhớ mình đã đổ đi bao nhiêu mẻ thịt vì thất bại", chị Hoa nhớ lại.

Sau thất bại đáng nhớ đó, khoảng vài ba lần thử nghiệm sau, chị Hoa đã tìm ra được công thức chuẩn nhất để làm thịt chua chuẩn hương vị.

Khó khăn này vừa qua, khó khăn khác lại tới. Dù thành công trong việc tìm ra công thức chuẩn giúp nâng cao chất lượng, nhưng từ những phản hồi của khách hàng và các đại lý, chị Hoa nhận ra thịt chua của mình làm chỉ để được từ 5 – 7 ngày hay lâu nhất là 10 ngày, vì thịt được lên men hoàn toàn tự nhiên. Bài toán đặt ra với chị Hoa lúc đó là làm thế nào để bảo quản được thịt chua.

Chị Hoa tìm nhiều cách, đi siêu thị và tìm mua các chất bảo quản. "Tôi từng thử dùng tới hơn 10 loại chất bảo quản. Nhưng tôi nhận ra chúng làm thay đổi mùi vị của thịt chua. Hơn nữa, tôi cũng lo sợ nếu không đảm bảo được an toàn thực phẩm thì người tiêu dùng sẽ dần quay lưng với mình", chị Hoa cho hay.

Dù mất 5- 6 tháng tìm hiểu và thử nghiệm các chất bảo quản thực phẩm, nhưng sau cùng cô gái trẻ vẫn nói không với chúng. Biết rằng từ bỏ chất bảo quản sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhưng chị Hoa vẫn quyết tâm với mong muốn tìm ra thứ có thể giúp bảo quản thịt chua nhưng đồng thời an toàn nhất cho khách hàng. Cuối cùng, chị đã phát hiện và ứng dụng màng seal. Đây là một miếng dán dùng để lót, hoặc làm kín miệng hộp. Màng seal được làm từ nhiều chất liệu như nhôm, PE, PP… Dùng màng seal giúp các sản phẩm thịt chua của chị Hoa tăng thời gian bảo quản lên tới 2 tháng.

Xuất phát điểm là để mưu sinh, không ngờ thịt chua dần ngấm vào trong người cô gái trẻ người Mường lúc nào không hay. Sau khi giải quyết được bài toán về công thức, kéo dài thời gian bảo quản, chị Hoa đầu tư đưa máy móc vào sản xuất thịt chua thương mại, đồng thời dán bao bì tem nhãn bắt mắt. Thương hiệu thịt chua Trường Foods chính thức ra đời vào năm 2015 (tiền thân là thịt chua Nghị Thịnh). Nhờ những cải tiến này, các sản phẩm thịt chua Trường Foods bán rất chạy.

Chị Thu Hoa chính thức thành lập Công ty Trường Foods vào ngày 2/6/2015 và đổi tên thịt chua thành thịt chua Trường Foods. Theo chị Hoa, Trường có nghĩa là trường tồn, còn foods là thực phẩm. "Tôi đặt tên công ty là Trường Foods với mong muốn xây dựng một thương hiệu thực phẩm bền vững và lâu dài", chị Hoa chia sẻ.

Nữ CEO người Mường đứng sau sự thành công của công ty thịt chua đầu tiên ở Việt Nam là ai?- Ảnh 6.

Thịt chua ống nứa là một trong những sản phẩm của Trường Foods. Ảnh: NVCC

Bước sang năm 2016, chị Hoa bắt đầu tập trung vào xây dựng nhà xưởng để chuyển từ sản xuất thịt chua theo mô hình thủ công sang mô hình bán tự động. Ban đầu, với 30 – 40 công nhân chỉ có thể sản xuất được khoảng từ 3 – 4 tạ thịt lợn. Tuy nhiên, sau khi đưa được các máy móc vào vận hành, vẫn với số lượng công nhân đó, có những ngày công ty của chị Hoa có thể sản xuất được từ 3 – 4 tấn thịt.

Sau gần 9 năm thành lập, Trường Foods có nhiều bước chuyển mình. Ban đầu, Trường Foods có sản phẩm thịt chua vị truyền thống. Tuy nhiên, đến nay, Trường Foods đã có thêm nhiều sản phẩm như thịt chua vị tỏi ớt, thịt chua ống nứa, thịt chua bì sần sật, nem sợi, thịt chua heo ăn chay… 

Ngoài cơ sở sản xuất chính đặt ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), Trường Foods đã có văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP HCM. Tổng nhân sự của công ty hiện nay có khoảng 140 người, trong đó có gần 100 công nhân. Trường Foods hiện có hơn 10.000 điểm bán thịt chua với sản lượng tiêu thụ hơn 2,5 triệu sản phẩm/năm. Trước khi lên sóng Shark Tank vào năm 2022, doanh thu của Trường Foods đạt hơn 52 tỷ đồng.

Tham vọng mang thịt chua tới mọi miền Tổ quốc

Nữ CEO người Mường đứng sau sự thành công của công ty thịt chua đầu tiên ở Việt Nam là ai?- Ảnh 7.

Chị Hoa thừa nhận để xây dựng và phát triển thương hiệu Thịt chua Trường Foods như ngày nay là cả một chặng đường dài với nỗ lực cải tiến không ngừng nghỉ. Ảnh: NVCC

Vì xuất phát điểm khi khởi nghiệp không có nền tảng kiến thức về kinh doanh, tài chính và không có người đồng hành hay mentor, nên chị Thu Hoa thừa nhận mọi thứ đều phải tự học hỏi và mất nhiều thời gian để làm quen, làm thử và sửa sai. "Tôi vẫn còn nhớ trong mấy năm đầu, cầm thịt chua đến 10 điểm bán thì chỉ có 1 - 2 chỗ nhận lời và mỗi điểm chỉ nhận khoảng 5 hộp thôi. Tôi tâm niệm mình làm và bán đặc sản của quê hương nên mọi thứ cần phải làm thật đảm bảo. Tôi vẫn thường nói với các công nhân một điều, đó là mình ăn như thế nào thì phải sản xuất được cho người tiêu dùng như vậy", chị Hoa kể.

Chị Hoa khẳng định rằng, nguyên liệu sản xuất của thịt chua Trường Foods 100% đạt tiêu chuẩn VietGap. Tất cả các nguyên liệu đều qua kiểm dịch và kiểm định. Các sản phẩm của công ty đều được sản xuất trong nhà máy khép kín đạt tiêu chuẩn ISO về vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế.

Chính những sự khác biệt và "nghiêm khắc" ngay từ các khâu lựa chọn nguyên liệu cùng hương vị truyền thống với chất lượng đảm bảo, nên thịt chua Trường Foods dù có giá thành cao hơn so với các sản phẩm thịt chua thông thường, nhưng vẫn được đại đa số người tiêu dùng tin tưởng. Món ăn đặc sản này hiện đang chiếm tới 50% thị phần thịt chua ở tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận. Các sản phẩm thịt chua của Trường Foods hiện đã có mặt trong hệ thống của Winmart, Sói Biển...

Nữ CEO người Mường đứng sau sự thành công của công ty thịt chua đầu tiên ở Việt Nam là ai?- Ảnh 8.

Nữ CEO của Trường Foods mong muốn mang đặc sản thịt chua tới khắp mọi miền của Tổ quốc và đến với bạn bè quốc tế. Ảnh: NVCC

"Để phát triển và muốn lan tỏa một đặc sản của địa phương đi xa hơn thì chúng ta phải có thời gian. Bởi đặc sản là phải ngấm từ từ và phải mất nhiều thời gian để đi vào thị trường và tạo thói quen cho người tiêu dùng. Ban đầu, tôi đi quảng bá sản phẩm, làm sao cho mọi người nhớ tới thịt chua đã khó, nhớ tới Trường Foods là gì lại càng khó hơn", chị Hoa thừa nhận.

Trải qua nhiều khó khăn từ dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong hai năm 2020, 2021, chị Hoa và Trường Foods tập trung vào tìm kiếm khách hàng online. Kể từ đó, chị Hoa tập trung nhiều hơn cho truyền thông, tăng việc nhận diện thương hiệu và xây dựng các chính sách đãi ngộ dành cho khách hàng chuyên nghiệp hơn. Trong nguy có cơ, nhờ đó doanh nghiệp của chị có thêm cơ hội để tìm kiếm các nhà phân phối, đại lý online đam mê kinh doanh thịt chua.

Chị Hoa còn thiết lập tài khoản Tiktok "Hoa thịt chua", thường xuyên livestream giới thiệu, quảng bá sản phẩm thịt chua và những video của chị nhanh chóng thu hút đông đảo người xem. 

Không chỉ dừng lại ở ước mơ phủ sóng đặc sản thịt chua đất Tổ ra toàn quốc, chị Hoa còn mong muốn vươn xa hơn cả ở thị trường quốc tế, trong đó trước mắt là những người Việt ở xa quê hương.

Chị Hoa chia sẻ: "Hiện nay, Trường Foods đang nghiên cứu về công nghệ bảo quản không dùng chất bảo quản mà vẫn có thể để được thịt chua tới 6 tháng. Hiện nay việc này đang có những tín hiệu khả quan. Bên cạnh đó, Trường Foods sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, có thêm các vị mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng".

Phụ nữ khởi nghiệp khó hơn nhiều

Nữ CEO người Mường đứng sau sự thành công của công ty thịt chua đầu tiên ở Việt Nam là ai?- Ảnh 9.

Nữ CEO Trường Foods thừa nhận phụ nữ khởi nghiệp phải chịu thiệt thòi hơn đàn ông rất nhiều. Ảnh: NVCC

Người ta thường nói việc kinh doanh vốn đã vất vả và với người phụ nữ phải lăn lộn trên thương trường thì còn khó khăn hơn gấp bội lần. Nhớ lại quãng thời gian khởi nghiệp, chị Hoa thừa nhận bản thân gặp rất nhiều khó khăn, sự cám dỗ.

"Phụ nữ khởi nghiệp, phụ nữ kinh doanh chắc chắn thiệt thòi hơn đàn ông rất nhiều. Bởi tôi cũng từng trải qua như thế khi vừa khởi nghiệp vừa phải làm tròn trách nhiệm của một người phụ nữ, chăm sóc con cái. Có những thời điểm, 4h sáng tôi đã phải dậy ra chợ để lấy thịt về, sau đó vội vàng về nhà nấu ăn sáng cho con và đưa con đi học. Thậm chí, có những ngày để tìm ra công thức chuẩn cho thịt chua, tôi chỉ ngủ 2 – 3 tiếng thôi. Lúc đó, tôi thèm ngủ khủng khiếp", chị Hoa nói.

Do đó, theo chị Hoa, đối với một người phụ nữ, để cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình là một điều rất khó. Vì vậy, tại thời điểm cần cái gì hơn thì chúng ta nên tập trung tốt cho cái đó. Điều này phụ thuộc vào mục tiêu của mỗi người. Nhưng việc tập trong cho kinh doanh không có nghĩa là phụ nữ không chăm lo tốt được cho gia đình. "Vắt chân lên cổ mà chạy là cách tôi cố gắng làm mọi thứ từ khởi nghiệp tới chăm sóc cho con cái, gia đình", chị Hoa thừa nhận.

Phụ nữ nên là bông hoa tỏa hương cho người khác ngắm, không nên là bông hoa để họ tẩm hương vào người
CEO Trường Foods

Ban đầu, thấy con gái vất vả, chính mẹ đẻ của chị Hoa cũng từng nói: "Thôi không phải đau đầu làm nhiều nữa, phụ nữ kiếm được ít tiền đủ lo cho con cái là được rồi". Tuy nhiên, sau đó nghĩ đến mẹ, con gái và hoàn cảnh gia đình, chị Hoa lại tìm cách để vươn lên và quyết tâm làm đến cùng. Đến giờ, dù công việc vô cùng bận rộn nhưng nữ CEO của Thịt chua Trường Foods chia sẻ chị có một nguyên tắc là luôn dành thời gian buổi tối để ở nhà với con.

Nữ CEO người Mường đứng sau sự thành công của công ty thịt chua đầu tiên ở Việt Nam là ai?- Ảnh 10.

Theo CEO của Trường Foods, ngoại hình xinh đẹp chỉ là một yếu tố rất nhỏ đối với hành trình khởi nghiệp của phụ nữ. Ảnh: NVCC

Nữ CEO của Trường Foods bày tỏ: "Quan điểm của tôi là phụ nữ phải tự lập và tự mình làm ra kinh tế của mình. Ngoại hình xinh đẹp chỉ là một yếu tố rất nhỏ và tất cả vẫn phải do bản thân. Phụ nữ nên tiêu tiền của mình và dù không phải ai cũng tạo ra công ty này, công ty kia, những mỗi người cần phải xây dựng giá trị cho bản thân mình. Nguồn năng lượng mà chị em tạo ra sẽ thu hút được những điều tương xứng. Phụ nữ nên là bông hoa tỏa hương cho người khác ngắm, không nên là bông hoa để họ tẩm hương vào người".

Với những thăng trầm đã trải qua trong quá trình khởi nghiệp, chị Hoa nhắn nhủ: "Với các bạn trẻ, khi muốn khởi nghiệp thì cần phải nghiêm túc với hai từ khởi nghiệp. Làm gì cũng nên đặt cái tâm của mình vào trong sản phẩm. Đặc biệt, dù có nhiều cám dỗ, nhưng các chị em phụ nữ nên tự chủ, đừng nên dựa dẫm vào ai mà hãy đi lên từ chính đôi chân của mình, dám bứt phá, dám dấn thân và dám làm. 

Các bạn trẻ đừng ngại khi khởi nghiệp, hãy hành động đi! Chúng ta có thể vừa lên kế hoạch, vừa nghĩ, nhưng hãy hành động, đừng đợi, đừng sợ... Đúng thì mình sẽ có kết quả, còn sai thì mình có bài học. Ngoài ra các bạn phải luôn sáng tạo, đổi mới trong quá trình mình làm và quyết tâm làm đến cùng".


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại