Làm được 5 điều này, VinFast có thể được chính phủ Mỹ ưu đãi hàng tỷ USD

Minh Hằng |

Thông tin này được tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup tiết lộ trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Ngày 25/4, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, khi trả lời cổ đông về những vấn đề liên quan đến hoạt động của VinFast, ông Phạm Nhật Vượng cho biết, vừa qua VinFast lần đầu tiên trở thành thương hiệu ô tô có doanh số lớn nhất Việt Nam.

Thế nhưng, vị tỷ phú này thừa nhận rằng việc đầu tư sản xuất về kinh doanh xe điện không phải là chuyện dễ dàng. Khó khăn là đương nhiên khi xây dựng một thương hiệu lớn. VinFast không chỉ muốn bán được ô tô mà còn muốn nằm trong top đầu các thương hiệu xe trên thế giới.

Người đứng đầu Vingroup nhắc lại thông điệp khi phát triển VinFast và tuyên bố với cổ đông rằng "tất cả cho VinFast, tất cả cùng chiến thắng", nhấn mạnh sẽ không có chuyện Vingroup buông bỏ VinFast.

Hé lộ

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng trả lời các câu hỏi của cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Vingroup, ngày 25/4. Ảnh: VIC

"Tôi đã tài trợ cho VinFast 1 tỷ USD. Tới đây, cá nhân tôi sẽ tiếp tục thu xếp để tài trợ tối thiểu thêm 1 tỷ USD nữa", ông Phạm Nhật Vượng cho biết và nhấn mạnh để thương hiệu VinFast thành công thì còn cần tới sự chung tay của mọi người dân Việt Nam.

Về việc xây dựng 3 nhà máy ở Mỹ, Ấn Độ và Indonesia, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, việc xây nhà máy ở Mỹ sẽ giúp VinFast được hưởng những "ưu đãi khủng khiếp". Đây là cơ hội để VinFast chiếm lĩnh thị trường Mỹ mà tại những thị trường khác không có ưu đãi lớn như vậy. Hơn nữa, việc xây dựng nhà máy ở nước ngoài không chỉ giúp VinFast tăng khả năng cạnh tranh khi tiết giảm được tối đa chi phí về logistics mà còn có thể nhận được hỗ trợ lớn hơn từ thuế phí, chính sách, cơ chế ưu đãi của địa phương.

Ông Vượng cho biết: "Tại Mỹ, trong 5 năm VinFast bỏ ra 2 tỷ USD để phát triển thì có thể nhận được hơn 2 tỷ USD tiền hỗ trợ, bao gồm cả các chính sách ở nước sở tại". Đây chính là những đòn bẩy để giúp VinFast có thể chiếm ưu thế ở thị trường quốc tế và cải thiện doanh số.

Thông tin trước đó cho biết, tổ hợp nhà máy trị giá 4 tỷ USD tại Bắc Carolina của VinFast bao gồm 8 nhà máy với chức năng khác nhau. Mức đầu tư giai đoạn đầu là 2 tỷ USD và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2025.

Tại thị trường Ấn Độ, VinFast cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy trị giá 2 tỷ USD ở bang Tamil Nadu. Trong 5 năm đầu tiên, công ty sẽ đầu tư trước 500 triệu USD để hưởng ưu đãi và bán xe ở nước này.

Tại Indonesia, hãng xe điện VinFast dự kiến đầu tư 200 triệu USD để xây nhà máy có công suất khoảng từ 30.000 – 50.000 xe/năm. Dự kiến, nhà máy này sẽ bắt đầu vận hành vào năm 2026.

Tại ĐHĐCĐ, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, nguyên nhân doanh số bán hàng của VinFast vẫn thấp ở Mỹ chủ yếu là do chưa có nhà máy sản xuất ở đây.

Trong năm 2023, VinFast đã xuất ra thị trường gần 35.000 ô tô điện và hơn 72.000 xe máy điện, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ về xu hướng chuyển đổi xanh hiện nay.

Vì sao xây nhà máy ở Mỹ, tốn tỷ USD, nhưng lại thu về tỷ USD?

Hé lộ

VinFast đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ với chi phí dự kiến lên tới 4 tỷ USD. Ảnh: VinFast

Từ ngày 1/1/2023, chính sách về trợ cấp thuế Liên bang trị giá 7.500 USD dành cho người mua xe điện được sản xuất ở Bắc Mỹ nằm trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) do Mỹ ban hành đã chính thức có hiệu lực. Chính sách này nhằm kích thích và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng ở Mỹ đối với xe điện, đồng thời giúp gia tăng về tốc độ điện khí hóa ngành ô tô nội địa.

Trên thực tế, Chính phủ Mỹ đã đề ra 5 yêu cầu dành cho các nhà sản xuất xe điện để có thể được nhận trợ cấp tín dụng thuế. Thứ nhất, đó là những sản phẩm xe điện phải được lắp ráp cuối cùng hoặc chế tạo ở các cơ sở tại Bắc Mỹ, bao gồm Mỹ, Canada và Mexico. Thứ hai, những mẫu xe này có giá trị niêm yết trên thị trường không vượt quá 55.000 USD đối với xe điện thông thường và không vượt quá 80.000 USD đối với các mẫu xe SUV, xe bán tải và xe tải. Thứ ba, xe ô tô điện phải có tổng trọng lượng là dưới 6.350 kg và có công suất pin tối thiểu 7 kWh.

Thứ tư, trên 50% tổng giá trị về các loại linh kiện sử dụng chế tạo pin xe điện phải được sản xuất hoặc lắp ráp ở Bắc Mỹ. Thứ năm, trên 40% tổng giá trị những loại khoáng sản dử dụng để chế tạo cần phải được khai thác, chế biến hay tái chế ở Bắc Mỹ hoặc những nước FTA với Mỹ, chẳng hạn như Nhật Bản.

Thực tế có rất ít hãng xe có thể đáp ứng được cả 5 yêu cầu này và được hưởng trợ cấp tối đa đã được quy định là 7.500 USD.

Hé lộ

Nhà máy lắp ráp xe điện của General Motors tại Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo InsideEvs, tính đến tháng 6/2023, chỉ có 5 nhà sản xuất xe điện ở Mỹ là đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để được nhận trợ cấp thuế Liên bang ở Mỹ, bao gồm Ford, General Motors (với thương hiệu Cadilac và Chevrolet), Tesla, Rivian và Volkswagen. Đáng chú ý, chỉ có 3 hãng xe gồm Tesla, General Motors và Volkswagen được hưởng toàn bộ trợ cấp tín dụng thuế là 7.500 USD.

Với những yêu cầu trong Đạo luật IRA cũng được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng tác động đến quyết định của VinFast khi xây dựng nhà máy sản xuất xe điện ở bang Bắc Carolina, với tổng giá trị đầu tư 4 tỷ USD. 

Sau khi nhà máy ở Mỹ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2025 (theo kế hoạch) thì không chỉ cung cấp xe điện phục vụ thị trường Bắc Mỹ mà còn giúp hãng xe điện VinFast cắt giảm được những chi phí về vận chuyển, thuế quan nhập khẩu ô tô từ Việt Nam vào Mỹ. Ngoài ra, quan trọng nhất là nhà máy này còn có thể giúp xe điện VinFast đủ điều kiện để nhận được tín dụng thuế Liên bang trị giá 7.500 USD.

Bài tham khảo nguồn: Reuters, InsideEvs

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại