1. Phổi và tầm quan trọng với sức khoẻ
Hô hấp hay hít thở - phổi là một hoạt động cung cấp oxy cho não và các cơ quan khác của cơ thể để duy trì sự sống, hay nói cách khác, đây là 1 trong 5 yếu tố góp phần vào sự khởi nguồn và duy trì các chức năng sinh tồn của cơ thể.
Ngoài ra, nó còn là tấm gương phản ánh thực trạng các rối loạn và có khả năng tự điều chỉnh theo từng rối loạn đó. Hoạt động của hô hấp diễn ra một cách thầm lặng, liên tục và không thể trì hoãn, chính vì thế hô hấp được y học xếp lên vị trí hàng đầu trong quy trình của hồi sức nội khoa.
Khi tần số thở bị ảnh hưởng bởi bệnh lý hay các bị tác động bởi các yếu tố khách quan (như môi trường, áp suất, nhiệt …) sẽ gây ra những hậu quả nặng nề đến sức khỏe, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng.
Với nhịp thở bình thường 16 – 20 lần mỗi phút thì mỗi ngày chúng ta hít thở trung bình 23.000 – 29.000 lần, với lưu lượng khí đi qua phổi là khoảng 13.000 lít, trong đó có 6.500 lít oxy đi vào cơ thể và 5.200 lít CO2 được thải ra ngoài, như vậy còn 1.300 lít là các khí tạp.
Trong lượng khí tạp đó, các nhà khoa học đã tìm thấy khoảng 250 loại khí khác được thở ra, và đây cũng là một trong những thủ phạm gây nên hầu hết các bệnh lý đường hô hấp của chúng ta. Như vậy, việc bảo vệ cơ thể cũng như đường hô hấp có liên quan mật thiết đến việc kiểm soát sự thở và chất lượng hơi thở của chúng ta, có nghĩa là chúng ta cần phải có hơi thở khỏe khoắn.
Một hơi thở khỏe khoắn, hay nói cách khác là một hơi thở có chất lượng bao gồm động tác hít thở bình thường, tư thế bình thường, lưu lượng bình thường và ít tạp chất gây hại. Bên cạnh đó, yếu tố tinh thần trong khi thở cũng vô cùng quan trọng, đó là sự thư thái, an nhiên, thả lỏng cơ thể, điều này sẽ góp phần hữu ích cho quá trình trao đổi oxy ở tế bào trong các cơ quan của cơ thể.
2. Tám cách để chăm sóc phổi được khoẻ mạnh và phòng bệnh tật
Có nhiều phương pháp để có hơi thở -phổi khỏe mạnh, trong đó việc kiểm soát chất lượng không khí là vô cùng quan trọng, nó không những giúp ích cho đường hô hấp, mà còn phòng tránh được nhiều bệnh lý khác của cơ thể, cũng như tác động vào khả năng phục hồi khi cơ thể bị nhiễm bệnh. Dưới đây, người viết xin chia sẻ một vài phương pháp.
2.1. Không hút thuốc, tránh xa khói thuốc và các chất kích thích khác
Trong khói thuốc, ngoài nicotin gây ung thư phổi, còn có khoảng 17 loại hóa chất độc hại khác gây bệnh cho đường hô hấp và cơ thể. Không chỉ là thuốc lá, các sản phẩm khác cũng gây hại cho chúng ta như thuốc phiện, các dạng ma túy khác …
2.2. Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài
Trong không khí của chúng ta có rất nhiều tạp chất như khói bụi … đặc biệt là trong các khu công nghiệp, xây dựng, việc đeo khẩu trang không những bảo vệ đường hô hấp tránh được các tác nhân đó, mà còn giúp phòng chống được các bệnh do vi khuẩn, virus … đặc biệt quan trọng trong phòng chống COVID-19.
2.3. Tập thể dục cho phổi
Đó là động tác hít thở sâu nhằm tống hết các khí tồn dư trong hai lá phổi, việc hít thở sâu phải kèm với tư thế ngồi thẳng, hít thở với tần số đều đặn, tập trung suy nghĩ vào hơi thở, có thể kết hợp với các động tác vươn tay, vươn vai khi hít vào và thả lỏng khi thở ra … Chú ý tập hít bằng bụng, hạn chế hít thở bằng ngực, thở ra hết sức để đẩy luồng khí cặn trong phổi.
Bên cạnh đó, cúng ta cũng quan tâm vào chỉnh đốn tư thế làm việc của mình, tư thế ngồi học của các em, đảm bảo lồng ngực không bị méo mó, vặn xoắn mà ảnh hưởng đến hô hấp.
2.4.Giữ ấm và chăm sóc các cơ hô hấp
Có nhiều cơ tham gia vào quá trình hít thở của chúng ta, đó là các cơ liên sườn, cơ hoành, cơ vùng bụng, việc chăm sóc và rèn luyện các cơ này vô cùng quan trọng, nó đảm bảo cho quá trình hít thở một cách tự động, đều đặn, bình thường và không mệt mỏi.
Hãy luôn giữ ấm lồng ngực của mình cũng như giữ ấm cho hơi thở của mình, tránh các luồng không khí lạnh, khô, rèn luyện bằng cách hít thở sâu kết hợp với xoa nhẹ vùng lồng ngực, bụng để tạo sự thư giãn cho các cơ hô hấp mỗi ngày ít nhất hai lần.
2.5. Rèn luyện sức khỏe
Đó là việc tăng cường vận động cơ thể kết hợp với hơi thở một cách nhịp nhàng và hợp lý, điều này không chỉ giúp cơ thể săn chắc khỏe mạnh mà còn rèn luyện cho lá phổi của bạn hoạt động tốt hơn, thải khí cặn trong phổi thường xuyên hơn. Nội dung này bao gồm các bài tập yoga, chạy bộ, khiêu vũ, chơi các môn thể thao phù hợp với thể trạng, sức khỏe của mình.
2.6. Chế độ ăn lành mạnh, giàu chất chống oxy hóa
Thực phẩm hàng ngày không chỉ cung cấp năng lượng, duy trì hoạt động sống mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người. Với lá phổi cũng vậy, các tế bào của cơ quan này cần được nuôi dưỡng thường xuyên với nguồn máu giàu dưỡng chất và oxy.
Do đó, hãy thực hiện một chế độ ăn lành mạnh hàng ngày bằng cách: ăn đủ dinh dưỡng với các nhóm tinh bột, chất béo, chất đạm, các vitamin và khoáng chất, cung cấp vừa đủ cho cơ thể, không nên thừa hoặc thiếu.
2.7. Phải sắp xếp lại thời gian biểu
Sắp xếp công việc, điều chỉnh nếp sinh hoạt theo từng giai đoạn, từng thời điểm, từng hoàn cảnh để cố gắng tạo ra một khoảng không gian thời gian nhất định, để tập trung vào việc rèn luyện cơ thể, rèn luyện và chăm sóc đường hô hấp của mình. Và chúng ta đừng bao giờ quên vận động các thành viên trong gia đình cùng tham gia.
2.8. Phải kiểm tra sức khỏe định kỳ
Nếu phát hiện các bệnh lý về đường hô hấp cũng như các bệnh lý ở cơ quan khác thì phải điều trị ngay.
Kết luậnTóm lại, các bệnh về phổi rất phổ biến và là một mối đe dọa sức khỏe của cả nam giới và phụ nữ, trẻ em tới người cao tuổi.
Hầu hết chúng ta ai cũng có những vấn đề về đường hô hấp. Vì vậy, việc giữ gìn sức khỏe cho phổi là rất quan trọng, nó góp phần trong việc bảo vệ và giữ gìn sức khỏe chung của toàn bộ cơ thể. Và chúng ta cũng phải lưu ý, hô hấp có liên quan mật thiết với tinh thần, vì thế việc rèn luyện đường hô hấp phải gắn liền với việc rèn luyện về tinh thần.
Trong thời kỳ mà dịch bệnh đang hoành hành, việc giữ gìn lá phổi khỏe mạnh sẽ giúp cho cơ thể của chúng ta có sức đề kháng tốt, chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, và cũng để bảo vệ chúng ta tránh được các biến chứng về hô hấp nếu chẳng may bị nhiễm SARS-CoV-2.
Lá phổi sạch, là sự phản ánh cho một cơ thể sạch, không bệnh tật, là hệ quả của một tinh thần trong sáng, suy nghĩ tích cực và lành mạnh.
Chức năng quan trọng của phổi
Các cơ quan trong cơ thể được vận hành chính là nhờ oxy được vận chuyển từ phổi tới các tế bào. Vì vậy, phổi là cơ quan chính của cơ thể có trách nhiệm nhận không khí từ môi trường bên ngoài. Cũng bởi lẽ đó, nếu có bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, phổi sẽ bị tác động đầu tiên. Ở trong phổi cũng có nhiều chức năng hỗ trợ chống lại các tác nhân như vi khuẩn, virus xâm nhập.
Các tế bào phổi đều có những chức năng quan trọng, duy trì cho sự sống của cơ thể. Tế bào nội mô phủ trên nền mạch, tế bào biểu mô nằm bên ngoài phế nang, phế quản đóng vai trò như giúp ngăn cản nước và protein đi vào mô kẽ. Trong mô kẽ lại có nhiều tế bào miễn dịch, khi cơ thể gặp vấn đề sẽ sinh sôi nhiều tế bào hơn, nhằm tạo kháng thể tiêu diệt vi khuẩn, tăng cường đề kháng. Lúc này vi khuẩn chết sẽ bị đào thải ra bên ngoài thông qua đờm ho.
Phổi có tầm quan trọng thiết yếu đối với sự sống của con người. Việc đầu tiên bạn cần làm chính là bảo vệ lá phổi của mình. Hãy tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm, khói bụi, hóa chất, không hút thuốc lá. Vào mùa đông, hãy giữ ấm từ cổ đến lồng ngực, ăn uống sinh hoạt thật hợp lý và nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra tình trạng phổi.