Nguyễn Thúy Hòa (TP. Hồ Chí Minh)
Bệnh thủy đậu lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn (5-10 ngày). Trong thời gian mắc bệnh nên bổ sung vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ.Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch, tránh trẻ gãi làm nhiễm trùng các nốt thủy đậu, trẻ nhỏ có thể cho đeo bao tay. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Tránh làm vỡ các nốt thủy đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài.
Ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả. Dùng xanh methylene chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ. Trong trường hợp bình thường những mụn nước thủy đậu sẽ khô đi, đóng vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 - 5 ngày.
Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc, có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt thủy đậu bị nhiễm trùng có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh. Nếu bệnh nhân cảm thấy: khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt thủy đậu nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.
Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, viêm gan, viêm phổi… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Cách tốt nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh thuỷ đậu cho trẻ, cần theo dõi để tiêm nhắc lại đúng lịch.