Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều tai nạn có thể xảy ra với trẻ, nguyên nhân có thể do các yếu tố khách quan, nhưng cũng có nhiều nguyên nhân do sự chủ quan của chính cha mẹ.
Tay trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vốn còn khá non yếu, xương chưa phát triển hoàn thiện nên rất dễ bị tổn thương.
Thế nhưng nhiều bậc cha mẹ có thói quen kéo mạnh tay con, kéo đột ngột hoặc cầm tay con để chơi trò quăng người mà không hề ý thức được rằng hành động này có thể gây nguy hiểm cho cánh tay, làm trật khớp khuỷu tay của trẻ.
Nhiều bậc cha mẹ chủ quan và đã vô tình làm trật khớp khuỷu tay vốn còn non yếu của trẻ bằng những hành động như kéo mạnh tay con, cầm tay con để đu người (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị trật khớp khuỷu tay
Thông thường, xương khuỷu tay (xương quay) và khớp khuỷu tay (xương cánh tay) của trẻ được giữ cố định nhờ các dây chằng có tính đàn hồi, nhưng khi dây chằng bị giãn (ví dụ như khi trẻ bị kéo mạnh tay đột ngột hoặc té ngã) thì xương sẽ bị trượt ra khỏi vị trí bình thường tại khớp.
Đây là một loại chấn thương phổ biến thường xảy ra với trẻ dưới 5 tuổi.
Nguyên nhân là do các dây chằng vẫn còn lỏng lẻo, khớp xương còn yếu nên rất dễ dẫn đến tình trạng trật khớp đầu xương khuỷu tay, kèm theo một số hành động chủ quan gây nguy hiểm của cha mẹ như:
- Nâng hoặc nhấc bế trẻ lên bằng cách kéo tay, xách tay bé.
- Cha mẹ cầm tay bé và di chuyển theo hướng ngược nhau đột ngột (chẳng hạn như khi chơi trò chơi).
- Bé bị kéo hoặc giật tay mạnh, đột ngột.
- Bé bị kéo tay lại lúc sắp té ngã hoặc khi trẻ đột nhiên bước xuống lề đường hoặc cầu thang khi bạn đang nắm tay của trẻ có thể tạo ra lực kéo, dẫn đến trật khớp khuỷu tay.
Mô phỏng hiện tượng trật khớp xương khuỷu tay ở trẻ.
- Cha mẹ cầm tay con để chơi trò quăng người, đu đưa.
- Kéo tay con trong lúc mặc áo, thay áo cho con.
Bất kỳ hành động giật tay đột ngột, kéo tay, quăng tay trẻ đều có thể khiến các khớp khuỷu tay bị trượt ra khỏi vị trí ban đầu.
Ngoài ra trật khớp khuỷu tay còn xảy ra khi trẻ bị ngã, với trẻ nhỏ hơn thì ngay cả hành động trườn, lăn người qua tay cũng có thể vô tình khiến khớp bị trật.
Một số biểu hiện khi trẻ bị trật khớp xương khuỷu tay
Sau khi bị trật khớp, trẻ có thể khóc với cơn đau dữ dội khi cử động khuỷu tay, trẻ không thể uốn cong khuỷu tay, cầm nắm hay làm bất cứ việc gì như bình thường, thậm chí cha mẹ có thể nghe thấy tiếng "rắc" phát ra, tay trẻ không cử động được và buông thõng xuống.
Sau khi bị trật khớp, trẻ có thể bị đau và không thể cử động tay như bình thường (Ảnh minh họa)
Với một số trẻ, trật khớp đầu xương khuỷu tay có thể không dễ nhận ra vì các chấn thương không gây ra biến dạng rõ ràng ở tay hoặc sưng ở khuỷu tay trừ khi bé kêu đau hoặc không thể cử động được nữa.
Hướng điều trị khi trẻ bị trật khớp khuỷu tay
Trật khớp xương đầu khuỷu tay là một tình trạng dễ xảy ra với trẻ nhỏ, các bé cần được điều trị tức thời và hợp lý để tránh những tổn thương lâu dài. Nếu để tình trạng trật khuỷu tay của bé càng lâu thì bé sẽ càng bị đau và sẽ càng khó chữa.
Việc cha mẹ cần làm:
- Chườm đá hoặc nước lạnh trong 10-15 phút lên chỗ bị đau để làm dịu cũng như giảm sưng.
- Không để bé di chuyển, cử động để tránh lực tác động lên khớp đang bị sai.
- Dùng một miếng vải hay áo buộc cố định cánh tay trẻ để cố định phần trật khớp khuỷu tay đang bị đau.
- Đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Các bác sĩ có thể dễ dàng điều trị tình trạng này bằng cách:
- Cho trẻ dùng thuốc giảm đau và thư giãn cơ bắp.
- Nắn khớp xương tay của trẻ cho trở lại đúng vị trí của nó.
Khi phát hiện trẻ bị trật khớp tay, cha mẹ cần cố định tay cho bé và đưa con đến cơ sở y tế
- Cho trẻ đeo nẹp hoặc băng trong một thời gian nếu cần thiết.
- Tiến hành các bài tập vật lý trị liệu để cải thiện phạm vi chuyển động và sức mạnh ở tay.
- Với những trường hợp trẻ bị nặng cần phải phẫu thuật như có bất kỳ phần xương trật khớp nào bị gãy, dây chằng bị tổn thương nặng cần phải được gắn lại hoặc cần khôi phục các mạch máu.
Biện pháp phòng ngừa hiện tượng trật khớp khuỷu tay ở trẻ
Để hạn chế tình trạng trật khớp xương đầu khuỷu tay ở trẻ nhỏ, ngay từ bây giờ cha mẹ hãy cùng thực hiện các biện pháp phòng ngừa như sau:
- Không nhấc trẻ lên bằng cánh tay hoặc bàn tay, hãy nhấc trẻ lên từ dưới nách.
- Không kéo mạnh hoặc giật tay, cánh tay của trẻ.
- Không chơi đu quay, di chuyển trẻ bằng cách nắm lấy bàn tay hoặc cánh tay của trẻ.
- Hướng dẫn và nhắc nhở người thân trong gia đình (ông bà nội ngoại, người trông trẻ) các nguyên tắc an toàn cho trẻ và cùng thực hiện.
Nguồn: Kidshealth, Children, Instagram