Trong 15 năm qua, Karthik Ganesh, CEO và giám đốc hội đồng quản trị của EmpiRx Health, một công ty quản lý quyền lợi dược phẩm tại Mỹ, chỉ sở hữu ít hơn 100 vật dụng cá nhân, và anh ấy nói rằng mình làm việc hiệu quả hơn nhờ điều này.
Đối với nhiều người, có thể vung tiền vào các mặt hàng vật chất là một biểu hiện của sự thành công. Nhưng Ganesh, người hiện chỉ đang sở hữu 89 món đồ cá nhân, lại suy nghĩ hoàn toàn ngược lại, anh cho rằng càng sở hữu ít thì anh càng có nhiều tự do.
CEO Karthik Ganesh
Ganesh đếm từng món đồ của mình. Chẳng hạn: mỗi một món quần áo được tính là một thứ, đồ điện tử, giày dép và các mặt hàng linh tinh khác cũng được tính tương tự. Anh chia sẻ rằng nếu ngày mai phải "đóng gói tất cả đồ đạc của mình", anh ấy sẽ chẳng cần phải lo lắng nhiều.
Ganesh nói với CNBC Make It: "Lối sống này đem lại cảm giác cực kỳ tự do. Nếu bạn không sở hữu quá nhiều thứ, nó mang lại cho bạn sự thoải mái hơn để có thể giải quyết cuộc sống, công việc, gia đình… Nó cho bạn khả năng xử lý mọi thứ rất khác vì bạn không bị che mắt."
Lối sống này nhấn mạnh việc tiêu ít tiền hơn và chỉ giữ những món đồ có giá trị và ý nghĩa. Chủ nghĩa tối giản đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây, khi đại dịch khiến mọi người phải suy nghĩ lại về những gì là thiết yếu đối với mình và đánh giá lại thói quen chi tiêu sau khi mất việc.
Bằng cách đưa chủ nghĩa tối giản vào cả việc lãnh đạo, Ganesh đã nâng tầm khả năng thích ứng và tính quyết đoán của bản thân trong việc điều hành công ty của mình.
"Chúng tôi không đưa ra các kế hoạch chiến lược ba năm. Chúng tôi có một kế hoạch 10 tháng và chúng tôi xem xét lại kế hoạch đó hàng tháng. Sự thất vọng và thử thách trong cuộc sống đến từ việc bạn lập một kế hoạch, rồi vô cùng hy vọng rằng nó sẽ thành công, bạn gắn mình với nó, nương tựa vào nó. Và sau đó khi nó không xảy ra, bạn sẽ nản lòng. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không quá phụ thuộc vào nó? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn lập một kế hoạch và chỉ nghĩ rằng, tôi sẽ làm mọi thứ có thể để biến kế hoạch này thành hiện thực, và nếu nó không xảy ra, cũng không sao cả! Tôi sẽ tiếp tục tiến lên và thử một cái gì đó khác."
Tư duy này đã cho phép Ganesh "suy nghĩ về các chiến lược tác động đến mọi người và công ty một cách rất khác biệt," và nhờ nó, "Tôi có thể tận hưởng cuộc hành trình. Kết quả chỉ là một sản phẩm phụ".
Chủ nghĩa tối giản không chỉ giúp ích cho Ganesh, mà nó còn có tác động tích cực đến nhân viên của anh ấy, một số người thậm chí còn gửi cho anh ấy hình ảnh về những chiếc bàn và tủ quần áo gọn gàng của họ sau khi loại bỏ những vật dụng không cần thiết.
"Họ nói rằng mình cảm thấy nhẹ nhàng hơn, cảm thấy thoải mái hơn. Nó giúp họ cảm thấy thăng hoa hơn trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Nó khiến họ cảm thấy như thể, khi không có sự kiểm soát với mọi thứ xung quanh, họ có thể tập trung vào những thứ mà họ có thể kiểm soát. Và điều này có ý nghĩa rất lớn đối với họ."
Nói về lời khuyên dành cho những người muốn kết hợp chủ nghĩa tối giản vào lối sống của mình, Ganesh nói rằng "có chủ ý" chính là chìa khóa cho lối sống này.
"Việc lùi lại một bước và tự hỏi bản thân điều gì là thực sự quan trọng là chìa khóa của lối sống này. Nếu điều gì đó không đủ quan trọng, bạn chỉ cần loại bỏ nó. Nếu thứ gì đó vẫn mãi mà chưa được sử dụng, hãy loại bỏ nó, đồng thời bỏ đi suy nghĩ gọi là "nhỡ sau này’, 'trong trường hợp'. Sau đó, hãy tự hỏi bản thân xem điều đó có khiến bạn cảm thấy mình có nhiều không gian trong tâm trí hơn không? Nó có cung cấp cho bạn nhiều không gian thở hơn để tập trung không? Nếu có, hãy tiếp tục loại bỏ những thứ không cần thiết. Và hãy xem xem cuộc sống của bạn lúc này trông như thế nào."
(Sohu)