Mới đây, một loạt vụ việc các hành khách có hành vi không đúng mực, vi phạm nội quy của sân bay như nhảy múa trên đường bay khi đang có máy bay di chuyển, ngồi trên băng chuyền hành lý... đã nhận được sự quan tâm lớn và gây nên nhiều tranh cãi.
Những hành động này ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác vận hành của các nhân viên sân bay, tài sản của sân bay cũng như an toàn của chính hành khách.
Liên tiếp những hành động phục vụ mục đích "sống ảo" của hành khách tại sân bay trong thời gian gần đây gây nên làn sóng tranh cãi dữ dội. (Ảnh Internet)
Nhiều ý kiến bình luận về những vụ việc cho rằng, nên có chế tài xử lý mạnh tay với những hành vi này.
"Nên cấm bay 10 năm cộng với phát thêm vài chục triệu cho chừa", một tài khoản facebook Linh Dang bình luận. "Nên cấm bay vĩnh viễn cả người thực hiện lẫn người quay phim, thiếu ý thức đến thế là cùng.", một người khác tên Thành Ngân cho hay.
Trên thực tế, không phải hành động nào của hành khách cũng có thể dẫn tới "án phạt" cấm bay. Tuy nhiên, theo Nghị định về An ninh Hàng không và Luật Hàng không dân dụng, một số trường hợp có thể bị xem xét bị cấm bay từ 3 - 12 tháng, cho tới vĩnh viễn.
1. Cấm bay từ 3 - 12 tháng
3 - 12 tháng là mức thời gian cấm bay ngắn nhất. Cụ thể, áp dụng với những đối tượng hành khách vi phạm những quy định sau:
- Hành khách gây rối: Những hành vi gây rối trong khu vực sảnh chờ, đường bay, máy bay... sẽ bị xem xét. Như những trường hợp đã nêu trên, là hành khách nhảy múa trên đường băng của máy bay, ngồi trên băng chuyền hành lý... đều có thể bị coi là hành động hành khách gây rối.
Thêm vào đó, các hành vi gây rối khác có thể kể tới như: Không thực hiện các quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng; Phát ngôn mang tính đe dọa sử dụng bom, mìn, vật liệu nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hoạt trong khu vực làm thủ tục hay trên máy bay; Cố ý tung tin, cung cấp thông tin sai về việc có bom, mìn, vật liệu nổ, chất nổ, chất phóng xạ, vũ khí sinh hóa học gây ảnh hưởng đến hoạt động tại sân bay.
Những vụ việc gây rối tại sân bay có thể bị cấm bay lên đến 1 năm. Tiêu biểu là vụ việc nữ hành khách gây rối tại sân bay Tân Sơn Nhất 2019 đã bị cấm bay 12 tháng. (Ảnh Internet)
- Sử dụng giấy tờ giả: Những giấy tờ cần thiết mà hành khách cần đem theo để làm thủ tục và đi máy bay tối thiểu bao gồm chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, vé máy bay điện tử hoặc vé giấy. Nếu hành khách cố tình làm giả và sử dụng những loại giấy tờ giả này để lên máy bay, khi bị phát hiện sẽ bị xử lý theo đúng quy định.
2. Cấm từ 12 - 24 tháng
Mức phạt cấm bay nặng thứ 2 là có thời gian cấm bay từ 12 - 24 tháng.
Những hành khách có nguy cơ bị xét vào diện này bao gồm:
- Hành khách đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm một trong những trường hợp bị cấm bay 3 - 12 tháng.
- Hành khách xâm nhập trái phép vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay,...
- Đưa vật phẩm nguy hiểm, đe dọa an toàn của những người khác trong tàu bay, càng hàng không và các khu vực hạn chế khác. Những vật phẩm nguy hiểm này có thể bao gồm vũ khí, đạn dược, chất gây cháy nổ, chất độc hóa học và sinh học, chất phóng xạ và các vật, chất khác có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng, sự an toàn của con người trên chuyến bay.
Việc đưa các vật phẩm nguy hiểm, đe dọa an toàn tại sân bay, máy bay sẽ bị xem xét cấm bay từ 12 - 24 tháng. (Ảnh minh họa)
- Một số trường hợp khác như uy hiếp, thực hiện hành vi trái pháp luật với các hành khách khác, nhân viên tại sân bay, tàu bay... cũng bị xét vào diện cấm bay từ 12 - 24 tháng.
3. Cấm vĩnh viễn
Mức xử phạt cao nhất đó là cấm hành khách vĩnh viễn không được tham gia vận chuyển bằng được hàng không. Theo đó, những hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị xét vào diện này.
Tương tự như mức 2 - cấm bay 12 đến 24 tháng, những hành khách đã bị xử lý ở mức này nhưng vẫn vi phạm một trong những hành vi sai phạm sẽ bị xem xét cấm vĩnh viễn.
Tiếp đến là hành động bắt giữ con tin, chiếm đoạt bất hợp pháp thậm chí dẫn tới bạo loạn tại cảng hàng không, trên tàu bay hay bất cứ khu vực nào khác cũng được đánh giá là gây nên hậu quả nghiêm trọng, cần cấm bay vĩnh viễn.
Cuối cùng là sử dụng máy bay như một vũ khí.
Trên thực tế, tất cả các hành vi về trường hợp bị cấm trên đều đã từng xảy ra và xuất hiện ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Duy chỉ có điều cuối cùng là sử dụng máy bay như một vũ khí thì khá hiếm gặp, hầu như chưa từng có tiền lệ.
Vụ nổ súng gây bạo loạn ở sân bay quốc tế Los Angeles, Mỹ năm 2013. (Ảnh Internet)
Với các hành vi dẫn tới hình phạt cấm bay, Cục Hàng không sẽ vào cuộc xác minh, thu thập đủ căn cứ rồi mới xem xét, xử lý theo đúng quy định.
Hành khách khi bị cấm bay tức là sẽ bị cấm với tất cả các chuyến bay nội địa, chuyến bay quốc tế xuất phát từ Việt Nam của tất cả các hãng hàng không từ Việt Nam cho đến nước ngoài.
Sân bay được coi là một địa điểm công cộng, vì vậy hãy là một hành khách văn minh, lịch sự để không mắc phải những hành vi vi phạm, ảnh hưởng tài sản công, những người xung quanh hay chính bản thân mình.
Đừng vì những lượt xem, lượt yêu thích hay những cái chia sẻ "ảo" trên mạng xã hội mà bất chấp làm mọi việc, dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Một trong số đó cấm bay chính là hình phạt nặng nề nhất.