Cây bồ công anh còn gọi là cây diếp dại, diếp trời, rau bồ cóc, rau mét, cây mũi mác. Lá của bồ công anh thường mọc lên từ sát đất, có đường viền trơn nhẵn hoặc hình răng cưa. Hoa của bồ công anh thường có màu trắng nhỏ li ti, nở thành chùm và có hình dạng như một đám mây.
Loại cây này được Bộ Y tế liệt kê trong bộ tranh minh họa 70 cây cây thuốc mẫu được sử dụng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; làm tài liệu hướng dẫn nhận biết cây thuốc trong việc phòng bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và là tài liệu truyền thông giáo dục chăm sóc sức khỏe cho người dân tại cộng đồng.
Từ lâu, cây bồ công anh được đánh giá là có hương vị đắng và tính mát, được dùng để thanh lọc và làm mát cơ thể. Lá bồ công anh được sử dụng để điều trị nhiều tình trạng sức khỏe như viêm da, mụn nhọt, viêm gan, viêm loét dạ dày và đau ngực.
Đối với những phụ nữ mới sinh, sử dụng cây bồ công anh như một giải pháp tự nhiên, an toàn và không tốn kém để điều trị tình trạng tắc tia sữa và các bệnh viêm nhiễm khác. Theo đông y, có thể dung dùng 8 - 30g (khô), 20 - 40g (cây tươi), ép lấy nước uống hoặc sắc uống khi bị tắc tuyến sữa, hoặc giã nhỏ đắp vào vùng vú bị sưng do tắc tia sữa.
Phần lá và thân bồ công anh chứa nhiều khoáng chất như canxi, natri, magiê và các vitamin A, B1 và B6, có lợi cho làn da, xương và thị lực.
Ngoài ra, cây bồ công anh có chứa một lượng lớn inulin – chất xơ chưa tiêu hoá giúp tăng cường hệ tiêu hoá. Nhiều kiểm chứng thực tế đã chứng minh, cây bồ công anh có tác dụng hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa của cơ thể.
Nhờ có tính làm mát nên cây bồ công anh có tác dụng tốt cho hệ tiết niệu, giúp đào thải độc tố bên trong thận và hỗ trợ tăng cường các lợi khuẩn tốt cho hệ tiết niệu của cơ thể.
Với bệnh nhân tiểu đường, bồ công anh hỗ trợ kích thích tuyến tụy tăng tiết insulin, giúp giảm bớt lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể.
Lá bồ công anh có một chất màu trắng rất tốt cho việc sát trùng, loại bỏ côn trùng, diệt nấm, nên nó còn được dùng hỗ trợ điều trị các vấn đề nhiễm nấm hoặc vi khuẩn ngoài da tốt.