Cầu nối năng lượng

Phương Hoa |

Đức và Canada đã đồng ý hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực năng lượng. Đây được xem là kết quả khá tích cực trong chuyến công du của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới quốc gia Bắc Mỹ nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương, đặc biệt là tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế để giảm sự phụ thuộc từ Nga, trong bối cảnh nguồn cung tiếp tục giảm liên quan đến cuộc xung đột Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau (thứ 2, phải) chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác xuất khẩu nhiên liệu hydro sang châu Âu giữa Giám đốc điều hành Volkswagen AG (thứ 2, trái) và Bộ trưởng Sáng kiến khoa học-công nghệ Canada Francois-Philippe Champagne (phải) tại Toronto (Canada) ngày 23/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau (thứ 2, phải) chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác xuất khẩu nhiên liệu hydro sang châu Âu giữa Giám đốc điều hành Volkswagen AG (thứ 2, trái) và Bộ trưởng Sáng kiến khoa học-công nghệ Canada Francois-Philippe Champagne (phải) tại Toronto (Canada) ngày 23/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Có thể nói, việc nhà lãnh đạo Đức lựa chọn Canada là điểm đến trong chuyến công du kết thúc ngày 23/8 với đoàn tùy tùng gồm Phó Thủ tướng Robert Habeck và hàng chục doanh nghiệp lớn là bước đi có tính toán. Không chỉ là đồng minh thân cận trong Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Canada còn là nước có tiềm lực kinh tế lớn với nguồn năng lượng dồi dào. Berlin muốn cùng Ottawa hình thành một “mạng lưới tin cậy” cho hợp tác công nghiệp nhằm tận dụng những lợi thế mang lại cho cả hai bên.

Ngay trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Canada Justin Trudeau ở Montreal, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du kéo dài 3 ngày, ông Scholz đã khẳng định: “Canada và Đức là hai mảnh ghép hoàn hảo”. Canada có mọi thứ mà Đức cần với môi trường đầu tư tốt để nước này có thể giảm sự phụ thuộc vào Nga về năng lượng. Trên cơ sở xác định Canada đóng vai trò trung tâm đối với sự phát triển của hydro xanh, Berlin thực sự muốn trở thành đối tác của Canada trong việc xuất khẩu hydro trong tương lai.

Tại Newfoundland, vùng phát triển mạnh về công nghệ nhiên liệu hydro của Canada, ông Trudeau và ông Scholz đã chính thức hóa một tuyên bố chung về sản xuất nhiên liệu hydro. Với “liên minh hydro” mới này, Canada sẽ tăng tốc phát triển năng lượng hydro được lấy từ các nguồn tài nguyên tái tạo hoặc phát thải thấp, sau đó hợp tác với Đức để xây dựng năng lực thương mại, bắt đầu xuất khẩu xuyên Đại Tây Dương từ năm 2025.

Về phần mình, Đức khẳng định coi Canada, với nguồn năng lượng thủy điện dồi dào, là một “siêu cường hydro” tiềm năng có thể giúp cung cấp cho Đức nguồn năng lượng phát thải thấp mà nước này cần để cung cấp nhiên liệu cho các ngành công nghiệp nặng trong bối cảnh các nước nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch.

Mặc dù chưa thể đưa ra giải pháp tức thì cho tình trạng thiếu hụt năng lượng của Đức trong mùa Đông tới do chưa có hệ thống cơ sở hạ tầng cần thiết để vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), ông Trudeau khẳng định Canada sẵn sàng dỡ bỏ các rào cản pháp lý đối với các dự án xuất khẩu LNG. Thậm chí, ông cho biết Canada đang thăm dò các phương án để xem việc xuất khẩu LNG có hợp lý hay không và liệu có cách nào cho phép xuất khẩu LNG trực tiếp sang châu Âu không.

Cầu nối năng lượng - Ảnh 1.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau (phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại cuộc gặp ở Montreal, Quebec, Canada, ngày 22/8/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong khi đó, ông Scholz đã đề cập đến cả hai loại hình năng lượng, cho rằng Đức sẽ nỗ lực hết sức trong tương lai để đạt được mục tiêu này. Theo đó, Đức sẽ trở thành nền kinh tế trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 và Canada sẽ đóng vai trò là nước phát triển hàng đầu về công nghệ hydro xanh.

Cùng với năng lượng, Đức và Canada còn nhiều tiềm năng hợp tác, có thể kể đến những lĩnh vực như nguyên liệu thô coban, niken, than, lithium... phục vụ sản xuất pin và thiết bị điện tử, rất quan trọng đối với nền công nghiệp lớn như Đức. Canada sẽ cấm bán ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2035, cũng như tìm cách thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất pin và ô tô điện (EV) vốn là sở trường của Đức. Cả hai nước cùng cam kết thúc đẩy việc sử dụng xe điện và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế sạch.

Liên quan đến các vấn đề quốc tế, hai nhà lãnh đạo Đức - Canada cũng nhất trí hợp tác để đạt được tiến bộ về các dự án ưu tiên chung, bao gồm hỗ trợ Ukraine, giải quyết những tác động toàn cầu như an ninh lương thực, hành động vì môi trường, thúc đẩy thương mại và đầu tư, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Có thể nhận thấy chuyến thăm của nhà lãnh đạo Đức tới Canada đã đưa hai nước xích lại gần nhau hơn. Giáo sư Achim Hurrelmann thuộc Đại học Carleton, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu của trường Carleton, đánh giá chuyến thăm của ông Scholz cho thấy Canada đã tăng tầm quan trọng như một đối tác của Đức. Theo ông Hurrelmann, năm 2021, xuất khẩu của Canada sang Đức đạt trị giá 6,9 tỷ USD, chỉ chiếm khoảng 1,1% tổng kim ngạch xuất khẩu năm đó - trong khi nhập khẩu đạt 19 tỷ USD. Tuy nhiên, do những tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine và tâm lý lo lắng kéo dài về chủ nghĩa dân túy, Canada được coi là một đối tác thực sự phù hợp đối với Đức.

Trong khi đó, Giáo sư Bessma Momani thuộc Đại học Waterloo cho rằng: “Hiện tại là thời điểm khó khăn và Canada muốn chào đón các nhà lãnh đạo châu Âu, bởi tâm lý bảo hộ ở Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Canada - đang ở mức cao, và Canada sẽ là nạn nhân đầu tiên của chủ nghĩa này”.

Cầu nối năng lượng - Ảnh 2.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại cuộc gặp ở Montreal, Quebec, Canada, ngày 22/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Quan hệ giữa Đức và Canada, hai nước cùng là thành viên G7 và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), từng có những bước thăng trầm khi Berlin ngầm phản đối một số hạng mục của Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada (CETA). Với việc Đức lên kế hoạch phê chuẩn CETA vào mùa Thu, ông Scholz lạc quan điều này sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ Đức - Canada: hợp tác sâu hơn về thương mại, năng lượng và tài nguyên.

Các lĩnh vực đề cập trong chuyến công du rất rộng, song ưu tiên hàng đầu của nhà lãnh đạo Đức khi tìm đến đối tác quan trọng và tin cậy bậc nhất trong G7 vẫn là giải quyết sớm những rắc rối về năng lượng, thông qua giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

Trong khi đó, ngành công nghiệp hydro ở Canada đã “chín muồi” để phát triển do bờ biển phía Đông gần với châu Âu. Ngoài ra, với việc Đức đặt mục tiêu đạt mức phát thải bằng không vào năm 2045, giới phân tích cho rằng các khoản đầu tư vào những dự án hydro cường độ carbon thấp của Canada là những dự án hấp dẫn hơn so với việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch để đưa khí đốt từ phía Tây Canada đến châu Âu. Với ý nghĩa đó, có thể nói thỏa thuận hợp tác Đức và Canada đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng Olaf Scholz đã góp phần xây nên cầu nối năng lượng xuyên Đại Tây Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại