Vấn đề khó giải quyết của Đức
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông muốn Canada tăng xuất các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu nhưng thừa nhận việc thiếu cơ sở hạ tầng và thiếu thủ tục chứng nhận thương mại với hàng xuất khẩu của Canada đang cản trở việc thúc đẩy nguồn cung.
"Chúng tôi thực sự muốn Canada xuất khẩu nhiều LNG sang châu Âu hơn", ông Scholz nói trên CBC News.
"Chính phủ đang tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các lĩnh vực kinh doanh của Canada và Đức để xem có thể thực hiện được bất kì điều gì để đối phó với cuộc khủng hoảng này hay không... nhưng đây là một phần của quá trình kết nối giữa các doanh nghiệp 2 nước".
Ông Scholz cho biết cần phải tìm ra một phương án khả thi: "Nếu chi phí quá đắt, thương vụ sẽ bất thành".
Hôm 22/8, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng khí đốt tự nhiên sẽ phải được vận chuyển bằng đường ống từ các mỏ khí đốt ở Tây Canada đến một nhà ga hóa lỏng vẫn chưa được xây dựng trên bờ biển Đại Tây Dương để cung cấp cho châu Âu.
Nga đã giảm mạnh nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu trong những tuần gần đây. Ảnh minh hoạ: Picture Alliance | Getty Images
Theo ông Trudeau, một dự án như vậy sẽ rất tốn kém và có thể thấy là không có lợi về lâu dài do Châu Âu đang cam kết nhanh chóng chuyển đổi sang một nền kinh tế sạch hơn.
Ông nói: "Một trong những thách thức đối với LNG là số tiền đầu tư cần thiết để xây dựng cơ sở hạ tầng cho nó. Chưa từng có dự án nào tương tự trong quá khứ có thể khai thác các mỏ khí ở xa, vì vấn đề phải vận chuyển lượng khí đó trên quãng đường dài trước khi hóa lỏng".
Ngay cả khi các bên tìm ra được giải pháp để khai thác và tăng xuất khẩu LNG từ Canada, thì Đức cũng không có cơ sở hạ tầng để nhận.
Thủ tướng Đức nói: "Chúng tôi chưa xây dựng các thiết bị đầu cuối để nhập khẩu khí thiên nhiên lỏng sang Đức tại các bờ biển ở phía bắc. Vì vậy, những gì chúng tôi sẽ làm là xây dựng các cảng ở nhiều nơi để nhập khẩu khí tự nhiên và khí tự nhiên hoá lỏng, điều này thực sự sẽ tạo ra sự khác biệt."
Ông Scholz cho biết cơ sở hạ tầng đường ống và thiết bị đầu cuối sẽ đi vào hoạt động vào tháng 1/2023, cho phép Đức bắt đầu nhận LNG đến bằng tàu.
Ông cho biết, ngay cả khi không nhập khẩu trực tiếp LNG từ Canada, thì việc Canada và Mỹ tăng sản lượng đưa vào thị trường toàn cầu cũng đang giúp giảm bớt căng thẳng cho chính phủ Đức.
Ông nói: "Ngay cả khi những mặt hàng xuất khẩu này không trực tiếp đến Đức hoặc sang châu Âu, nó vẫn sẽ giúp trong việc giải quyết vấn đề thiếu nguồn cung".
Ông Scholz cho biết Đức đang cố gắng hết sức để dự trữ LNG trong những tháng lạnh lẽo sắp tới, để giảm sử dụng khí đốt và đưa năng lượng từ than trở lại để giúp đất nước "đứng vững" cho đến khi giải quyết được các vấn đề năng lượng.
Thiếu hụt khí đốt trong mùa đông
Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã tăng vào ngày 22/8 sau khi tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga cho biết họ sẽ đóng cửa cơ sở hạ tầng khí đốt lớn nhất châu Âu trong 3 ngày kể từ cuối tháng.
Việc bảo trì đột xuất hoạt động trên đường ống Nord Stream 1, chạy từ Nga đến Đức qua Biển Baltic, làm trầm trọng thêm mâu thuẫn khí đốt giữa Nga và Liên minh châu Âu cũng như làm gia tăng nguy cơ suy thoái và thiếu hụt khí đốt trong mùa đông.
Gazprom cho biết việc ngừng hoạt động là do máy nén duy nhất còn lại của đường ống cần được yêu cầu bảo dưỡng. Các dòng khí qua đường ống Nord Stream 1 sẽ bị tạm hoãn trong thời gian 3 ngày từ ngày 31/8 đến ngày 2/9.
Gazprom cho biết việc truyền dẫn khí đốt sẽ được tiếp tục với tốc độ 33 triệu mét khối mỗi ngày khi công việc bảo trì hoàn thành "với điều kiện là không xác định được bất kì trục trặc nào".
Thông báo về việc hoãn tạm thời được đưa ra trong bối cảnh các chính phủ châu Âu đang tranh thủ lấp đầy các cơ sở dự trữ dưới lòng đất bằng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên để có đủ năng lượng giữ ấm cho các hộ gia đình trong những tháng tới.
Nga đã giảm đáng kể nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu trong những tuần gần đây, dòng chảy qua đường ống Nord Stream 1 hiện chỉ hoạt động ở mức 20% khối lượng đã thỏa thuận.
Đức coi việc cắt giảm nguồn cung là một động thái chính trị gây căng thẳng cho toàn khối EU.