"Theo kịch bản tập trận, một kẻ thù giả định đã dùng các phương tiện không người lái tấn công vào các cứ điểm triển khai hệ thống phòng không tối tân S-400 Triumf của Nga. Trong cuộc tập trận, các lực lượng thuộc đơn vị Pantsir-S1 đã phát hiện, xác định và phá hủy một loạt mục tiêu trên không ở khoảng cách an toàn”, văn phòng báo chí Hạm đội Biển Đen cho biết trong một tuyên bố.
Các tổ hợp tên lửa/pháo phòng không Pantsir-S1 đã được triển khai đến Crimea để bảo vệ vùng trời cũng như các cứ điểm triển khai tên lửa đất đối không S-400 của Nga trên bán đảo mới được sáp nhập này, văn phòng báo chí của Hạm đội Biển Đen cho hay.
Để tạo ra một môi trường sát với một cuộc chiến thực sự trong cuộc tập trận, các lực lượng an ninh “đã đẩy lui một cuộc tấn công của nhóm trinh sát và phá hoại ngầm của kẻ thù giả định."
"Lực lượng vận hành các hệ thống tên lửa đã hoàn thành nhiệm vụ được giao trong giới hạn thời gian cho phép, vô hiệu hóa các vũ khí tấn công từ trên không của kẻ thù giả định”, tuyên bố của văn phòng báo chí cho hay.
Pantsir-S (NATO gọi là: SA-22 Greyhound) là một tổ hợp tên lửa/pháo phòng không có khả năng tiêu diệt hầu hết các mục tiêu trên không trong phạm vi ngắn và trung. Đây là một trong những hệ thống phòng không tầm gần tiên tiến nhất của Nga hiện nay.
Mỗi tổ hợp phòng không Pantsir-S gồm 2 khẩu pháo phòng không tự động 2 nòng 30 mm và các tên lửa đất - đối - không 57E6 cùng với radar hoặc thiết bị quang học theo dõi mục tiêu và đài chỉ huy vô tuyến. Hiện tại, đây được xem là tổ hợp pháo phòng không kết hợp với tên lửa bán chạy nhất thế giới và không có đối thủ trên thị trường vũ khí.
Các tổ hợp phòng không Pantsyr-S thường được sử dụng để bảo vệ những khu vực mục tiêu trọng yếu, các điểm dân cư và quân sự, đội hình đơn vị chiến đấu đang cơ động lên tới cỡ trung đoàn hoặc các tổ hợp phòng không khác như S-300/S-400.
Hệ thống Pantsir-S được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu trên không hoặc dưới mặt đất và trong khi di chuyển có khả năng bám sát tới 20 mục tiêu và thực hiện phóng cùng lúc hai tên lửa vào mục tiêu.
Trong khi đó, S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s.
S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.
Sở dĩ nói bán đảo Crimea là vùng đất nhạy cảm là bởi đây là nơi chứng kiến cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa Nga với phương Tây. Crimea đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hồi tháng 3 năm 2014.
Kể từ sau vụ sáp nhập này, giới chức chính quyền Kiev luôn miệng khẳng định sẽ tìm mọi cách để lấy lại bán đảo Crimea. Phương Tây liên tục gây sức ép đòi Nga phải trả Crimea cho Ukraine.
Tuy nhiên, Nga giữ lập trường cứng rắn, khẳng định sẽ không bao giờ có chuyện trả lại bán đảo Crimea cho Ukraine. Moscow cũng tăng cường triển khai hàng loạt vũ khí mạnh hàng đầu của nước này đến Crimea để tỏ rõ sự quyết tâm của họ trong việc bảo vệ Crimea.