Siêu vũ khí S-400 của Nga gây sóng gió ở châu Á

Kiệt Linh |

Quyết định của Ấn Độ trong việc mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang, Pakistan mới đây đã tuyên bố như vậy đồng thời kêu gọi đối thủ của mình hãy từ bỏ hợp đồng S-400 vì quyền lợi của “sự ổn định”.

Với lý do “quan ngại về việc đưa các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo vào khu vực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pakistan Aisha Farooqui hôm 24/1 đã nói với các phóng viên rằng, hệ thống tên lửa đình đám S-400 của Nga là “một hệ thống gây bất ổn” có thể làm “phương hại đến sự răn đe và ổn định ở khu vực Nam Á đồng thời dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang không cần thiết.”

Vị quan chức của Pakistan cũng nhấn mạnh rằng “việc đưa vào trực chiến các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo không nên tạo ra bất kỳ ảo tưởng nào về an ninh hay tính toán sai lầm nào” bởi Pakistan “có năng lực về công nghệ để có thể đảm bảo tính hiệu quả trong khả năng răn đe của mình”.

Nghịch lý là trong khi đưa ra phát biểu trên thì Pakistan vẫn tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo đất đối đất mới nhất của nước này.

Với những phát biểu nói trên, hợp đồng S-400 giữa Nga và Ấn Độ có thêm một nước phản đối sau Mỹ.

Hai nước Nga và Ấn Độ đã ký hợp đồng S-400 trong chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin đến Ấn Độ hồi tháng 10 năm 2018.

Mỹ đặc biệt lo ngại viễn cảnh Ấn Độ mua các hệ thống phòng không tối tân S-400 của Nga sau khi đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ của họ đã ký một hợp đồng tương tự. Gần đây, Washington “đứng ngồi không yên” khi hàng loạt các đối tác và đồng minh của họ đều tìm cách mua được các tên lửa cực mạnh S-400 của Nga.

Đã có thời điểm giới chức Mỹ ám chỉ đến khả năng không dùng biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ trong hợp đồng S-400 vì lo sợ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ đang nồng ấm giữa hai nước. Tuy nhiên, gần đây, mọi thứ dường như đang thay đổi. Giới chức Mỹ đã tung ra cảnh báo nhiều hơn về việc sẵn sàng tung ra đòn trừng phạt đối với đối tác lớn Ấn Độ.

Trong lúc này, phía Nga hôm giữa năm ngoái đã thông báo, họ sẽ bàn giao các tên lửa S-400 cho Ấn Độ sau năm 2020.

New Delhi đã hoàn tất giai đoạn thanh toán trước đầu tiên cho lô hàng S-400 vào hồi cuối năm ngoái. Hoạt đồng bàn giao các tên lửa S-400 được cho là sẽ hoàn tất vào năm 2025.

Ấn Độ nhiều lần cảnh báo, không nước nào được phép can thiệp vào vấn đề mua sắm vũ khí để đảm bảo an ninh của nước này.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s.

S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại