Cạnh tranh nước lớn có thể đẩy Tây Phi bước vào một cuộc chiến tranh khu vực

Bá Thi/VOV-Cairo |

VOV.VN - Đằng sau cuộc đảo chính tại Niger và những diễn biến phức tạp hiện nay là cuộc đua cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ, phương Tây và Nga-Iran, khi mỗi bên đều hậu thuẫn cho các bên đối lập.

Tây Phi đang ở bên bờ vực của một cuộc chiến tranh khu vực sau khi các quốc gia Senegal, Bờ Biển Nga, Benin (được sự hậu thuẫn của Pháp và Mỹ) và Burkina Faso, Mali và Ghinea (được sự hậu thuẫn của Nga và Iran) tuyên bố sẽ ủng hộ các bên đối lập và có thể sẽ tham chiến tại Niger. Trong bối cảnh ngày 6/8, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) tuyên bố đã lên kế hoạch hành động quân sự tại Niger sau khi các nỗ lực trung gian thất bại, các diễn biến chính trị tại Niger trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Trong diễn biến mới nhất, lực lượng đảo chính quân sự liên tiếp tiến hành các động thái củng cố quyền lực và trấn áp chính trị, đẩy cao bầu không khí căng thẳng tại Niger. Theo giới phân tích, đằng sau cuộc đảo chính tại Niger và những diễn biến phức tạp hiện nay là cuộc đua cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ, phương Tây và Nga-Iran, khi mỗi bên đều hậu thuẫn cho các bên đối lập.

Cạnh tranh nước lớn có thể đẩy Tây Phi bước vào một cuộc chiến tranh khu vực - Ảnh 1.

Tướng Mohamed Toumba, một trong những người lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger, phát biểu trước những người ủng hộ ở Niamey ngày 6/8/2023. Ảnh: AP

Khả năng can thiệp quân sự của ECOWAS vào Niger?

Đến đêm 6/8 theo giờ khu vực, chưa có bất kỳ lệnh tấn công quân sự nào được các nhà lãnh đạo Tây Phi đưa ra để mà can thiệp vào Niger, giải cứu Tổng thống Momamed Bazoum và khôi phục trật tự Hiến pháp. Tuy nhiên, theo các nguồn tin khu vực, giới lãnh đạo quân sự các nước Tây Phi đã tuyên bố rằng họ thống nhất được cả về quân số, phương pháp và thời gian triển khai kế hoạch can thiệp quân sự vào Niger. Quyết định tấn công chỉ còn chờ các nhà lãnh đạo chính trị các nước quyết định.

Nếu nhìn lại lịch sử, có thể thấy rằng trên thực tế ECOWAS đã từng nhiều lần can thiệp quân sự với các quy mô khác nhau vào một loạt cuộc khủng hoảng tại khu vực như Bờ Biển Ngà, Liberia, Mali, Gambia và tới 2 lần vào Geinea Bissau.

Trong khi đó tại Niger, chính quyền quân sự và những người ủng hộ tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn, không khuất phục yêu cầu từ bỏ quyền lực mà ECOWAS đưa ra, đồng thời triển khai các kế hoạch đối phó như là bổ nhiệm, thay mới một loạt các chỉ huy quân đội và cảnh sát; thành lập lập các đội cảnh giới hỗn hợp gồm cả quân đội, cảnh sát và dân thường tại các vị trí trọng yếu ở thô Niamey…

Ngoài ra, theo một số nguồn tin chưa được kiểm chứng, giới chức quân sự Niger còn liên lạc và cầu viện sự trợ giúp từ quân đội các nước láng giềng là Mali và Burkina Faso, hai nước đã tuyên bố sát cánh với Niger chống lại mọi sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Niger; cũng như đã đề nghị sự trợ giúp từ lực lượng Wagner của Nga tại Mali.

Với thực tế này, dư luận khu vực cho rằng khả năng xảy ra xung đột vũ trang tại Niger là khá cao, thậm chí là khó tránh khỏi. Mặc dù vậy, một số ‎ý kiến tin rằng cánh cửa đối thoại vẫn chưa thực sự khép lại, dù chỉ còn là một khe cửa hẹp.

Nguy cơ Niger trở thành mặt trận mới của chiến tranh ủy nhiệm

Với những gì đã diễn ra trong những ngày qua thì không ít chuyên gia, nhà phân tích khu vực và quốc tế đã nghĩ đến kịch bản này: một cuộc chiến tranh ủy nhiệm mới tại châu Phi giữa một bên là Mỹ và các đồng minh phương Tây, với một bên là Nga và các đồng minh của mình.

Cùng với căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, phương Tây và Nga cũng đang thể hiện những quan điểm rất khác biệt, thậm chí là trái ngược nhau trong cuộc khủng hoảng ở Niger. Theo đó, phương Tây ra sức cổ xúy cho hành động can thiệp quân sự từ các nước láng giềng vào Niger với lý‎ do để khôi phục trật tự Hiến pháp, trong khi Nga lại cực lực phản đối bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào từ bên ngoài vào Niger.

Trong vấn đề này, theo các chuyên gia khu vực, việc Nga phản đối hành động can thiệp từ bên ngoài vào Niger không đồng nghĩa với việc Moscow ủng hộ hay có vai trò gì trong cuộc đảo chính vừa qua. Thế nhưng, lập trường đó lại rất gần gũi với quan điểm của các nước Mali, Burkina Faso, Guinea, Chad hay Algeria… và đặc biệt là nhận được sự chào đón, tung hô từ phía người dân Niger, trái ngược hẳn với thái độ giận dữ dành cho các nước phương Tây.

Trong bối cảnh đó như chúng ta đã biết, châu Phi đang là địa bàn mà Nga đang rất nỗ lực gia tăng ảnh hưởng để phá thế bao vây, cấm vận và cô lập mà phương Tây áp đặt chống Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai diễn ra tại St. Petersburg cuối tháng 7 vừa qua là một minh chứng rất rõ cho hướng đi này. Tất nhiên, đó không phải là điều mà phương Tây mong muốn và như thế họ sẽ ra sức ngăn chặn, cản phá.

Bởi vậy, khi xung đột tại Niger thực sự nổ ra theo kịch bản các quốc gia láng giềng Tây Phi đưa quân vào với sự hậu thuẫn của phương Tây, thì Nga và các đồng minh chắc chắn sẽ có hành động bảo vệ lợi ích của mình. Từ đó, nguy cơ Niger biến thành cuộc chiến tranh ủy nhiệm mới giữa hai bên là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tác động đối với an ninh khu vực

Mali và Burkina Faso đã tuyên bố sẽ sát cánh với chính quyền quân sự tại Niger nếu các quốc gia Tây Phi can thiệp quân sự vào Niger. Tuyên bố của Mali và Burkina Faso không phải là lời đe dọa suông, mà họ sẽ thực sự tham chiến để bảo vệ chính quyền quân sự tại Niger. Bộ máy cầm quyền hiện nay tại hai nước này cũng đều là chính quyền quân sự, được hình thành sau các cuộc đảo chính quân sự trong thời gian gần đây. Giới lãnh đạo hai nước này bảo vệ chính quyền đảo chính tại Niger cũng chính là bảo vệ vị thế cầm quyền của mình.

Họ lo ngại một khi hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Niger thành công và phe quân sự bị mất chính quyền, kịch bản tương tự cũng có thể xảy ra với chính các nước này trong tương lai. Do đó, Mali và Burkina Faso chắc chắn tham chiến để ngăn chặn nguy cơ đó.

Nếu kịch bản này xảy ra, nó sẽ có tác động to lớn đến an ninh toàn khu vực dưới một số góc độ. Thứ nhất là gây ra làn sóng tỵ nạn đông đúc từ Niger sang các nước láng giềng. Thứ hai, nguy hiểm hơn, chiến sự hoàn toàn có thể lan rộng sang các nước tham chiến, trước mắt là các nước có chung biên giới với Niger, thậm chí lan rộng sang toàn khu vực.

Cộng với hàng loạt cuộc xung đột, khủng hoảng hiện hữu tại khu vực, đây sẽ là thời cơ ly tưởng cho các hoạt động cực đoan, khủng bố trỗi dậy, nhấn toàn châu Phi chìm sâu trong bất ổn, bạo lực, nghèo đói...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại