Chẩn đoán u tuyến cận giáp thường dễ nhầm lẫn, bỏ sót
U tuyến cận giáp là một loại u thuộc hệ nội tiết, là bệnh lý hiếm gặp. Bệnh thường được phát hiện muộn, khi đã có biến chứng nặng nề (sỏi thận, suy thận, gãy xương…) gây ảnh hưởng sinh hoạt, lao động thậm chí là tàn phế.
Chẩn đoán u tuyến cận giáp thường nhầm lẫn hoặc bỏ sót do bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, biểu hiện nhiều chuyên khoa khác nhau. Bệnh nhân phát hiện được qua tình cờ đi khám, hoặc thấy bất thường các xét nghiệm khác: sinh hoá máu, XQ, siêu âm tuyến giáp. Bệnh nhân biểu hiện thông qua các triệu chứng về xương làm yếu xương, huỷ xương và đau xương.
TS.BS Vũ Trung Lương - Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bênh viện Bạch Mai - cho biết tại Bệnh viện Bạch Mai, nhiều trường hợp phát hiện sớm u tuyến cận giáp chỉ bằng xét nghiệm canxi máu thường quy.
Bệnh viện 103 mới đây tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.Đ, 20 tuổi, vào viện vì đau xương cánh tay, xương hàm, xương đùi sau ngã. Sau siêu âm, bác sĩ nghĩ nhiều tới việc bệnh nhân bị u tuyến cận giáp.
Cùng với một loạt các biện pháp chụp, chiếu khác, bệnh nhân đã được phẫu thuật khối u tuyến cận giáp trái, ghép xương đồng loại – xương cánh tay trái, điều trị giảm đau.
Đáng nói, nữ bệnh nhân này đã điều trị nhiều nơi, chẩn đoán phân biệt với u tế bào xương khổng lồ. Bệnh nhân đến viện khá muộn khi tổn thương xương đã ở nhiều vị trí. Sau phẫu thuật, tiến triển lâm sàng của chị Đ tốt.
Một trường hợp khác cũng mắc u tuyến cận giáp là chị L.N.B.V, 37 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM). Chị nhập Khoa Cấp cứu trong tình trạng đau âm ỉ vùng thượng vị tăng dần. Cơn đau không những không đáp ứng với các thuốc điều trị viêm dạ dày mà còn gây buồn nôn, khó chịu. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ men tuỵ trong máu tăng cao và hình ảnh siêu âm ổ bụng hình ảnh phù nề đầu tuỵ. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm tuỵ cấp thể phù nề và điều trị nội khoa tích cực sớm tại khoa Nội tổng hợp.
Xét nghiệm ban đầu không gợi ý nguyên nhân gây nên tình trạng viêm tuỵ cấp của chị V, các bác sĩ đã cho bệnh nhân siêu âm vùng cổ và xét nghiệm định lượng canxi máu, canxi nước tiểu. Kết quả siêu âm ghi nhận thuỳ trái tuyến giáp nghi ngờ adenoma (một u lành tính) tuyến cận giáp, đồng thời lượng canxi trong máu bệnh nhân gấp đôi bình thường còn canxi trong nước tiểu cũng tăng rất cao.
Hội chẩn thống nhất chính khối u nhỏ bằng đầu ngón tay ở tuyến cận giáp này làm lượng canxi trong máu tăng rất cao, từ đó gây nên bệnh cảnh viêm tuỵ cấp. Bệnh nhân đã được phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u này.
Nguyên nhân gây bệnh u tuyến cận giáp
BS Nguyễn Mạnh Hùng – Khoa Chẩn đoán chức năng thuộc Bệnh viện 108 - cho hay cận giáp là những tuyến nhỏ, hình thoi, nằm sát cạnh, phía sau tuyến giáp, kích thước khoảng 6x4x2mm, mỗi tuyến nặng khoảng 0,5g.
Tuyến cận giáp tiết ra 1 loại hormone gọi là hormone tuyến cận giáp làm tăng canxi máu và phosphat trong nước tiểu. Hoạt động của hormone chủ yếu diễn ra tại xương, thận và ruột.
TS Lương cho hay tại các nước phát triển, thống kê cho thấy u tuyến cận giáp hay gặp thứ ba trong số các bệnh nội tiết, sau đái tháo đường và bệnh lý tuyến giáp. Bệnh gặp với tỷ lệ 0,1 - 0,4% dân số, ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất 50 - 60 tuổi, nữ gặp nhiều hơn nam theo tỷ lệ 3/1. Trái lại ở nước ta, bệnh còn ít gặp, có lẽ do chưa được chú ý phát hiện đầy đủ.
U tuyến cận giáp chiếm 85 - 90% nguyên nhân cường cận giáp nguyên phát. Khoảng 90% trường hợp là u đơn độc, lành tính, ngoài ra cũng có thể gặp tăng sản tuyến hoặc ung thư tuyến cận giáp.
U tuyến cận giáp có thể gặp ở mọi lứa tuổi, chủ yếu ở xuất hiện ở bệnh nhân từ 50-70 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mắc u tuyến cận giáp cao gấp 3 lần nam giới. Một số u tuyến cận giáp khổng lồ có thể nặng tới 2g.
Về nguyên nhân gây bệnh cho đến nay còn chưa rõ ràng. Một số yếu tố thuận lợi dẫn đến u tuyến cận giáp như: Tiền sử chiếu xạ vùng cổ, do dùng thuốc (như estrogen, lợi tiểu thiazide, thuốc lithium), yếu tố di truyền (hội chứng đa u tuyến nội tiết).
Triệu chứng u tuyến cận giáp
BS Lương cho hay u tuyến cận giáp có đặc trưng là diễn biến âm thầm trong thời gian dài, theo hai giai đoạn.
Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, chỉ khi xét nghiệm máu cho thấy tăng PTH và canxi.
Khi giai đoạn muộn (giai đoạn có triệu chứng, còn gọi giai đoạn biến chứng): biểu hiện lâm sàng đa dạng trên nhiều hệ cơ quan.
Theo chia sẻ của BS Hùng, u tuyến cận giáp thường đi kèm với hội chứng cường chức năng tuyến cận giáp. Đây là tình trạng tăng tiết hormone tuyến cận giáp quá mức. Khoảng 80-85% các trường hợp cường chức năng tuyến cận giáp có liên quan tới u tuyến cận giáp với các biểu hiện chính tại thận, xương, thần kinh- cơ...
Siêu âm là một trong những phương pháp chẩn đoán đầu tay với u tuyến cận giáp. Ảnh: Thầy thuốc Bệnh viện 108 siêu âm cho bệnh nhân
Các triệu chứng ở hầu hết bệnh nhân mắc u tuyến cận giáp thường không đặc hiệu cho cơ quan nào. Bệnh nhân thường biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, khát nhiều, gày sút cân. Khát nhiều là hậu quả của đái nhạt tại thận gây tiểu nhiều. Tiểu nhiều cùng với chán ăn gây tình trạng mất nước.
Triệu chứng về thận tiết niệu: Tiểu nhiều thường kèm khát nhiều, tăng về đêm, còn được gọi đái nhạt tại thận do thận mất khả năng cô đặc nước tiểu. Ngoài ra có thể gặp tiểu máu, tiểu buốt do sỏi di chuyển gây viêm nhiễm.
Triệu chứng về cơ xương khớp: Đau khớp mạn tính, do canxi lắng đọng ở sụn. Một số trường hợp biểu hiện giả bệnh gút. Đau xương ở xương dài nhiều hơn (xương đùi, cẳng chân …), đau âm ỉ, liên tục. Mỏi cơ, teo cơ vùng gốc chi, cơ lực giảm làm bệnh nhân vận động, đi lại khó khăn.
Các triệu chứng về tâm thần kinh: Mất ngủ, giảm trí nhớ, run tay...
Trái ngược với triệu chứng cơ năng rầm rộ, khi thăm khám lâm sàng thường bác sĩ không thấy gì bất thường. Thăm khám vùng cổ thường không có gì đặc biệt, chỉ sờ thấy khi u đã to với đặc điểm khối nằm vùng quanh tuyến giáp, mật độ chắc, di động khi nuốt.
Hậu quả của u tuyến cận giáp
Nồng độ canxi, PTH máu cao trong thời gian dài sẽ gây tổn thương lên nhiều cơ quan khác nhau. Tổn thương thận lâu ngày dẫn tới viêm thận, bể thận mạn, suy thận. Xương bị tiêu dần gây gãy xương bệnh lý, mất vận động. Nồng độ canxi máu tăng cao có thể dẫn tới rối loạn ý thức thậm chí hôn mê, rối loạn dẫn truyền tim, ngừng tim.
Các phương pháp điều trị u tuyến cận giáp
- Theo dõi định kỳ: áp dụng với trường hợp u không triệu chứng và không đủ tiêu chuẩn phẫu thuật. Bệnh nhân cần được thăm khám lâm sàng, xét nghiệm máu, đo độ loãng xương và siêu âm thận 12 tháng/1 lần.
- Điều trị nội khoa: mục đích làm hạ canxi máu tạm thời, giảm triệu chứng trong khi chờ phẫu thuật. Điều trị bằng truyền tĩnh mạch Calcitonin, truyền dịch, thuốc lợi tiểu.
- Phẫu thuật: Là biện pháp điều trị tối ưu và triệt để nhất giúp cân bằng lại nồng độ PTH và canxi máu để giải quyết tình trạng cường cận giáp, giúp ngăn ngừa hiệu quả các biến chứng loãng xương và sỏi thận. Nếu được phẫu thuật sớm, bệnh nhân khỏi hoàn toàn.