Mới đây nhất, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận điều trị trường hợp nữ bệnh nhân người Việt hiện đang sinh sống ở Lào, nhà có mảnh vườn nên thường tự trồng, chăm sóc hoa.
Khi thấy có biểu hiện bất thường, bệnh nhân đã về Việt Nam khám và điều trị tại nhiều nơi. Kết quả xét nghiệm huyết thanh xác định bệnh nhân bị nhiễm giun lươn. Vậy giun lươn là gì và vì sao giun lươn chui được vào não người? Bài viết dưới đây giúp bạn đọc hiểu hơn về căn bệnh này.
Bệnh viêm màng não do giun lươn là bệnh cảnh do vi trùng gram âm (E.coli) gây nên, do giun lươn mang vi trùng theo từ đường ruột xâm nhập lên não. Giun lươn xâm nhập trực tiếp vào não gây phù cục bộ xung quanh nơi xâm nhập.
Giun lươn xâm nhập vào cơ thể người qua da khi đi chân đất trên nền đất ẩm có ấu trùng của giun lươn. Tỷ lệ nhiễm giun lươn tại Việt Nam khoảng 2-3% dân số.
Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm cao có thể đến 5-6% ở khu vực đất vườn trồng cây công nghiệp, cây ăn trái và khả năng nhiễm bệnh cao ở người lớn.
Biến chứng viêm màng não do giun lươn.
Con đường lây truyền
Sau khi theo phân ra ngoài, ấu trùng giai đoạn 1 sẽ lột xác thành giai đoạn 2, chờ dịp xuyên qua da người.
Khi người đi chân đất trên nền đất ẩm, ấu trùng giai đoạn 2 chui qua da người rồi theo mạch máu, mạch lympho vào tim, phổi, sau đó theo phế quản đến yết hầu rồi theo thực quản xuống tá tràng, trưởng thành ở đó dưới dạng giun cái trinh sản.
Giun lươn còn có chu trình gián tiếp. Nếu chưa gặp ký chủ để xâm nhập, ấu trùng giun lươn sẽ lột xác thành giun trưởng thành đực và cái sống tự do.
Từ đấy, con cái lại đẻ trứng rồi trứng nở ra ấu trùng giai đoạn 1 (thế hệ thứ 2), lột xác thành ấu trùng giai đoạn 2 gây nhiễm.
Cuối cùng, giun lươn còn có chu trình tự nhiễm trong cơ thể người, đây là một đặc điểm quan trọng của giun lươn.
Ấu trùng giai đoạn 1 biến thành ấu trùng giai đoạn 2 ngay trong lòng đường ruột hay ở quanh hậu môn, không cần thiết phải ra ngoài mà ngay trong cơ thể người, ấu trùng giun lươn lại tiếp tục chu du một vòng trước khi trưởng thành trong ruột non.
Vì có chu trình tự nhiễm nên người có giun lươn mà không điều trị sẽ mang nó suốt đời nếu không được điều trị.
Biểu hiện không rõ ràng
Ở giai đoạn ấu trùng xuyên qua da và chu du trong cơ thể chưa có biểu hiện lâm sàng rõ ràng. Ở giai đoạn toàn phát, bệnh chủ yếu thể hiện ở đường tiêu hóa, đau bụng nhiều ở vùng thượng vị, tiêu chảy xen kẽ với táo bón.
Phân có lẫn mỡ do giun lươn gây rối loạn hấp thu ở ruột. Bệnh nhân có thể bị sụt cân, suy nhược.
Do có chu trình tự nhiễm, giun lươn có thể theo máu đến các cơ quan khác như gan, phổi, cơ tim, hạch và lên não, gây ra bệnh lý ở các cơ quan tương ứng.
Đối với bệnh nhân suy giảm miễn dịch do thuốc hoặc bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS, giun lươn sẽ bùng phát, hiện diện khắp cơ thể, cả trong dịch não tủy, dễ tử vong.
Khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch do bất kỳ nguyên nhân nào, giun lươn có thể đi xuyên qua thành ruột, theo đường máu phát tán đến nhiều cơ quan trong cơ thể, nguy hiểm nhất là đi lên não, gây phù nề tại nơi xâm nhập và mang theo vi khuẩn gram âm từ đường ruột vào não gây bệnh cảnh viêm màng não do vi khuẩn gram âm, thường gặp là vi khuẩn E.coli.
Tuy nhiên, để xác định vị trí của giun lươn trong não thất rất khó do kích thước giun lươn quá nhỏ, do triệu chứng không đặc thù.
Khi chụp MRI não thất chỉ thấy phủ cục bộ xung quanh nơi nghi giun lươn xâm nhập. Do đó, không thể nói một cách nôm na, dân gian là có bao nhiêu con giun lươn ở não...
Hình ảnh giun lươn trên da.
Chẩn đoán bệnh
Để chẩn đoán được bệnh nhân bị viêm màng não do giun lươn không hề đơn giản. Phải soi phân của bệnh nhân viêm màng não do vi khuẩn gram âm (E.coli) và tìm thấy ấu trùng giun lươn trong phân.
Phải xác định tiền sử bệnh nhân đã bị viêm màng não do vi khuẩn gram âm tương tự, sau khi điều trị viêm màng não, bệnh nhân vẫn bị tái phát (do giun lươn lại mang vi khuẩn lên não...) và tình trạng tái phát xảy ra trên 2 lần trong năm thì mới có cơ sở khẳng định do giun lươn mang vi khuẩn lên màng não gây viêm màng não.
Phòng ngừa bằng cách nào?
Để phòng nhiễm giun lươn, bản thân mỗi người và cộng đồng cần có những biện pháp vệ sinh môi trường; quản lý tốt phân, nước, rác; vệ sinh cá nhân, không phóng uế bừa bãi; có biện pháp phòng hộ trong lao động và trong sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt những người thường tiếp xúc với đất (nên mang găng tay, đi giày dép, đi ủng); người có những biểu hiện nghi ngờ bị nhiễm giun lươn nên đến khám chuyên khoa ký sinh trùng để được xét nghiệm xác định bệnh, chữa trị càng sớm càng tốt.
Đối với các bệnh nhân đang điều trị bệnh lý mạn tính như tiểu đường, ung thư, hen suyễn..., phải khám ký sinh trùng định kỳ để tầm soát giun lươn, tránh hiện tượng bùng phát giun lươn gây nguy hiểm cho sức khỏe.