Cảnh báo virus đậu mùa khỉ có thể đã âm thầm lây lan

An Ngọc |

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo virus đậu mùa khỉ có khả năng đã lây lan mà không bị phát hiện. Hàng trăm ca đậu mùa khỉ đã được ghi nhận tại nhiều nước ngoài châu Phi.

Virus đậu mùa khỉ có thể đã lưu hành một thời gian trước khi bị phát hiện

Lần đầu tiên trong lịch sử, thế giới phải đối mặt với một đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên phạm vi quốc tế. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết từ ngày 13/5 - 2/6, các cơ quan y tế đã ghi nhận 780 ca mắc đậu mùa khỉ tại 27 quốc gia mà căn bệnh này không phải đặc hữu.

Vương quốc Anh và Bồ Đào Nha phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh nhất, với khoảng 200 và 100 ca tương ứng ở mỗi quốc gia. Canada ghi nhận 77 ca. Mỹ ghi nhận 21 ca. Một số nhà khoa học suy đoán rằng virus đậu mùa khỉ có thể đã âm thầm lưu hành trong nhiều năm trước khi nó đột ngột xuất hiện trên toàn thế giới.

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm di truyền đang khẩn trương tìm kiếm manh mối để giải thích tại sao một loại virus đã được tìm thấy ở Tây Phi nửa thế kỷ trước và thường không dễ lây lan từ người sang người lại xuất hiện đáng lo ngại như vậy trong tháng qua.

Tiến sĩ Rosamund Lewis, trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới về bệnh đậu mùa ở khỉ cho biết: "Có thể đã có sự lây truyền không được phát hiện trong một thời gian dài. Chúng tôi không biết việc này đã diễn ra bao lâu, có thể là vài tuần, vài tháng hoặc vài năm."

Giáo sư virus học Marc Van Ranst, Đại học Leuven (Bỉ) trả lời trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình NBC News rằng, quá trình giải trình tự trong phòng thí nghiệm của ông cho thấy các đột biến di truyền của virus là "có giới hạn" và "không phải bằng chứng rõ ràng." Ông nói, "Mọi người đều quan tâm đến các bộ gen hoàn chỉnh hơn để có lời giải cho một câu hỏi khá quan trọng: Loại virus này đã lưu hành bao lâu mà không bị phát hiện. Tôi nghĩ chẳng ai tin nó mới chỉ từ châu Phi lan ra vài tuần trước đâu".

Cảnh báo virus đậu mùa khỉ có thể đã âm thầm lây lan - Ảnh 1.

WHO: "Có thể đã có sự lây truyền không được phát hiện trong một thời gian dài. Chúng tôi không biết việc này đã diễn ra bao lâu, có thể là vài tuần, vài tháng hoặc vài năm." (Ảnh: CNN)

Các nhà khoa học Đại học Edinburgh gần đây đã giải trình tự các mẫu bệnh phẩm và công bố phát hiện vào ngày 30/5. Các mẫu mà họ điều tra có nguồn gốc từ một phiên bản bệnh đậu mùa khỉ đã được xác định ở Singapore, Israel, Nigeria và Vương quốc Anh từ năm 2017 - 2019.

Mặc dù các nhà điều tra đã xác định được "một số lượng lớn bất ngờ" những thay đổi đối với mã di truyền của virus kể từ thời điểm đó, một số chuyên gia không tin rằng những thay đổi như vậy nhất thiết phải giải thích mức độ bùng phát hiện tại.

Ở châu Phi, hầu hết các trường hợp mắc bệnh đậu mùa ở người đều xảy ra do tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh như động vật gặm nhấm chứ không phải do lây truyền từ người sang người.

"Điều có khả năng xảy ra là một căn bệnh truyền nhiễm đặc hữu từ châu Phi xâm nhập qua hoạt động xã hội và tình dục sau đó lan ra một số nước thế giới," Tiến sĩ Amesh A. Adalja, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết. "Virus đậu mùa khỉ lây nhiễm qua tiếp xúc gần gũi trong quan hệ tình dục, do đó nhiều tổn thương đang bị nhầm lẫn với các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác, và điều này có thể làm trì hoãn chẩn đoán", ông Adalja nói thêm.

Trong khi đó, Tiến sĩ David Heymann, giáo sư tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết, "Bất cứ khi nào bạn bắt đầu tìm kiếm một căn bệnh mới xuất hiện trong một quần thể, bạn sẽ phát hiện ra rất nhiều trường hợp khác." Ông Heymann ủng hộ giả thuyết rằng căn bệnh này có thể đã xuất hiện ở một số quần thể trong vài năm bên ngoài 11 quốc gia Trung và Tây Phi - nơi virus đã trở thành đặc hữu. "Điều đáng lo là chỉ nhìn vào một quần thể thay vì nhìn rộng hơn," ông lưu ý.

Hai nghiên cứu mới đây chứng minh rằng virus đang lây lan mà không bị phát hiện ở một số cộng đồng ở Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh. Giới y tế vẫn chưa rõ nguồn lây và nhiều trường hợp không được chẩn đoán.

Vì sao bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan mà không bị phát hiện?

Nhiễm trùng do bệnh đậu mùa khỉ có thể gây ra các tổn thương đau đớn trên khắp cơ thể và để lại sẹo lâu dài. Diễn biến bệnh kéo dài khoảng ba tuần. Tuy nhiên, không giống như những gì thường thấy trong các trường hợp đậu mùa khỉ ở châu Phi, hầu hết các ca bệnh được xác định ở Châu Âu và Mỹ đều ở thể nhẹ.

Thông thường, triệu chứng đầu tiên của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, nhưng một số ca ở Mỹ gần đây không ghi nhận sốt hoặc các dấu hiệu ban đầu khác trước khi các tổn thương xuất hiện.

Có lý giải cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến bệnh đậu mùa khỉ âm thầm lưu hành một thời gian có thể là do các triệu chứng trong đợt bùng phát này khó phát hiện hơn nhiều so với các trường hợp trước đây.

Một nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ nhận định, "Vì lý do này, các ca bệnh có thể bị nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng thường thấy do virus varicella zoster gây ra hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như mụn rộp sinh dục hoặc giang mai". Do vậy, bệnh nhân dù chưa phát bệnh rõ ràng vẫn có thể lây lan cho người khác, khiến diễn biến của đợt bùng phát này trở nên phức tạp hơn.

Cảnh báo virus đậu mùa khỉ có thể đã âm thầm lây lan - Ảnh 2.

Các triệu chứng trong đợt bùng phát đậu mùa khỉ ngoài châu Phi hiện nay khó phát hiện hơn nhiều so với các trường hợp trước đây. (Ảnh: www.gov.uk)

Theo WHO, 66 người đã tử vong do bệnh đậu mùa khỉ ở các quốc gia châu Phi vào năm 2022. Nigeria đã phải vật lộn với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ kể từ năm 2017 - một đợt bùng phát có thể đã đóng vai trò là nguồn gốc cho sự lây lan toàn cầu. Hiện trong các đợt bùng phát ở châu Âu hoặc Mỹ chưa ghi nhận ca tử vong nào.

Giáo sư Van Ranst cho biết những ngày sắp tới của đợt bùng phát sẽ rất quan trọng để kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ. Nếu vào tuần tới, số ca mắc chỉ tăng lên khoảng 1.000, đây sẽ là dấu hiệu tốt cho việc kiểm soát toàn cầu đối với virus. Tuy nhiên, nếu số ca mắc đạt 4.000, điều này cho thấy đợt bùng phát khó có thể nằm trong tầm kiểm soát.

Cảnh báo virus đậu mùa khỉ có thể đã âm thầm lây lan - Ảnh 3.

WHO: 66 người đã tử vong do bệnh đậu mùa khỉ ở các quốc gia châu Phi từ tháng 1-1/6/2022. (Ảnh: WHO)

Thế giới ứng phó đợt bùng phát đậu mùa khỉ

Trước diễn biến của đợt bùng phát đậu mùa khỉ hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh phải đối mặt với một dịch bệnh khác hậu COVID-19.

Các quan chức y tế ở Vương quốc Anh đang xây dựng một mạng lưới rộng khắp để nhanh chóng tìm kiếm các ca mắc mới, ngoài ra đưa kèm khuyến nghị: "Nguy cơ đối với dân số Anh vẫn ở mức thấp, nhưng chúng tôi yêu cầu mọi người cảnh giác với bất kỳ loại phát ban hoặc tổn thương mới nào có thể xuất hiện như đốm, vết loét hoặc mụn nước, trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể."

Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) đã kích hoạt đội đặc nhiệm khẩn cấp chống bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có việc mở rộng nhanh chóng sản xuất vaccine.

Trong khi đó, 1.200 liều vắc xin và 100 liệu trình điều trị đã được chuyển tới các bang của Mỹ - nơi ghi nhận các trường hợp tiếp xúc với người lây nhiễm.

Khi thế giới vẫn đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, các chuyên gia cảnh báo rằng những loại virus mới nổi là không thể tránh khỏi trong những năm tới và cần giám sát tốt hơn để đón đầu các mầm bệnh mới tiềm ẩn. Tiến sĩ Theresa Tam, giám đốc y tế công cộng của Canada cho biết: "Bệnh truyền nhiễm mới nổi luôn có thể tấn công chúng ta. Và chúng ta nên chuẩn bị hết sức có thể, đồng nghĩa với việc tăng cường năng lực y tế công cộng toàn cầu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại