Sau khi được bác sĩ chẩn đoán bị ung thư vú giai đoạn 2, bà N.T.V (72 tuổi, ngụ tại TPHCM) đã lên mạng tìm hiểu thông tin và quyết định nghe theo tư vấn của người tự xưng là chuyên gia về chế độ thực dưỡng chỉ ăn gạo lứt với muối mè và uống nước lọc kết hợp với sử dụng một loại thực phẩm chức năng được quảng cáo có công dụng hỗ trợ điều trị ung thư. Sau nhiều tháng ăn uống theo chế độ hà khắc , bệnh nhân đi kiểm tra vì tình hình sức khỏe diễn tiến xấu, thì được bác sĩ thông báo về sự gia tăng của khối u và tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng.
Những hướng dẫn thực hành thực dưỡng khắc nghiệt là nguyên nhân khiến nhiều người suy kiệt (ảnh minh họa)
BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung Bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức cho biết, trong quá trình thăm khám, ông đã khám gặp nhiều bệnh nhân áp dụng chế độ thực dưỡng, trong đó một số người thực dưỡng khắc nghiệt như ăn gạo lứt muối mè, uống nước lọc.
“Đa số bệnh nhân khi vào bệnh viện cơ thể đều rơi vào tình trạng suy kiệt, mệt mỏi, xanh xao. Một số người thực hành thực dưỡng vẫn chủ quan cho rằng bản thân mình khỏe. Tuy nhiên, căn cứ trên xét nghiệm cho thấy các chỉ số đều giảm với biểu hiện thiếu máu, thiếu đạm phải truyền máu, truyền dịch và đạm bổ sung” – BS Triệu Vũ nói.
Theo các bác sĩ, bản chất của thực dưỡng là một cách thực hành ăn uống với những khuyến cáo lành mạnh như ăn nhiều ngũ cốc (gạo, đậu), ăn nhiều rau củ quả, hạn chế thịt đỏ, hạn chế các sản phẩm đóng hộp và phối hợp với tập luyện, vận động, rèn luyện cơ thể.
Những người theo trường phái thực dưỡng đề cao phương pháp thực hành ăn uống và vận động cơ thể hợp lý. Tuy nhiên, chế độ thực dưỡng đã bị biến tướng trở thành một phương pháp ăn uống khắc nghiệt. Vì mục đích riêng, những tổ chức hoặc cá nhân đã khuyến cáo cộng đồng, đặc biệt là nhóm bệnh nhân ung thư ăn uống kham khổ vì cho rằng đây là giải pháp cắt nguồn dinh dưỡng nuôi khối u, bên cạnh đó, người bệnh được định hướng sử dụng những loại thực phẩm chức năng với quảng cáo có công dụng hỗ trợ điều trị bệnh.
BS Nguyễn Triệu Vũ thăm khám, tư vấn cho một trường hợp bệnh nhân ung thư
Trào lưu thực dưỡng với những hướng dẫn phi khoa học trên mạng xã hội đang tạo ra những hệ lụy cho cộng đồng. Việc thực hành y khoa không hề đơn giản, bác sĩ, dược sĩ muốn khám chữa bệnh được phải trải qua 5 đến 6 năm đào tạo kèm theo nhiều năm kinh nghiệm mới đủ điều kiện để hành nghề. Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội thì rất nhiều chuyên gia “tự xưng” mà không biết trình độ, bằng cấp và mập mờ về nhân vật, bệnh lý liên quan.
BS Triệu Vũ cho biết: “Việc thực hành thực dưỡng ở bệnh nhân ung thư không thể khiến khối u giảm kích thước. Những bệnh nhân thực hành thực dưỡng khắc nghiệt, đứng về mặt khoa học chưa có bằng chứng nào để chứng minh thực dưỡng có vai trò gì trong việc phòng ngừa, điều trị bệnh ung thư hoặc bất kỳ bệnh lý nào khác. Ăn uống khắc nghiệt sẽ làm mất cân bằng dinh dưỡng khiến cơ thể rơi vào suy kiệt, không đủ sức để chống lại các nguy cơ của những bệnh lý nhiễm trùng hoặc bệnh ung thư”.
Từ thực tế trên, BS Triệu Vũ khuyến cáo với bệnh nhân ung thư nên ăn uống đầy đủ, điều độ đảm bảo đủ lượng đạm, đường, chất béo, tinh bột, chất xơ, tăng cường ăn nhiều rau củ quả. Sau khi xạ trị hoặc phẫu thuật nếu cơ thể mệt mỏi, không ăn được nhiều trong một bữa, người bệnh có thể chia làm nhiều bữa và thay đổi khẩu vị, thay đổi món ăn để đưa dinh dưỡng vào cơ thể, đủ sức chống lại ung thư và các bệnh nhiễm trùng.