Cảnh báo tác hại quá lớn khi cho trẻ ăn nhiều muối

Tiểu Nhã |

Người Việt ăn rất mặn nên thành ra trẻ nhỏ khi sinh ra cũng được bố mẹ "ướp muối" dẫn đến trẻ bị thấp còi, thiếu canxi đặc biệt là các căn bệnh như tăng huyết áp, suy thận.

Đại chiến vì ăn mặn – ăn nhạt

Chị Nguyễn Thị Lan Anh trú tại Hoàng Ngân, Hà Nội chia sẻ, từ khi sinh con gái đầu lòng, chị đã cố gắng cho con ăn nhạt muối và đường vì sợ thói quen đó ảnh hưởng đến sự phát triển của con.

Đến khi con được 5,5 tháng, chị cho con ăn dặm và chỉ nấu cháo cho 2 -3 giọt nước mắm nhĩ. Ngoài ra, chị không cho con ăn muối, ăn mì chính hay hạt nêm gì cả. Rau, thịt chị xay để trộn với cháo cho con.

Tuy nhiên, từ khi bắt đầu đi làm, việc cho con ăn do bà nội cháu đảm nhiệm. Chị Lan Anh đi từ sáng đến trưa về cho con bú.

Chị thấy bà nội khoe mẹ đi làm bé ăn rất ngon chứ không phun là như lúc mẹ cho ăn. Rồi bà chê chị nấu cháo nhạt thếch chẳng có vị gì.

Buổi sáng chị nấu xong mới đi làm thì bà lại mang đi nấu lại. Bà cho hạt nêm, mì chính, gia vị vào nấu.

Cảnh báo tác hại quá lớn khi cho trẻ ăn nhiều muối - Ảnh 1.

Chị Lan Anh góp ý liền bị mẹ chồng mắng "mày nấu cháo đến người lớn còn không nuốt nổi, bảo sao con nó không ăn mà nó cứ phì ra. Ăn gì cũng phải đậm đà nó mới dễ ăn chứ?".

Chị nhấm thử cháo bà nấu cho con thấy đậm đà thật. Do bà cho đủ các gia vị vào nên con chị ăn cũng ngon hơn nhưng cứ nghĩ đến việc con bị "ướp muối" bằng những bát cháo kia, chị Lan Anh xót lắm.

Có lẽ vì chuyện ăn uống của bé mà ngày nào chị và mẹ chồng cũng cãi nhau. Bà cho rằng "ngày xưa tao nuôi chồng mày thế nó vẫn lớn khoẻ mạnh, có sao đâu, miễn sao nó ăn tốt là được".

Tiến sĩ, Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Trọng Hưng – Phòng khám dinh dưỡng cơ sở 2, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chuyện ăn uống cho cháu xảy ra mâu thuẫn ăn mặn – ăn nhạt là điều không hiếm ở các gia đình hiện nay.

Theo bác sĩ Hưng với trẻ nhỏ không nên cho ăn mặn như người lớn. Chỉ nên nấu cháo cho trẻ cho thêm vài giọt nước mắm là đủ, không nên cho trẻ ăn quá mặn.

Bởi vì ngay trong mỗi khẩu phần thực phẩm tươi sống như thịt, trứng, nước hầm xương, rau… cũng đã có hàm lượng muối chiếm khoảng 20-40% nhu cầu.

Vì vậy riêng với trẻ nhỏ thì sữa mẹ, sữa công thức cũng đã chứa lượng muối đủ cho bé. Nhưng rất nhiều người nếm thấy mình ăn vừa miệng thì mới cho bé ăn.

Mỗi người không nên ăn quá 5gram muối/ngày

Cảnh báo tác hại quá lớn khi cho trẻ ăn nhiều muối - Ảnh 2.

PGS Lê Bạch Mai – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trẻ Việt không những ăn ngọt mà còn rất ăn mặn.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc hấp thụ canxi kém gây nên chứng còi xương, thấp còi ở trẻ em Việt khi trưởng thành.

Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia tại Thành phố Việt Trì (Phú Thọ) cho thấy, trung bình người dân tại đây dùng tới 15,3gram muối/ngày, trong khi đó khuyến cáo của tổ chức y tế chỉ có dưới 5gram/ngày.

Nếu tính trung bình, người Việt chúng ta đang ăn lượng muối gấp ba lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

PGS.TS Lê Bạch Mai cho rằng ăn mặn tạo lên một môi trường toan và trong sữa có nhiều canxi là yếu tố gây kiềm.

Khi cân bằng nội môi của cơ thể bị toan hóa hoặc sẽ đào thải ra nước tiểu nhiều natri hơn làm toan hóa nước tiểu.

Điều đó lại làm thúc đẩy cơ thể lấy canxi (yếu tố gây kiềm) để trung hòa bớt độ toan trong nước tiểu giữ bình ổn cân bằng nội môi nhằm duy trì sự ổn định của môi trường trong cơ thể, đảm bảo cho các hoạt động sống diễn ra bình thường.

Nhưng điều đó lại nguy hiểm bởi tạo nên thế hệ người Việt thiếu canxi.

Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Huy Cường- Nguyên bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ăn mặn cũng liên quan đến áp lực thẩm thấu ở trong lồng mạch, là nguyên nhân tăng huyết áp.

Bởi vậy, những người cao huyết áp khuyến cáo ăn nhạt. Việc ăn nhiều muối cộng thêm các yếu tố stress trong cuộc sống sẽ làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và tăng huyết áp.

Lượng muối tiêu thụ tối đa trong một ngày chỉ nên dừng ở mức 6g, tương ứng với 1 thìa cà phê.

Chính vì thế các chuyên gia dinh dưỡng Việt Nam đều khuyến cáo cha mẹ nên cho con ăn nhạt hơn. Với trẻ dưới 1 tuổi thì không được nêm thêm muối khi nấu ăn cho trẻ.

Với trẻ lớn tuổi, để khống chế lượng muối ăn vào, cha mẹ nên hạn chế cho con ăn những loại thực phẩm đóng gói như bim bim, khoai chiên.

Mỗi khi mua thực phẩm đóng túi cho trẻ, bạn cũng nên chọn loại ghi "low sodium" hoặc chọn loại có hàm lượng Na thấp hơn 0,2g/100g.

Điều này sẽ tốt cho sức khoẻ, giúp trẻ tránh được các bệnh về rối loạn tim mạch, chuyển hoá lúc trưởng thành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại