Từ đầu năm đến nay, cả nước có 40 người tử vong do bệnh dại ở 16 tỉnh thành, trong đó khu vực phía Nam ghi nhận 20 ca tử vong.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến số ca tử vong cao là do người dân chậm trễ tiêm ngừa.
Việc chậm trễ có thể từ những quan điểm sai lầm như:
- Bệnh dại chỉ lây truyền qua vết cắn có chảy máu của động vật.
- Động vật đã tiêm phòng dại cắn thì không sao.
- Tự ý điều trị bằng phương pháp "truyền miệng".
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn - Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết: "Những sai lầm đó đôi khi dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Chúng ta biết là virus dại ủ bệnh trên con vật từ 3 đến 7 ngày. Trước khi con vật lên cơn dại, con vật sống bình thường. Trong thời điểm con vật sống bình thường, nó vẫn có khả năng truyền virus dại cho người. Cho nên khi chúng ta bị súc vật cắn như vậy thì chúng ta cần phải xử lý vết thương và đi tiêm ngừa dại ngay chứ không phải con vật bị bệnh mới bị dại".
Bên cạnh đó, tâm lý e ngại tác dụng phụ của vaccine phòng dại sẽ gây ảnh hưởng đến trí nhớ, thần kinh cũng là một rào cản khiến người dân ngại đi tiêm phòng.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn - Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh: "Hiện giờ tất cả vaccine đều dùng vaccine mới và công nghệ tế bào. Các vaccine này đều an toàn cho người lớn, trẻ em và kể cả phụ nữ mang thai. Cho nên vaccine này có thể chỉ định cho tất cả các đối tượng. Chúng ta hoàn toàn yên tâm và không có gì phải lo lắng việc ảnh hưởng đến người được tiêm sau này".
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, sau khi bị động vật cắn/cào/liếm vết thương cần dội rửa vết thương dưới nước trong 15 phút bằng xà phòng hoặc nước, sát khuẩn vết thương, không băng kín, làm dập vết thương. Sau đó, người dân đến trung tâm tiêm chủng ngay để được tiêm vaccine phòng dại, không chủ quan để phòng ngừa tử vong do bệnh dại.