Đây là cảnh báo trong nghiên cứu được các nhà khoa học trình bày tại Hội nghị châu Âu về chứng béo phì diễn ra tại thủ đô Vienna của Áo.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu dân số của tất cả các quốc gia trên thế giới thu thập từ cơ sở dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chia dân số tại từng quốc gia vào các nhóm tuổi và theo chỉ số khối cơ thể (BMI), phân tích các xu hướng, từ đó đưa ra các dự báo.
Một người khỏe mạnh có BMI dao động trong khoảng 18,5-24,9.
Nếu chỉ số này lớn hơn hoặc bằng 25, đồng nghĩa một người bị thừa cân. Người béo phì là người có chỉ số lớn hơn 30.
Căn cứ trên cơ sở này, nghiên cứu nhấn mạnh nếu tình hình không được cải thiện, tới năm 2045, sẽ có khoảng 22% dân số thế giới mắc chứng béo phì, tăng từ mức 14% của năm 2017. Hệ quả là tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sẽ tăng từ mức 1:11 lên mức 1:8.
Nhà nghiên cứu Alan Moses thuộc bộ phận nghiên cứu và phát triển của công ty dược phẩm Đan Mạch Novo Nordisk và các cộng sự nhấn mạnh, để đảo ngược xu hướng hiện nay về tình trạng béo phì, các nước trên thế giới cần phối hợp và hành động một cách mạnh mẽ.