Bác sĩ đang chăm sóc cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu.
Nhiều di chứng, biến chứng
Mới đây, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhân L.P.G. (59 tuổi, ngụ TPHCM) bị ngộ độc rượu sau khi uống một chai rượu trắng không rõ nguồn gốc.
Tại bệnh viện, kết quả thăm khám cho thấy ông G. bị ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) với nồng độ methanol trong máu cao gấp 20 lần ngưỡng gây ngộ độc. Bác sĩ Võ Thúy Vân, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, thông tin, ông G. nhập viện trong tình trạng rối loạn tri giác, toan chuyển hóa nặng, tụt huyết áp, suy hô hấp phải thở máy, không đáp ứng điều trị nội khoa bình thường.
Các bác sĩ tiến hành lọc máu liên tục, chạy thận, điều trị nội khoa tích cực theo phác đồ. "Sau 6 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, hai mắt của ông G. không nhìn thấy được và tay chân yếu. Đây là một di chứng của ngộ độc methanol, trong tình huống xấu nhất bệnh nhân có thể mù vĩnh viễn", bác sĩ Võ Thúy Vân cho biết.
Trước đó, vào cuối tháng 11-2022, tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra một vụ ngộ độc rượu khiến 6 người phải đi cấp cứu trong tình trạng nặng, trong đó có 2 người tử vong. Trong tháng 11-2022, tại tỉnh Kiên Giang cũng xảy ra một vụ ngộ độc rượu tập thể khiến 14 người nhập viện, trong đó có 3 người tử vong.
Tại TPHCM, trong tháng 8-2022 đã liên tiếp xảy ra 2 vụ ngộ độc rượu khiến 13 người nguy kịch, trong đó có 2 người tử vong. Còn tại Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra 2 trường hợp ngộ độc methanol. Nhìn nhận thực trạng này, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho rằng, số vụ ngộ độc rượu thường tăng cao dịp cuối năm, Tết Nguyên đán và những ngày lễ, hội. Nguyên nhân là lạm dụng rượu, uống rượu quá mức chấp nhận của cơ thể, uống rượu không nguồn gốc, không bảo đảm an toàn.
Theo TS-BS Huỳnh Văn Ân, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, tình trạng ngộ độc vì sử dụng rượu có chứa cồn công nghiệp ngày càng nhiều. Triệu chứng ngộ độc rượu thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu, mà hầu hết bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch sau một ngày uống. Nếu không được nhập viện điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Có những trường hợp nặng, dù may mắn được cứu sống nhưng có thể đối mặt với di chứng về thần kinh, thị giác và tốn chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Sử dụng rượu an toàn
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, cho biết, qua phân tích từ các vụ ngộ độc rượu cho thấy, rượu trắng pha cồn công nghiệp methanol là nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc (chiếm gần 50% số ca tử vong do rượu), tiếp đến là rượu ngâm cỏ cây rừng độc, rượu ngâm củ ấu, rượu ngâm động vật (ong đất, tắc kè, mật heo)…
Đáng lo ngại là tình trạng ngộ độc do uống rượu pha từ cồn công nghiệp methanol có xu hướng gia tăng, trong khi các bệnh viện chưa có thuốc giải độc. Không chỉ để lại hậu quả nặng nề là ngộ độc hay tử vong, mà rượu còn là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông, đánh nhau, giết người, hiếp dâm và trên 60 loại bệnh khác nhau.
Có hai loại ngộ độc rượu chính là ngộ độc rượu etylic (ethanol) và ngộ độc rượu metylic (methanol). Trong đó, ngộ độc rượu etylic (ethanol) gồm có ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu uống và tần suất, thời gian uống rượu. Thông thường, hàm lượng rượu trong máu từ 1-1,5g/lít có thể gây "say" và 4-6g/lít có thể gây tử vong.
Còn ngộ độc rượu metylic (methanol) xảy ra khi uống nhầm methanol hoặc uống rượu có chứa methanol. Đây là chất rất độc, thải trừ chậm, oxy hóa thành formol (formaldehyd) và axit formic. Chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30ml có thể gây tử vong. Độc tính của methanol bao gồm tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương; ảnh hưởng tới thần kinh mắt…
Trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân); rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp); rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp giảm); đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, rượu thuộc nhóm hàng hóa nhà nước hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Nghiêm cấm các hành vi sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: rượu pha chế từ cồn công nghiệp chứa methanol, rượu pha chế từ nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác. Để phòng chống ngộ độc rượu, người dân không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. "Một người bình thường không nên uống quá 1 đơn vị rượu/ngày (1 đơn vị rượu chứa10g cồn), tương đương 30ml rượu mạnh (40-43 độ); 100ml rượu vang (13,5 độ); 330ml bia hơi (5 độ) và 2/3 chai 500ml hoặc lon bia 330ml (5 độ)", bà Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM vừa tổ chức lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý, người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước giải khát có cồn trên địa bàn TPHCM năm 2022. Cập nhật các văn bản pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh trong phòng chống ngộ độc rượu, bia nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.