Cẩn thận với vi rút có độc lực mới
Vào dịp cuối năm, nhu cầu đi lại, giao thương và sử dụng thịt gia cầm tăng cao đây cũng là thời điểm được cảnh báo là nguy cơ dịch cúm gia cầm có khả năng lan rộng đặc biệt là dịch cúm gia cầm A/H7N9.
Dù dịch này chưa xâm nhập vào Việt Nam nhưng tại Trung Quốc từ năm 2013 đã ghi nhận 1,622 trường hợp mắc cúm A(H7N9), trong đó có 619 trường hợp tử vong (tỷ lệ chết/mắc 38,2%).
Số lượng mắc thường tăng cao vào những tháng mùa đông – xuân do điều kiện thời tiết thuận lợi và nhu cầu tiêu thụ gia cầm tăng cao.
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc, ngay từ năm 2013, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai giám sát chặt chẽ ở người và gia cầm để phát hiện sớm sự xâm nhập của chủng vi rút cúm A(H7N9) vào nước ta.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Ngọc Long – Trưởng phòng Kiểm dịch y tế Biên giới, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết dịch cúm gia cầm tại Trung Quốc vẫn chưa thể khống chế và theo mọi năm vào các thời điểm mùa đông, xuân chính là những tháng dịch cúm này lại “tạo sóng”.
Đến nay, dịch cúm A/H7N9 đã trải qua 5 mùa dịch và Tổ chức Y tế thế giới WHO cảnh báo mùa dịch thứ 6 có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Bác sĩ Long cho biết khác với cúm A/H5N1 khi mắc cúm này thì gà, gia cầm chết nhưng cúm A/H7N9 thì gia cầm không có triệu chứng gì nên rất khó để nhận biết gia cầm đó có nhiễm cúm hay không.
Từ năm 2017, người ta ghi nhận một vài ổ gia cầm chết và xét nghiệm dương tính với cúm A/H7N9 nên các bác sĩ đã khuyến cáo vi rút A/H7N9 nâng cao độc lực gây chết trên gia cầm.
Khi con người tiếp xúc với gia cầm bị bệnh, chất tiết của gia cầm ngay cả môi trường xung quanh khu vực có gia cầm bị bệnh vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
Theo BS. Long, khi nhiễm vi rút thời gian ủ bệnh từ 7 – 10 ngày, có 1 số trường hợp lên tới 14 ngày.
Chính vì thế, các chuyên gia y tế đều khuyến cáo nếu tiếp xúc với gia cầm, khu vực giết mổ gia cầm, chế biến gia cầm cần theo dõi sức khoẻ của mình khoảng 2 tuần nếu thấy các triệu chứng cảm sốt, sổ mũi, nhức đầu thì cần báo cho nhân viên y tế khu vực hoặc vào các cơ sở y tế làm các xét nghiệm để xác định có nhiễm cúm gia cầm hay không.
Triệu chứng cần nhớ
Trên thực tế, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với vi rút cúm gia cầm A/H7N9 tuy nhiên nguy cơ xâm nhập bệnh vào Việt Nam vẫn hiện hữu do nhu cầu đi lại qua các cửa khẩu, đặc biệt là tình trạng mua bán gia cầm nhập lậu qua đường tiểu ngạch, mang lén gia cầm về nước.
Triệu chứng của cúm A/H7N9 giống cúm thường và từ ngày thứ 2 trở đi xuất hiện khó thở, sốt cao. Sau 48 tiếng đầu khi phát bệnh người bệnh thường có triệu chứng khó thở và suy đa phủ tạng rất nhanh chính vì thế tỷ lệ tử vong do cúm gia cầm A/H7N9 vẫn rất cao là 38%.
Cách phòng cúm gia cầm, bác sĩ Long cho rằng mọi người nên tránh tới các khu vực chợ có gia cầm, nếu phải tiếp xúc với gia cầm như giết mổ thì cần có đồ bảo hộ như khẩu trang, gang tay cao su, sau khi chế biến xong cần rửa tay bằng xà phòng.
Không ăn các loại thịt gà chết không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo bác sĩ Long bình thường thịt gia cầm nếu chúng ta ăn lúc chín sẽ tiêu diệt vi rút cúm A/ H7N9 vì vi rút không tồn tại ở nhiệt độ cao. Nhưng khi chế biến, người chế biến hay người buôn bán gia cầm chết có nguy cơ bệnh rất cao.
Nó không ảnh hưởng tới người ăn mà ảnh hưởng nhiều đến người chế biến. Khi gia cầm ốm chết không rõ nguyên nhân, chúng ta không nên tiếc mà báo cho cán bộ y tế, thú y ở địa phương để họ thông báo cơ quan chuyên ngành tiêu huỷ để bảo vệ sức khoẻ cho mình, người thân, hàng xóm và cho cộng đồng.
Hơn nữa, báo sớm còn có thể khoanh vùng dịch, tiêu huỷ tránh ảnh hưởng tới người dân. Chúng tôi thường bắt gặp người dân giết mổ gia cầm chết và làm thực phẩm.
Bác sĩ Long kể về trường hợp vô cùng đau xót khi dịch cúm A/H5N1 xảy ra, khi thấy gà chết, người bà tiếc lấy về làm thực phẩm và đến cuối thì cháu ăn và bị nhiễm cúm khiến cháu bé tử vong. Đây là trường hợp đau lòng do chúng ta quá chủ quan trước dịch cúm.