Cảnh báo biến chứng của tật khúc xạ có thể gây nguy hiểm cho mắt

Tiểu Nhã |

Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng, khi trẻ đeo kính không đúng số có thể gặp biến chứng bong võng mạc. Nếu không kịp thời phát hiện thì vô cùng nguy hiểm cho đôi mắt của trẻ.

Phó mặc đôi mắt con cho cửa hàng kính

Thấy con cứ nhìn sát vào ti vi mỗi lần xem ti vi, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hằng trú tại Hà Đông, Hà Nội vội đưa con ra tiệm kính mắt gần nhà đo vì nghĩ con bị cận thị. Đúng như dự đoán của anh chị, cháu bị cận 2, 75 diop và phải đeo kính.

Tuy nhiên, chị thấy con không thích đeo kính và thường dụi mắt. Hỏi thì cháu bảo cháu thấy nhức mắt khi đeo kính nên không muốn đeo. Trong khi đó nhìn sách và xem ti vi bé vẫn sát mắt vào.

Chị Hằng đưa con đi khám chuyên khoa mắt mới biết cháu bị cận thị và có loạn thị đi kèm, đeo kính không đúng số nên mắt của cháu không nhìn rõ được.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Hằng, Phó trưởng khoa Khúc xạ Lasik Bệnh viện Mắt Quốc tế DND cho biết chị gặp rất nhiều trẻ bị nhược thị, bị lác biến chứng. Nguyên nhân là thói quen của cha mẹ kiểm tra mắt cho con tại cửa hàng kính mà không phải là ở các chuyên khoa mắt dẫn đến trẻ phải đeo kính không đúng số.

Có trẻ nhỏ đeo kính và bố mẹ ít quan tâm cho các cháu khiến các cháu bị nhược thị. Điều này khi trẻ trên 14 tuổi sẽ rất khó chữa, ảnh hưởng đến thị lực của trẻ con.

Theo nghiên cứu của bệnh viện mắt DND tại Hà Nội, tỷ lệ học sinh đeo kính ngày càng tăng và trẻ hoá xuống cả độ tuổi tiểu học. Cứ 3 – 4 em học sinh có 1 em bị tật khúc xạ.

Tỷ lệ này ở trường chuyên, lớp chọn còn cao hơn rất nhiều có những lớp 44 cháu thì tới 18 cháu bị tật khúc xạ. Trong đó tật khúc xạ chủ yếu là cận thị chiếm tới 80 %, loạn thị và viễn thị chỉ chiếm 15 - 20 %.

5 sai lầm cha mẹ hay mắc khi chăm sóc đôi mắt cho con

Bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng – Giám đốc bệnh viện Mắt quốc tế DND cho rằng đôi mắt là ngọc nhất là ở trẻ nhỏ nhưng dường như cha mẹ còn lơ là với nó. Chỉ khi nào người ta bị đau mắt họ mới quý đôi mắt của mình.

Cảnh báo biến chứng của tật khúc xạ có thể gây nguy hiểm cho mắt - Ảnh 1.

Biến chứng bong võng mạc

Bác sĩ Dũng cho biết dưới đây là 5 thói quen mà hầu như cha mẹ nào cũng mắc phải khi chăm sóc đôi mắt cho con:

Thứ nhất: Cha mẹ chưa có thói quen cho các cháu nhỏ của mình đi khám xem có tật khúc xạ không, chỉ khi thấy con không nhìn rõ mới cho đi khám.

Thứ hai: Khi con bị tật khúc xạ, cha mẹ chưa có thói quen cho con đi khám 6 tháng 1 lần để điều chỉnh, đeo đúng số kính, theo dõi biến chứng của tật khúc xạ.

Thứ ba: Cha mẹ chưa có thói quen đến các trung tâm, bệnh viện về mắt mà chỉ nghĩ là khám ở cửa hàng kính đã là đủ.

Mặc dù việc khám ở cửa hàng kính không hẳn là không tốt tuy nhiên có những trường hợp phức tạp hơn như số kính lệch nhau, không tương đồng nhau cần bác sĩ chuyên khoa để phát hiện. Nếu trường hợp này không phát hiện sớm sẽ dẫn tới các biến chứng tật khúc xạ như nhược thị, lác.

Thứ tư: Cha mẹ chưa trang bị những kiến thức, hiểu biết về các phương pháp điều trị tật khúc xạ nên thường có sự dè dặt, chọn các phương pháp lãng phí như bấm huyệt mà nghĩ rằng nó sẽ khỏi được mắt. Thực tế, phương pháp đó không bao giờ khỏi được.

Thứ năm: Để trẻ xem vô tuyến, máy tình nhiều trong khi việc sử dụng mắt phải có cường độ nhất định. Hơn nữa, việc xem lại kéo dài nhiều giờ, không đảm bảo thời gian nghỉ ngơi cho mắt mà thực tế những lúc này mắt rất cần được nghỉ từ 2 - 5 phút, và phải tập nhìn xa để mắt thư giãn.

Ngoài việc tránh những sai lầm như trên, cha mẹ phải để ý cho trẻ uống thêm các thuốc bổ giúp tăng điều tiết, bảo vệ võng mạc.

Bác sĩ Dũng cảnh báo thêm, ông gặp rất nhiều ở trẻ nhỏ, thậm chí cả người trưởng thành bị biến chứng bong võng mạc. Có đến 3 – 5 % biến chứng của tật khúc xạ đó là bong võng mạc, khi đã xảy ra biến chứng thì nguy cơ mù rất cao.

Khi trẻ đeo không đúng số kính sẽ bị nhược thị, một số cháu ở tuổi 13 – 19 đeo không đúng số kính sẽ bị bong võng mạc phát hiện muộn vô cùng nguy hiểm cho mắt.

Mỗi người nên tự phát hiện biểu hiện của bong võng mạc để có thể đi khám kịp thời. Bình thường mắt không bao giờ nhìn thấy tia chớp, loé nhưng nếu tự nhiên thấy có chớp sáng, tăng dần lên thì đó là dấu hiệu cảnh báo có kích ứng trên võng mạc, gây bong võng mạc.

Dấu hiệu nữa là ở một vùng nào đó có điểm mờ, ngày càng tăng lên.

Khi có các dấu hiệu này cần đi khám ngay và khám lại thường xuyên 3 tháng 1 lần. Nếu không được theo dõi thì sớm muộn gì bong võng mạc cũng xảy ra. Trong trường hợp này, theo dõi và phát hiện kịp thời sẽ có xử lý sớm nhất, giảm thiểu sự nguy hại cho mắt.

Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay vì vậy chúng ta đừng bỏ quên đôi mắt của mình.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại