Ngày 7/7, trang tin Hoa ngữ Đa Chiều đăng bài với tiêu đề "Xung đột Trung - Ấn: ông Modi bất ngờ thăm và phát biểu tại tiền tuyến, chính quyền Trung Quốc xác nhận PLA bắt đầu rút lui".
Bài báo viết, vào ngày 3/7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bất ngờ đến thăm khu vực Ladakh, nơi hai bên đang đối đầu ở biên giới phía bắc giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ông đã đến thăm các binh sĩ Ấn Độ trong Tuyến kiểm soát thực tế (LAC), bao gồm đến bệnh viện thăm hỏi các binh sĩ bị thương trong vụ xung đột với PLA.
Đây là lần đầu tiên ông Modi đến thăm nơi này và phát biểu ý kiến kể từ sau khi nổ ra cuộc xung đột đẫm máu giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo truyền thông Anh BBC, ông Modi đã chỉ trích Trung Quốc tuy không nêu tên. Ông nói: "Thời đại đã thay đổi, thời đại của chủ nghĩa bành trướng đã là quá khứ và giờ là lúc để phát triển, không phải là lúc để bành trướng. Lịch sử đã chứng kiến rằng dùng vũ lực bành trướng sẽ chỉ thất bại, hoặc bị buộc phải rút lui".
Quân đội hai bên đã trong tình trạng đối đầu căng thẳng ở một số khu vực biên giới từ đầu tháng 5 tới nay (Ảnh: Đa Chiều).
Truyền thông Ấn Độ nói, chính phủ Ấn Độ giữ bí mật cao độ chuyến thăm của ông Modi đến biên giới và chỉ công bố vào phút chót, chỉ ra rằng chuyến đi là nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ tới lãnh đạo Trung Quốc rằng Ấn Độ sẽ không dễ dàng đầu hàng trong cuộc xung đột.
Ông cũng nói rằng đất nước nỗ lực xây dựng hòa bình không thể bị coi là yếu đuối; mô tả những người lính đã thể hiện sự can đảm và dũng cảm và nói rằng những người lính đã "đáp trả thích đáng với kẻ thù định xâm lược", "kẻ thù đã nhìn thấy ngọn lửa giận dữ của các binh sĩ"; đồng thời nhấn mạnh rằng Ấn Độ sẽ không ngừng làm đường và bắc cầu ở khu vực biên giới.
Bài báo viết, theo hãng thông tấn Đài Loan CNA, sau khi ông Modi phát biểu ngày 3/7, tối 5/7 Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Ủy viên Quốc Vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nói chuyện điện thoại.
Hai bên đồng ý đẩy nhanh tốc độ rút quân đội ở Tuyến kiểm soát thực tế (LAC) về phía sau và quân đội Trung Quốc ngày 6/7 đã có dấu hiệu rút lui.
Đa Chiều cho biết, ông Vương Nghị gọi cho Duval vào tối ngày 5/7, theo giờ Bắc Kinh. Hãng Thông tấn Quốc tế Châu Á (ANI) của Ấn Độ đã đăng tweet vào ngày 6/7 dẫn nguồn tin nói không khí và thái độ đối thoại giữa hai người là thân thiện và tích cực.
Tờ Hindustan Times chỉ ra rằng cuộc đối thoại phá băng này diễn ra dưới dạng video call (gọi điện thoại có hình) và kéo dài trong hai giờ, kết quả đầu tiên nhanh chóng trở thành hiện thực.
Phía Ấn Độ tiết lộ vào ngày 6/7 rằng ít lâu sau khi Ajit Doval nói chuyện với Vương Nghị, PLA đã rút lui quân lính cách địa điểm xảy ra vụ xung đột ở Thung lũng Galwan một km, đi một bước đầu tiên.
Quân đội hai bên đã tiến hành ba vòng đàm phán trong tháng 6 và đạt được đồng thuận cách ly tiếp xúc giữa binh sĩ ở tuyến trước để hạ nhiệt tình hình (Ảnh: Đa Chiều). |
The Hindu thì nói các lực lượng Trung Quốc đã di chuyển hai km từ điểm đối đầu ở Thung lũng Galwan ở phía đông Ladakh, nơi cuộc đụng độ và thương vong đã nổ ra vào tối ngày 15/6.
Một nguồn tin khác của chính phủ Ấn Độ tiết lộ rằng quân đội Trung Quốc đang dỡ bỏ lều và các nhà tạm tại Điểm tuần tra thứ 14 trên Tuyến kiểm soát thực tế (LAC) ở Ladakh, trong khi các xe cộ PLA bố trí ở Thung lũng Galwan, Hotsprings và Gogra cũng di chuyển lui về phía sau.
Nhưng nguồn tin không cung cấp khoảng cách lui quân cụ thể, chủ yếu là cần phải xác nhận tình hình lui quân và khoảng cách rút lui.
Ngoài ra, các quan chức Ấn Độ trước đây đã cáo buộc Trung Quốc đi chuyển sang phía Ấn Độ của Tuyến kiểm soát thực tế Trung Quốc-Ấn Độ ở Ladakh tới 8 km, có khả năng mưu đồ chiếm lĩnh lâu dài Điểm tuần tra số 4 ở khu vực Pangong Tso (hồ Pangong), thì nay cũng xuất hiện dấu hiệu rút lui.
Một nguồn tin chính phủ Ấn Độ nói, quân đội Trung Quốc đã tháo dỡ một số lều ở khu vực hồ Pangong và lui về phía sau một khoảng cách. Về các chi tiết cụ thể của việc rút lui vẫn đang được kiểm tra và xác nhận.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy sau vụ xung đột ngày 15/6, quân đội hai bên tập kết rất đông tại Thung lũng Galwan (Ảnh: Đa Chiều).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên vào ngày 3/7 đã trả lời về chuyến đi thăm không báo trước tới biên giới của Thủ tướng Ấn Độ Modi. Ông nói rằng hai bên Trung Quốc và Ấn Độ đều không nên có những hành động có thể làm phức tạp tình hình biên giới.
Theo Reuters và các cơ quan truyền thông Ấn Độ, Trung Quốc đã không sử dụng từ ngữ cứng rắn để cố gắng hạ nhiệt vụ việc.Tin cũng cho biết, các lực lượng Ấn Độ ngày 6/7 cũng đã rút khỏi các điểm nóng đối đầu trên Tuyến kiểm soát thực tế Trung-Ấn lui về phía sau và dỡ bỏ các cấu trúc tạm thời.
Đa Chiều viết, tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 6/7, phóng viên Reuters đã yêu cầu người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận tin tức về việc phía Trung Quốc rút khỏi khu vực xảy ra cuộc xung đột ở Thung lũng Galwan có đúng hay không?
Ông Triệu Lập Kiên nói quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức vòng đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn lần thứ ba vào ngày 30/6.
Hai bên tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện sự đồng thuận đạt được trong hai vòng đàm phán cấp quân đoàn trước đó và đã đạt được tiến triển tích cực trong việc thực hiện các biện pháp hiệu quả để cách ly tiếp xúc bộ đội ở tuyến một và làm dịu tình hình biên giới.
Hy vọng phía Ấn Độ sẽ đi cùng một hướng với Trung Quốc, thực hiện sự đồng thuận đạt được giữa hai bên thông qua các hành động thiết thực, tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ thông qua các kênh quân sự và ngoại giao, cùng nhau thúc đẩy hạ nhiệt và làm dịu tình hình ở khu vực biên giới.
Theo Đa Chiều, một quan chức Ấn Độ mô tả việc lui quân là "một bước nhỏ trong quá trình cách ly tiếp xúc" và nói "liệu đây có phải là một sự cách ly tiếp xúc thực sự và lâu dài" hay không thì còn phải chờ xem.
Trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 6/7 nhận xét rằng trước tín hiệu mạnh mẽ chính phủ Ấn Độ sẽ không dễ dàng đầu hàng trong cuộc xung đột, Trung Quốc dường như muốn làm dịu tình hình trước, tránh một cuộc xung đột chính diện.