Hôm 28/8, Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ có các biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến các hành động của nước này trong vùng biển có tranh chấp với Hy Lạp và Cộng hòa Síp, 2 quốc gia thành viên của EU tại khu vực phía Đông Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, trong phản ứng của mình Thổ Nhĩ Kỳ cũng có màn đáp trả cứng rắn, khi tuyên bố sẽ quyết tâm bảo vệ quyền lợi của mình.
Tại cuộc họp báo, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell cho biết, EU muốn thiết lập một "mối quan hệ lành mạnh hơn" với Thổ Nhĩ Kỳ, một ứng cử viên cho vị trí thành viên của khối 27 quốc gia.
Tuy nhiên, ông khẳng định, EU đã thống nhất bảo vệ lợi ích của mình và bày tỏ tình đoàn kết với Hy Lạp và Cộng hòa Síp trong tranh chấp trên biển với Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chúng tôi rõ ràng và kiên quyết trong việc bảo vệ lợi ích của Liên minh châu Âu và bày tỏ tình đoàn kết với Hy Lạp và Síp. Thổ Nhĩ Kỳ phải dè chừng các hành động đơn phương của mình. Đây là yếu tố cơ bản để cho phép các cuộc đối thoại giữa các bên đạt tiến triển”.
Theo ông Borrell, các biện pháp trừng phạt của EU có thể sẽ nhằm vào các cá nhân, các tàu thuyền của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan việc cấp quyền sử dụng các cảng ở châu Âu.
Dự kiến, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về việc có nên áp đặt các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ hay không tại Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra ở Brussels vào ngày 24 và 25/9 nếu Thổ Nhĩ Kỳ không chấm dứt điều mà châu Âu coi là “các hoạt động bất hợp pháp” ở Đông Địa Trung Hải.
Ngoài các biện pháp trừng phạt cá nhân, tại cuộc họp này, dự kiến các nhà lãnh đạo EU còn thảo luận thêm các biện pháp nhằm vào việc mua bán và xuất khẩu vật liệu liên quan đến nghiên cứu năng lượng, chuyển giao công nghệ và sản phẩm.
Nếu những biện pháp này được thực hiện, lĩnh vực ngân hàng và công nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, EU chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn bằng cách tung ra các lệnh trừng phạt và tuyên bố sẽ bảo vệ quyền lợi của mình.
Được biết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thể hiện sự sẵn sàng khuyến khích người di cư và người tị nạn từ Syria vượt biên sang Hy Lạp và châu Âu để đảm bảo rằng các yêu cầu của ông được cân nhắc.
“Thổ Nhĩ Kỳ có các quyền lợi ở Biển Đen, Aegean và Địa Trung Hải. Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa hiệp với những gì thuộc về mình giống như cách chúng tôi không đòi quyền lợi, lãnh thổ hay đặc quyền của quốc gia khác.
Chúng tôi quyết tâm làm bất cứ điều gì cần thiết về mặt quân sự, chính trị và kinh tế”.
Theo các chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang gây áp lực buộc các bên phải nhượng bộ.
Tuy nhiên, châu Âu có thể sẽ không thể mạnh tay trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ bởi khối này vẫn cần một mối quan hệ hợp tác ở chừng mực nào đó với Ankara, quốc gia giống như hầu hết các nước EU là thành viên của NATO, cũng đóng vai trò quân sự ở Libya và là điểm xuất phát cho những người di cư vào châu Âu.