Can thiệp kịp thời cứu cô gái trước nguy cơ bị cắt bỏ thận vĩnh viễn

Kim Dung/VOV-TPHCM |

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã phẫu thuật kịp thời và thành công cho người bệnh.

Một cô gái thận ứ nước nhiều do hẹp khúc nối bể thận niệu quản kéo dài 2 năm qua, trải qua 2 lần phẫu thuật nhưng vẫn không khỏi và có nguy cơ cắt bỏ thận.

Can thiệp kịp thời cứu cô gái trước nguy cơ bị cắt bỏ thận vĩnh viễn - Ảnh 1.

TS.BS Nguyễn Hoàng Đức đang tư vấn cho người bệnh.


Tuy nhiên, do tuổi còn trẻ nên người nhà chưa muốn cắt bỏ bên thận của bệnh nhân nên vẫn đi tiếp các bệnh viện để tìm cách điều trị. Đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cho thấy tình trạng xơ hẹp nghiêm trọng tại chỗ nối bể thận niệu quản của bệnh nhân đã gây cản trở lưu thông nước tiểu từ thận xuống niệu quản.

Nhận định tình trạng này không thể kéo dài hơn được, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật tạo hình chỗ niệu quản bị hẹp để trả lại những chức năng sinh hoạt bình thường cho bệnh nhân.

Bị đau tức vùng hông lưng trái từ cách đây 2 năm, bệnh nhân N.T.Y.P 17 tuổi đi khám và được chẩn đoán thận ứ nước nhiều do hẹp khúc nối bể thận niệu quản.

Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi vùng hông lưng sửa chữa chỗ hẹp nhưng thận trái vẫn còn ứ nước.

Tiếp tục phẫu thuật lần 2 bằng cách dùng laser xẻ rộng chỗ hẹp và đặt ống nong trong lòng niệu quản nhưng sau 1 năm, khi bệnh nhân được rút ống nong nhưng thận tiếp tục ứ nước. Gia đình đã đưa đến khám tại một số bệnh viện và được đề nghị cắt thận vì “chỗ hẹp không thể sửa được”.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết: Do hậu quả của hai lần phẫu thuật trước đã để lại rất nhiều mô xơ dính, gây cản trở nghiêm trọng lưu thông nước tiểu từ thận xuống niệu quản.

Khi phẫu thuật, phẫu thuật viên phải nhích kéo từng milimét để bóc tách toàn bộ vùng nối bể thận niệu quản. Sau khi cắt hết mô xơ dính và hạ thấp thận, các bác sĩ tiếp tục cắt bỏ đoạn hẹp, tái lập lưu thông của nước tiểu từ thận.

Bác sĩ Đức cho biết: hẹp khúc nối bể thận niệu quản gây đau tức hông lưng kéo dài. Mặc dù mức độ đau không nặng nề nhưng người bệnh luôn có cảm giác tức nặng như có vật gì đè nặng ở vùng lưng, nhất là khi hoạt động thể lực nhiều.

Một số trường hợp thận ứ nước lâu ngày bị nhiễm trùng, mủ thận, có thể đưa đến nhiễm trùng máu gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm./.

Bất cập trong tiêm phòng vaccine sởi dịch vụ và nguy cơ mắc sởi VOV.VN -Tiêm phòng vaccine sởi dịch vụ vẫn còn nhiều bất cập và cần phải được thống nhất theo quy định của Bộ Y tế để giảm tỉ lệ lây lan bệnh sởi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại