Cẩn thận với bệnh chảy máu dạ dày gây tử vong do uống rượu

Thảo Nguyên |

Anh T. uống rượu nhiều như người ta uống nước. 1 người bình thường uống 2 lít nước/ngày thì anh T. uống đến 2 lít rượu/ngày.

Sợ hãi khi bệnh nhân nôn cả "bát" máu

Bác sĩ Dương Minh Tuấn – Bệnh viện Vạn Hạnh, TP.HCM chia sẻ về một bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày nôn cả một bát máu đen như tiết.

"Bệnh nhân T là người nghiện rượu ngày uống 1-2 lít. Ngày nhập viện vì xuất huyết tiêu hoá nôn ra cả một bát tô máu như tiết lợn thế mà vẫn cười khà khà bảo bác sĩ truyền cho tôi tí máu vào là ổn. Nội soi cầm máu thành công rồi bệnh nhân được chuyển về khoa điều trị tiếp".

Điều được bác sĩ Tuấn thấy ngạc nhiên là những ngày nằm viện, bệnh nhân được khá nhiều bạn bè vào thăm và ai đều là bạn nhậu của bệnh nhân. Nhìn bệnh nhân được đông người vào thăm, bệnh nhân cũng vui, tâm lý thoải mái.

Lúc ấy, bạn bè của người bệnh ai cũng rôm rả kể rằng vợ ông T ốm yếu nên ông là trụ cột trong nhà, lo đi làm đủ thứ nghề nuôi vợ, nuôi con lớn học đại học trên thành phố, nuôi thằng thứ đang học cấp hai, nuôi bé út mới được 2 tuổi rưỡi.

Cuộc sống vất vả là thế nhưng mỗi tối ông T vẫn tranh thủ ngồi uống với anh em được nên ai cũng quý ông.

Bác sĩ Tuấn tâm sự cuộc nói chuyện vẫn rất vui thì đột nhiên bệnh nhân lại nôn thốc ra một bát tô máu như tiết lợn, lần này bệnh nhân không cười nữa, mệt rồi thiếp đi dần.

Dù đã nội soi cầm máu thành công nhưng bệnh nhân đã đi vào hôn mê gan nặng quá nên bác sĩ dù cố gắng cũng không cứu được.

Gia đình đưa bệnh nhân về mọi người đều ái ngại thương cho bệnh nhân, vợ con thì chỉ biết ôm nhau khóc. Những người bạn nhậu một thời than thở "Biết mày thế này tụi tao đâu có rủ đi uống rượu làm gì? Giờ rượu còn đó mà ai uống cùng nữa đâu?".

Bác sĩ Tuấn cho biết những bệnh nhân xuất huyết tiêu hoá như thế này do uống rượu vào viện không phải là hiếm, có bệnh nhân may mắn thoát được nhưng cũng có người giống như ông T mãi mãi không trở về.

Cẩn thận với bệnh chảy máu dạ dày gây tử vong do uống rượu - Ảnh 1.

Nôn cả lít máu, hôn mê sâu

Ông Nguyễn Văn H. phải vào khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai vì chứng xuất huyết dạ dày. Quê ông ở Hải Hậu, Nam Định, ông đã đi viện nhiều lần vì là đệ tử lưu linh. Tuy nhiên, cơn thèm rượu khiến ông không thể ngừng được và lúc nào cũng nghĩ chết bệnh còn hơn chết thèm.

Trong lúc cả nhà đang ngồi xem ti vi, bỗng dưng ông nôn ra rất nhiều máu. Người nhà đưa ông vào cấp cứu ở bệnh viện huyện rồi mau chóng đưa lên Hà Nội cấp cứu.

Tại bệnh viện 354, bệnh nhân vẫn tiếp tục nôn nhiều máu đỏ tươi. Các bác sĩ đã ngay lập tức xử trí đặt sonde dạ dày và cho bệnh nhân thở oxy song song với truyền dịch.

Cũng tại đây, bệnh nhân được truyền thêm 1 lít khối hồng cầu, 600 ml plasma tươi đông lạnh nhưng tình trạng xuất huyết, nôn ra máu vẫn phức tạp, không có dấu hiệu đỡ, có biểu hiện của hôn mê.

Cẩn thận với bệnh chảy máu dạ dày gây tử vong do uống rượu - Ảnh 2.

Thạc sĩ Lương Quốc Chính – Khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết khi xác định được tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, các bác sĩ Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành xử trí cấp cứu ngay lập tức.

Bệnh nhận đã được đặt ống nội khí quản và thở máy, truyền 2 - 3 lít khối hồng cầu trong hơn 1 giờ nhưng tình trạng vẫn xấu đi nhanh chóng. Bác sĩ tiếp tục đặt ống thông Blakemore để cầm máu cứu bệnh nhân và may mắn bệnh nhân đã được cứu sống.

Theo thạc sĩ Chính triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa có thể nhận biết qua dấu hiệu lâm sàng như mệt mỏi, chán ăn, nôn ra máu, đi đại tiện ra máu, đại tiện phân đen như bã cà phê.

Mức độ mất máu có thể nhẹ tới vừa, thậm chí nhiều trường hợp chảy máu nặng gây mất máu nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.

Có rất nhiều nguyên nhân gây chảy máu dạ dày như loét dạ dày tá tràng chiếm tới 40% trường hợp bị chảy máu tiêu hóa. Bệnh nhân có tiền sử đau vùng thượng vị có chu kỳ hoặc đã được chẩn đoán viêm loét dạ dày, tá tràng.

Ngoài ra, bệnh còn xuất hiện ở bệnh nhân do hội chứng Malory Weiss xảy ra ở bệnh nhân nôn nhiều, nhất là sau uống rượu…

Để phòng tránh bệnh chảy máu dạ dày, Thạc sĩ Chính khuyên mọi người không nên uống rượu bia, hút thuốc lá, thức khuya, quá căng thẳng... không nên tự ý dùng các thuốc giảm đau có hại cho dạ dày.

Nên dùng theo chỉ dẫn của thầy thuốc, không nên sử dụng nhiều nước uống có ga, nên sử dụng nhiều chất xơ và rau qủa để dạ dày hoạt động tốt hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại