Cẩn thận hạ đường huyết buổi sáng

BS. Nguyễn Thông |

Hạ đường huyết buổi sáng là khi lượng đường trong máu xuống quá thấp khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, lo âu... khi thức dậy vào buổi sáng

Hạ đường huyết là tình trạng xảy ra khi nồng độ đường trong máu quá thấp, dưới 3,9 mmol/l (<70mg/dl) dẫn tới cơ thể bị thiếu hụt glucose cho các hoạt động, gây nên các rối loạn cho cơ thể.

Hạ đường huyết buổi sáng khá phổ biến ở những người dùng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng khiến xảy ra hiện tượng này.

Điều gì gây ra nồng độ đường trong máu thấp vào buổi sáng?

Sau một thời gian dài không ăn, mức độ đường trong máu sẽ giảm xuống. Vì thế, đường huyết có thể giảm sau một đêm ngủ dậy. Chỉ số đường huyết lúc này được gọi là đường huyết lúc đói. Nhưng thông thường, cơ thể sẽ ngăn không cho đường huyết buổi sáng giảm xuống mức nguy hiểm, nhờ gan giải phóng một số đường dự trữ.

Mức đường huyết lúc đói bình thường đối với người mắc đái tháo đường là từ 70 đến 130 miligam mỗi decilít (mg/dL). Khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới 70 mg/dL, người bệnh có thể gặp các triệu chứng hạ đường huyết.

Hạ đường huyết buổi sáng cũng có thể gặp ở phụ nữ mang thai vì cơ thể sử dụng nhiều calo hơn để nuôi dưỡng thai nhi.

Cẩn thận hạ đường huyết buổi sáng - Ảnh 1.

Người bệnh đái tháo đường nên đo đường huyết trong suốt cả ngày và ghi chép lại.

Một số nguyên nhân khác gây ra đường huyết thấp vào buổi sáng bao gồm:

Thuốc: Thuốc trị tiểu đường, đặc biệt là thuốc trị tiểu đường tác dụng kéo dài sulfonylurea hoặc insulin; pentamidine dạng hít dùng trong điều trị viêm phổi.

Rượu: Rượu làm tăng nguy cơ hạ đường huyết do rượu ngăn cản quá trình tân tạo đường. Người uống rượu thường không ăn và hay đi ngủ luôn càng tăng nguy cơ hạ đường huyết, làm chậm phát hiện tình trạng hạ đường huyết.

Suy thận, chủ yếu do bệnh thận mạn tính hoặc suy gan.

Người mới phẫu thuật dạ dày, đặc biệt là phẫu thuật dạ dày nhằm giảm cân.

Rối loạn enzyme hoặc hormon hiếm gặp khiến cơ thể khó hấp thụ hoặc phân hủy glucose

Hoạt động gắng sức đột ngột: Sự gia tăng đột ngột mức độ hoạt động, như tập thể dục gắng sức, đặc biệt ở những người mắc bệnh đái tháo đường có thể làm giảm đường huyết.

Nôn hoặc tiêu chảy.

Chế độ ăn ít carbohydrate: Thường gặp ở những người ăn kiêng, tiết thực quá mức, bệnh nhân đái tháo đường có chế độ ăn uống không hợp lý trong khi vẫn uống thuốc.

Insulinoma tuyến tụy: Insulinoma là một khối u sản xuất insulin với số lượng không kiểm soát được, gây ra chứng tăng insulin và do đó, hạ đường huyết.

Do sự mất cân bằng nội tiết tố khác, chẳng hạn như chức năng tuyến thượng thận và hormon tăng trưởng thấp.

Trong một số ít trường hợp, lượng đường trong máu thấp có thể là do ung thư, đặc biệt là các khối u giải phóng các yếu tố giống như insulin hoặc sử dụng một lượng lớn glucose.

Triệu chứng hạ đường huyết

Ban đầu, các triệu chứng hạ đường huyết sẽ là nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi, run tay và đói. Tuy nhiên, nếu lượng đường trong máu tiếp tục giảm, người bệnh có thể cảm thấy đau đầu, lẫn, cáu kỉnh, co giật và thậm chí hôn mê nếu không được điều trị.

Các triệu chứng chung thường gặp bao gồm: Bồn chồn, run rẩy hoặc đổ mồ hôi, mất phối hợp, lo lắng, cáu gắt, kiệt sức, đau đầu, yếu, chóng mặt, khó tập trung, nhịp tim nhanh, tái xanh, buồn nôn hoặc đau dạ dày, đau cơ, mờ mắt.

Nếu hạ đường huyết không được điều trị, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn như ngất xỉu và mất ý thức, co giật. Hạ đường huyết nghiêm trọng là một cấp cứu y tế khẩn cấp.

Cách xử lý

Điều trị hạ đường huyết phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu do đói, cần ăn một bữa ăn giàu glucose, như trái cây ngọt và bánh ngọt, một cốc nước ép trái cây, viên glucose hoặc kẹo...

Những người bệnh đái tháo đường hay bị hạ đường huyết vào buổi sáng có thể trao đổi với bác sĩ điều trị để thay đổi liều lượng thuốc hoặc thay đổi chế độ ăn uống phù hợp.

Nếu hạ đường huyết vì rượu, nên tránh uống nhiều rượu. Ăn trước và sau khi uống rượu. Nếu nghiện rượu cùng với mắc bệnh đái tháo đường thì phải cai rượu và cần giám sát y tế chặt chẽ.

Các nguyên nhân khác gây hạ đường huyết buổi sáng có thể nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Vì vậy, những người thường xuyên gặp phải tình trạng hạ đường huyết vào buổi sáng nên đi khám bác sĩ.

Phòng ngừa thế nào?

Nếu nguyên nhân là một bệnh lý tiềm ẩn, bạn chỉ có thể phòng ngừa hạ đường huyết vào buổi sáng khi giải quyết được nguyên nhân bằng cách đi khám và điều trị.

Tuy nhiên, dinh dưỡng tốt và ăn đủ các bữa có thể ngăn ngừa các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy nên tuân thủ các nguyên tắc sau: Tránh chế độ ăn ít carbohydrate. Ăn một bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ. Chọn đồ ăn nhẹ nhiều chất xơ, vì thực phẩm giàu chất xơ làm chậm quá trình hấp thụ glucose và có thể giúp phòng ngừa lượng đường trong máu thấp vào buổi sáng. Ăn nhiều bữa nhỏ, thường xuyên trong ngày thay vì 3 bữa lớn.

Người bệnh đái tháo đường nên theo dõi đường huyết trong suốt cả ngày để tìm ra quy luật tăng giảm đường huyết của mình, xây dựng cách ứng phó thích hợp.

Trao đổi với bác sĩ để có những thay đổi thuốc phù hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại