Trả giá đắt vì bát tiết
Bệnh liên cầu lợn không trở thành dịch, xuất hiện rải rác trong năm và đa số bệnh nhân nhiễm bệnh do thói quen ăn tiết canh của người dân Việt Nam vẫn còn phổ biến.
Gần 10 năm nay, năm nào các bác sĩ cũng cảnh báo bệnh do ăn tiết canh nhưng dường như vẫn cứ xuất hiện bệnh nhân bị bệnh và tới 90 % bệnh nhân ăn tiết canh, thịt lợn tái.
Ông Nguyễn Mạnh H. 51 tuổi, trú tại Nghệ An thoát được cửa tử nhưng gia đình ông tốn cả tỷ đồng để chạy chữa cho ông do bị liên cầu lợn sau đó bị biến chứng tới thính lực không nghe được gì.
Theo gia đình, ông H đi liên hoan tất niên, cơ quan mổ lợn mán vì nghĩ lợn sạch nuôi thả vườn nên ông ăn 2 bát tiết canh nhỏ. Hai ngày sau ông có dấu hiệu sốt, ớn lạnh và chỉ ngày sau ông rơi vào tình trạng suy hô hấp, hôn mê.
Gia đình đưa vào Bệnh viện tỉnh cấp cứu và với triệu chứng bác sĩ nghi ngờ liên cầu lợn nên chuyển ông ra Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cấp cứu.
Tại đây, bác sĩ chẩn đoán ông bị liên cầu lợn và mất 1.5 tháng chạy chữa nằm ở Khoa điều trị tích cực của Bệnh viện, ông H. mới giữ được tính mạng. Nhưng sau khi điều trị xong, dù được cứu sống ông lại bị điếc không nghe thấy gì.
Tết Nguyên đán Đinh Dậu, chỉ mấy ngày giáp Tết Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 3 bệnh nhân nam bị liên cầu lợn do ăn tiết canh có chứa vi khuẩn liên cầu. Các bệnh nhân đều vào viện vào ngày mùng 1, mùng 2 Tết do ăn tất niên và 2 – 3 ngày sau phát bệnh.
Trong số 3 người mắc bệnh, có một bệnh nhân hơn 60 tuổi ở Nam Định, từng ăn tiết canh lợn trong ngày 30 tết. Hơn 2 ngày sau, bệnh nhân này bị sốt cao, tiêu chảy và phát ban xuất huyết hoại tử trên da. Bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Nam Định lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Mặc dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi.
Hai trường hợp còn lại đều gần 40 tuổi ở Bắc Ninh và Ninh Bình, cũng ăn tiết canh lợn vào ngày cận Tết, sau đó sốt cao đau đầu, được chẩn đoán viêm màng não mủ do liên cầu lợn.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới trung ương năm nào đến dịp Tết số ca nhập viện do liên cầu lợn cao hơn các tháng khác trong năm do thói quen mổ lợn ăn Tết của người dân nhiều địa phương.
Bác sĩ Cấp cho biết liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Người bị bệnh có biểu hiện đa dạng, nhưng hay gặp nhất là hai thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn.
Nói không với tiết canh
Theo TS Trương Đình Bắc - Cục Phó Cục Y tế dự phòng bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Người bị bệnh có biểu hiện đa dạng nhưng hay gặp nhất là hai thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn. Bệnh thường để lại biến chứng nặng và có thể tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Trong thời gian vừa qua, nước ta liên tục ghi nhận các trường hợp mắc liên cầu lợn ở người có liên quan đến ăn các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín như: tiết canh, thịt và phủ tạng của lợn chưa được nấu chín.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Trong khi đó, người từng mắc liên cầu lợn dù được chữa khỏi vẫn có thể bị nhiễm bệnh trở lại.
Vì vậy, để chủ động phòng chống bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…).
2. Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
4. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
5. Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.