Cần làm gì để giữ chân người ở lại, ngăn ‘làn sóng” thôi việc, bỏ việc của nhân viên y tế?

Thái Bình |

Các nhân viên y tế có thể tận tâm công hiến với ‘cái bụng rỗng’ và một tâm thế thường trực lo lắng hay không? Đó có phải là ‘giọt nước làm tràn ly’ khiến gần 9.400 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc trong 1,5 năm qua? Vây, phải làm gì để giữ chân người ở lại?

Gần 9.400 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc: Con số đã dừng lại?

Tham luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV diễn ra mới đây, Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo báo cáo của các địa phương (giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022) có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc.

Trong đó, năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc; 6 tháng đầu năm 2022, có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).

Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP. HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…

Theo Sở Y tế Đồng Nai, từ năm 2019 đến nay, hơn 600 y bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế công lập ở tỉnh này nghỉ việc. Năm 2019 có 104 bác sĩ và 156 điều dưỡng nghỉ việc, năm 2020 có 80 bác sĩ và 131 điều dưỡng nghỉ. Tại BVĐK Thống Nhất (Đồng Nai) hai năm trở lại đây, khi dịch COVID-19 bùng phát, khoảng 200 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên nghỉ việc. Một số bác sĩ là lãnh đạo khoa nghỉ việc chuyển qua bệnh viện tư, lương cao hơn.

Tại BV Bạch Mai, từ đầu năm 2020 đến tháng 4/2021 có 221 người rời bệnh viện, trong đó trên 100 người là bác sĩ, phó giáo sư, tiến sĩ, có người là trưởng khoa.

Cần làm gì để giữ chân người ở lại, ngăn ‘làn sóng” thôi việc, bỏ việc của nhân viên y tế? - Ảnh 1.

Đến thời điểm này nhiều nhân viên y tế tham gia chống dịch vẫn chưa được nhận phụ cấp

Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết năm 2021, toàn ngành y tế Hà Nội có 532 người xin nghỉ việc, 82 người xin chuyển công tác và từ tháng 1/2022 đến 30/4/2022, đã có 226 người nghỉ việc, 17 người xin chuyển công tác. Những người nghỉ việc này tập trung ở các bệnh viện lớn như Đức Giang, Xanh Pôn, Hà Đông…

Tại TP HCM, năm 2020 có 597 người nghỉ việc, năm 2021 có hơn 1.000 người nghỉ việc và quý 1/2022 có 396 người nghỉ (268 người ở các bệnh viện tuyến thành phố, còn lại ở quận huyện, phường xã), cao hơn quý 1.2021 là 219 người. Hiện số nhân viên xin nghỉ việc tại các bệnh viện công vẫn tiếp tục, chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tại Nghệ An, PGS.TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 119 cán bộ y tế tại các đơn vị y tế công lập xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó có gần 1/2 là bác sĩ, đứng thứ 2 trong khu vực Bắc Trung bộ. Trong số 119 cán bộ y tế xin thôi việc thì có gần 2/3 là chuyển từ các đơn vị y tế công lập sang làm việc tại các đơn vị y tế ngoài công lập; 1/3 có lý do về sức khỏe và lý do cá nhân khác.

Tại Thanh Hoá, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trịnh Hữu Hùng cho biết từ năm 2020 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 206 nhân viên y tế nghỉ việc trong đó có 96 bác sĩ (chiếm khoảng 47%).

Thu nhập thấp, áp lực công việc, suy giảm thể chất… phụ cấp chống dịch 1 năm chưa được nhận

Khoảng 60% nhân viên y tế được hỏi cho biết họ đã phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19; 48% phải làm thêm giờ. Mặc dù vậy, hơn 1/3 nhân viên y tế cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm, bên cạnh hơn 62% nhân viên tham gia chống dịch được khảo sát đến nay chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào về dịch COVID-19 .

Những thông tin trên là kết quả của một nghiên cứu được thực hiện từ tháng 9-11/2021 bởi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, phối hợp với ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội và Viện Kinh tế và Công nghệ Y tế… công bố tại hội thảo chính sách "Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến sức khỏe và các điều kiện kinh tế - xã hội - việc làm của cán bộ y tế Việt Nam".

Không những thế, nghiên cứu này còn đưa ra những con số khá day dứt khác đó là: Kết quả khảo sát 2.700 nhân viên y tế trên tuyến đầu chống COVD-19 cho thấy mức lương bình quân của họ năm 2020 là 7,36 triệu đồng/tháng, trong khi giá sinh hoạt trung bình ở Hà Nội và TP HCM lần lượt là 10 triệu và 11 triệu đồng.

Khoảng 40% trong số nhân viên y tế được khảo sát cho biết họ gặp phải những khó chịu và suy giảm về sức khỏe thể chất; 70% bị lo lắng và trầm cảm, dẫn đến 25% giảm mức độ hài lòng với công việc của họ.

Cần làm gì để giữ chân người ở lại, ngăn ‘làn sóng” thôi việc, bỏ việc của nhân viên y tế? - Ảnh 2.

Lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở là một trong những nguyên nhân khiến hàng nghìn nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc thời gian qua

Nhắc đến chuyện gần 1 năm trời chưa nhận được tiền phụ cấp chống dịch theo Nghị quyết 16 của Chính phủ, chị Đ.T.N (làm việc tại 1 trạm y tế trên địa bàn TP Vinh, tỉnh Nghệ An) ngậm ngùi: Bùng dịch, chúng tôi đã không ngại khó khăn, nguy hiểm lao vào tâm dịch. Làm hàng tá công việc từ mờ sáng đến tối khuya. Nhiều đêm đi lấy mẫu, mấy chị em như quỵ xuống nhưng vì sức khỏe của mọi người nên chúng tôi động viên, cố gắng. Đến nay, gần 1 năm trời dịch được khống chế nhưng số tiền hỗ trợ chúng tôi vẫn chưa nhận được…

Tâm tư của chị Đ.T.N có lẽ cũng là của nhiều cán bộ y tế khác khi họ đã sẵn sàng dấn thân đi chống dịch nhưng cả năm trôi qua, số tiền ít ỏi phụ cấp chống dịch họ vẫn chưa được nhận.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hàng nghìn nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc, chủ yếu là do: thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; Chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu;

Bên cạnh đó là áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay; "Bình thường đã rất nhiều việc, khi chống dịch lại càng nhiều việc, khi hết dịch lại phát sinh nhiều việc khác, cộng với các công việc thường xuyên, các công việc tồn đọng"; Đồng thời môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng;

Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác như lý do gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua...

Đồng tình với ý kiến của lãnh đạo Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hoá, Nghê An cũng nhấn mạnh thêm: Nguyên nhân khiến nhân viên y tế nghỉ việc do áp lực công việc nặng nề hơn, người bệnh ngày càng đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao cho nên nhân viên y tế, bác sĩ luôn cảm thấy mệt mỏi, trong khi thu nhập thấp.

Đồng thời dịch COVID-19 đã "bào mòn" sức lực của các cán bộ, nhân viên y tế, như "lò xo đã giãn nở hết rồi". Trong thời gian qua, cán bộ y tế tại các bệnh viện phải làm 2 việc cùng lúc, vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh, vừa phòng, chống dịch COVID-19 nên công việc rất áp lực.

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ của HĐND TP Hà Nội ngày 5/7 vừa qua, ông Nguyễn Đình Hưng (đại biểu huyện Mê Linh), phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng hiện nay việc tuyển dụng nhân viên y tế cơ sở vô cùng khó khăn. Khâu việc làm để tăng thu nhập đối với y tế xã phường 'không có mấy', công tác khám chữa bệnh chưa được triển khai nhiều. Đồng thời, chứng chỉ hành nghề y đối với nhân viên y tế xã phường cũng rất khó khăn, cho nên việc tuyển dụng rất khó.

Ngoài ra, đãi ngộ đối với y tế xã phường rất thấp, gần như chỉ có lương cơ bản. Đặc biệt trong 2 năm chống dịch vừa rồi gần như không có thêm khoản thu khác, lương bình quân đối với một bác sĩ chỉ trên dưới 5 triệu đồng.

Làm gì để giữ chân người ở lại?

Trước tình trạng này Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%;

Đồng thời, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ để hướng dẫn việc tổ chức các trạm y tế theo quy mô dân số theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị. Chú trọng biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác y tế; huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế...

Tại buổi toạ đàm 'Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế' diễn ra cách đây không lâu, ông Bùi Sĩ Lợi- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội cho rằng: Trước mắt chúng ta chưa kịp sửa đổi hệ thống pháp luật, chưa thực hiện được cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương thì việc tăng phụ cấp, hỗ trợ đối với cán bộ y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng và rất cần thiết.

Theo ông Bùi Sĩ Lợi, để cho công tác phòng chống dịch cũng như nâng cao hệ thống chăm sóc sức khoẻ của nhân dân bền vững thì phải cải cách và đổi mới cơ chế tài chính y tế.

Luật Khám chữa bệnh đã có trong chương trình rồi, Luật BHYT và những luật liên quan đến tiền lương và cải cách tiền lương tiếp tục bổ sung vào hệ thống các phụ cấp đang được dự thảo trong chính sách tiền lương.

"Tiền lương phải đúng chính sách và giá trị lao động. Đối với ngành y tế, tiền lương không phải tiền nâng năng suất hiệu quả mà còn là giá trị nhân văn, tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân"- ông Lợi nói.

Công đoàn ngành y tế cách đây không lâu đã tập hợp các kiến nghị của cán bộ công nhân viên chức ngành y tế về chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế đối với Đảng, Nhà nước . Theo đó Về chính sách lương khởi điểm của Bác sĩ ngành y tế: Ngành Y là một ngành đặc biệt theo Nghị quyết 46/NQ-BCT của Bộ Chính trị, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, có cơ chế đào tạo đặc thù.

Cần làm gì để giữ chân người ở lại, ngăn ‘làn sóng” thôi việc, bỏ việc của nhân viên y tế? - Ảnh 5.

Dịch COVID-19 đã "bào mòn" sức lực của các cán bộ, nhân viên y tế, như "lò xo đã giãn nở hết rồi". Trong thời gian qua, cán bộ y tế tại các bệnh viện phải làm 2 việc cùng lúc, vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh, vừa phòng, chống dịch COVID-19 nên công việc rất áp lực Ảnh: minh hoạ

Riêng đối với bác sĩ, thời gian đào tạo kéo dài 6 năm so vói các ngành khác thời gian đào tạo chỉ là 4 năm. Tuy nhiên, phải mất 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1. Các ngành khác, chế độ tiền lương chỉ trả sau 4 năm đại học mức lương khởi điểm là 2,34. Đây là một bất cập, đề nghị chế độ chính sách tiền lương khởi điểm riêng với bác sĩ ngành Y, được áp dụng mức khởi điểm tương đương bậc 2 là 2,67.

Về chính sách thâm niên nghề: So sánh với ngành Giáo dục, 2 ngành được xã hội tôn vinh là Thầy, lao động trong ngành Y có phần vất vả, độc hại hơn nhiều nhưng lao động ngành Y không được hưởng chế độ thâm niên nghề như hiện nay ngành giáo dục được hưởng. Đề nghị quan tâm đến chế độ được hưởng chế độ thâm niên nghề y như đối với ngành Giáo dục…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại