Saber Strike 17 sẽ diễn ra tại nhiều khu vực ở Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan. Trước đó, vào tháng 7-2016, giới lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đồng ý triển khai 4 tiểu đoàn đến Ba Lan, Estonia, Luthuania và Latvia để đối phó nguy cơ mà họ gọi là "sự xâm lược của Nga".
4 tiểu đoàn này sẽ tham gia cuộc tập trận The Saber Strike kéo dài 4 tuần, từ ngày 28-5 đến 24-6, để tăng cường khả năng phối hợp giữa quân đội Mỹ và 19 quốc gia. Nội dung cuộc tập trận quy mô lớn này sẽ bao gồm diễn tập tấn công đổ bộ ở Latvia, chữa cháy ở Ba Lan và Lithuania, không kích và băng sông ở biên giới Ba Lan - Lithuania.
Tham gia cuộc tập trận có máy bay trực thăng tấn công AH-64 Apache và máy bay trực thăng đa năng UH-60 Black Hawk của Mỹ, chiến đấu cơ L-39 và máy bay trực thăng Robinson R-44 của Estonia. Chiến đấu cơ Su-22 của Ba Lan và F-18 Hornet của Tây Ban Nha cũng sẽ tham gia tập trận.
Trong khi đó, đơn vị hải quân phản ứng nhanh của NATO Maritime Group One (SNMG1) cùng với tàu khu trục HNoMS Roald Amundsen của Na Uy và HNLMS Evertsen của Hà Lan đã đến TP Klaipeda - Lithuania ngày 28-5 theo đúng lịch trình.
"SNMG1 tiếp tục tập trận chung với các đồng minh khu vực Biển Baltic. SNMG1 đã tập trận chung với tàu hải quân Estonia, Latvia và Thụy Điển. SNGM1 cũng đã lên kế hoạch diễn tập chung với tàu hải quân Lithuania" - chỉ huy SNMG1 Ole Morten Sandquist cho hay.
Cuộc tập trận The Saber Strike bắt đầu vào thời điểm các nước Baltic kết thúc cuộc tập trận trước đó với các nước đồng minh NATO. Vào ngày 28-5, nhóm chiến đấu quốc tế của NATO kết thúc cuộc tập trận Puma 17 gần thị trấn Orzysz, thuộc Đông Bắc Ba Lan.
Khoảng 2.500 binh sĩ, bao gồm một tiểu đoàn của NATO, đã tham gia các cuộc diễn tập chống chiến tranh phức hợp (hybrid war) để ngăn chặn "mối đe dọa từ Nga".
Cùng ngày, Estonia kết thúc cuộc tập trận Spring Storm 2017 với sự tham gia của gần 9.000 binh sĩ đến từ 15 nước thành viên NATO.
Moscow liên tục chỉ trích hoạt động quân sự của NATO dọc biên giới các nước thành viên tổ chức này là một mối đe dọa an ninh quốc gia Nga. Vào tháng 2-2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc NATO gây xung đột với Moscow. Theo ông Putin, điều mà NATO gọi là "sứ mệnh ngăn chặn Nga" chỉ là cái cớ.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra tại Đức vào tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov khẳng định NATO khiến tình hình châu Âu căng thẳng chưa từng có trong 30 năm qua.