Căn bệnh "vua của đau" già, trẻ, giàu, nghèo đều có thể mắc: Bệnh có liên quan đến ăn uống

Ngọc Anh |

Bệnh gout là bệnh lý chuyển hoá nhưng lại ảnh hưởng nặng nề tới xương khớp. Bệnh có thể gây tàn phế cho người mắc và đặc biệt ngày càng trẻ hoá.

30 - 40 đã gout

Anh Đàm Văn Hậu – 34 tuổi, Hà Đông, Hà Nội đến khám tại bệnh viện vì bệnh gout. Thời gian gần đây, anh Hậu thấy tại các khớp xương ở ngón tay và ngón chân của anh có biểu hiện đau nhức từng cơn, thường kéo dài 3-4 ngày rồi tự mất.

Tuy nhiên, cơn đau này lại xuất hiện với mức độ nặng hơn, đặc biệt là sau những cuộc nhậu. Cảm giác nóng bỏng ở các khớp khiến anh đau đớn vô cùng, các thuốc giảm đau chỉ kéo dài được chút ít. Anh Hậu lên mạng tìm kiếm thì dấu hiệu của bệnh gout nên đi kiểm tra và kết quả chính xác anh bị gout.

Anh Hậu làm kinh doanh nên những bữa cơm, tiệc tùng tiếp khách lúc nào cũng nhiều chất đạm lại cộng thêm bia rượu. 4 tháng điều trị bệnh gout nhưng vẫn không thể tránh được các thực phẩm không tốt cho bệnh.

Căn bệnh vua của đau già, trẻ, giàu, nghèo đều có thể mắc: Bệnh có liên quan đến ăn uống  - Ảnh 1.

Dấu hiệu của gout ban đầu ở ngón chân số 1.

Theo thống kê, tỉ lệ mắc bệnh gout ngày càng trẻ hóa. Nếu trước đây bệnh gout thường xuất hiện ở độ tuổi từ 40 trở lên nhiều người trẻ độ tuổi từ 20 - 40 kể cả nam và nữ giới. Bệnh gout được xác định liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống.

TS.BS Cao Thanh Ngọc – Trưởng khoa Nội cơ xương khớp – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, bệnh gout là bệnh rối loạn chuyển hoá purin trong cơ thể. Đây là hợp chất có trong nhân của tế bào động vật và thực vật. Khi tăng hợp chất này làm tăng axit uric. Khi uric lắng đọng trong máu ở cơ, xương khớp sẽ gây ra bệnh gout.

Dấu hiệu của gout

Bệnh nhân ban đầu có thể sưng đau 1 khớp nhưng sau đó lan ra nhiều khớp. BS Ngọc cho biết bệnh gout nếu không điều trị kịp thời có thể gây bệnh mãn tính, tàn phế.

Những người bị gout ở giai đoạn đầu thường sưng khớp bàn chân, đầu tiên là khớp ngón 1 hay ngón chân cái nhưng có những người lại sưng khớp khác như khớp bàn chân, khớp cổ chân, khớp gối. thường hay bị ở chi dưới đầu tiên nhưng không điều trị kịp thời sẽ gây ra bệnh ở tay, chân.

Người ta gọi bệnh gout là "vua của đau, đau của vua". Bệnh được coi là bệnh của nhà giàu vì nó liên quan tới ăn nhiều đạm. Tuy nhiên, hiện nay xã hội phát triển thì bệnh gout không từ một ai kể cả người giàu, người nghèo, người già, người trẻ.

Căn bệnh vua của đau già, trẻ, giàu, nghèo đều có thể mắc: Bệnh có liên quan đến ăn uống  - Ảnh 2.

Thực phẩm gây bệnh gout

Theo bác sĩ Ngọc, có nhiều người đi khám bệnh thấy axit uric tăng. Axit uric tăng khi xét nghiệm máu không phải bị gout. Chỉ khi axit uric lắng đọng nhiều mới gây lắng đọng ở khớp, gây sưng đau, nóng đỏ. Các bác sĩ gọi là viêm gout cấp, hay bị sưng vào đêm và cơn đau đạt tối đa từ 24 đến 48h. Nếu không điều trị thì khoảng 7 – 14 ngày sẽ giảm nhưng không ai có thể chịu được cơn đau này.

Qua viêm khớp do gout cấp nếu không điều trị hạ axit uric sẽ làm cho các đợt viêm sẽ xảy ra lần nữa và sẽ chuyển sang viêm khớp gout mãn tính. Khi bị mãn tính cơn đau sẽ xảy ra thường xuyên hơn, biến dạng cả khớp.

Bác sĩ Ngọc khuyến cáo khi bị gout hay tăng axit uric nên hạn chế các thức ăn như thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, hải sản, nội tạng động vật. Một số loại thực vật chứa nhiều nhân purin như giá, nấm, măng tây cũng nên hạn chế.

Người bị gout hạn chế thức ăn có nhiều mỡ, thịt xông khói, kem sữa, phô mai. Nên gia tăng thức ăn như rau, củ quản, trái cây…

Về uống, người bệnh nên hạn chế bia rượu vì đây là thủ phạm làm tăng axit uric trong máu. Người bệnh uống đầy đủ nước trong ngày để thải axit uric trong người ra tốt hơn.

Nên thường xuyên tập thể dục để giảm cân, duy trì cân nặng hợp lý, tránh căng thẳng, stress sẽ giảm dược nguy cơ bị gout.

Hiện nay xuất hiện các loại thực phẩm chức năng quảng cáo chữa khỏi gout, bác sĩ cho rằng gout không thể chữa khỏi mà chỉ có thể kiểm soát được nên các bài thuốc quảng cáo chữa khỏi gout là không đúng.

Theo bác sĩ Ngọc, các loại thực phẩm chức năng, thuốc đông y cũng chưa thể khẳng định chữa được gout nên bệnh nhân cần cẩn trọng, không nên mua các bài thuốc gia truyền, kinh nghiệm vì các loại này chưa được kiểm chứng lâm sàng. Khi bị gout nên tìm tới bác sĩ chuyên khoa để có thể điều trị an toàn hơn


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại