Căn bệnh ung thư nhắm tới đối tượng trên 40 tuổi, dễ tái phát: Dấu hiệu cảnh báo là gì?

Huyền My |

Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính phổ biến đứng thứ hai trong các loại ung thư đường tiết niệu, chỉ đứng sau ung thư tuyến tiền liệt. Vậy dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh là gì?

Không lâu trước đây, anh Lưu (30 tuổi, Trung Quốc) nhận thấy mình thường xuyên có hiện tượng đi tiểu kèm theo máu. Lúc đầu, anh Lưu không để ý nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn sau đó. Điều này khiến anh Lưu cảm thấy lo lắng nên anh đã cùng gia đình đến bệnh viện khám.

Sau khi xét nghiệm nước tiểu và siêu âm, bác sĩ bước đầu chẩn đoán trong cơ thể anh Lưu có thể đang tồn tại khối u. Anh Lưu được đề nghị nhập viện ngay lập tức, bác sĩ chỉ định nội soi bàng quang và làm sinh thiết.

Kết quả sinh thiết cho thấy anh Lưu mắc ung thư bàng quang. Tuy nhiên, vì phát hiện kịp thời nên bệnh chưa tiến triển nặng. Sau khi tiến hành điều trị một thời gian, anh Lưu đã bình phục và được xuất viện trở về nhà.

Theo số liệu của GLOBOCAN năm 2018, Việt Nam có khoảng 1.502 trường hợp mắc mới và 883 trường hợp tử vong do ung thư bàng quang. Vậy ung thư bàng quang có nguy hiểm không? Dấu hiệu nhận biết ung thư bàng quang là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Ung thư bàng quang là gì?

Bàng quang là một cơ quan rỗng ở bụng dưới có chức năng lưu trữ nước tiểu. Ung thư bàng quang là một loại ung thư phổ biến, các khối u phát triển trong các tế bào của bàng quang.

Ung thư bàng quang gồm 3 loại:

- Ung thư biểu mô: Ung thư biểu mô, trước đây được gọi là ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp, xảy ra trong các tế bào lót bên trong bàng quang.

- Ung thư biểu mô tế bào vảy: Ung thư biểu mô tế bào vảy có liên quan đến tình trạng bàng quang bị kích thích mạn tính - chẳng hạn như do nhiễm trùng hoặc do sử dụng ống thông tiểu lâu dài.

- Ung thư biểu mô tuyến: Ung thư biểu mô tuyến bắt đầu trong các tế bào tạo nên các tuyến tiết chất nhờn trong bàng quang.

Căn bệnh ung thư nhắm tới đối tượng trên 40 tuổi, dễ tái phát: Dấu hiệu cảnh báo là gì? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Ung thư bàng quang là loại ung thư phổ biến bắt đầu trong các tế bào của bàng quang.

Ung thư bàng quang có nguy hiểm?

Theo số liệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, ung thư bàng quang là căn bệnh có tỷ lệ sống trên 5 năm tương đối cao. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót trên 5 năm của ung thư bàng quang được chia theo từng giai đoạn, cụ thể như sau:

Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của những người bị ung thư bàng quang giai đoạn 0 là khoảng 98%; giai đoạn 1 là khoảng 88%; giai đoạn 2 là khoảng 63%; giai đoạn 3 là khoảng 46%; giai đoạn 4 là khoảng 15%.

Hầu hết bệnh nhân mắc ung thư bàng quang đều có tỷ lệ sống trên 5 năm cao nếu được tiếp nhận và điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, ngay cả khi phát hiện và điều trị từ giai đoạn đầu, ung thư bàng quang cũng có thể tái phát lại. Vì lý do này, những người từng mắc và điều trị thành công ung thư bàng quang vẫn cần thường xuyên đến bệnh viện và làm các xét nghiệm theo dõi.

Triệu chứng của ung thư bàng quang

1. Tiểu gấp, tiểu rắt, tiểu khó

Khi khối u xâm lấn vào vùng tam giác bàng quang sẽ khiến bàng quang bị kích thích, từ đó gây ra triệu chứng như đi tiểu nhiều lần, tiểu gấp.

Khi khối u phát triển đến một kích thước nhất định sẽ chèn ép lên bàng quang, có thể gây tắc nghẽn niệu đạo và bàng quang. Lúc này, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng tiểu rắt, tiểu khó. Một số bệnh nhân còn có thể xuất hiện cảm giác đau rõ rệt khi đi tiểu.

2. Đi tiểu ra máu

Hầu hết các bệnh nhân mắc ung thư bàng quang đều có triệu chứng tiểu ra máu. Người bệnh sẽ có triệu chứng đi tiểu lẫn máu đỏ tươi nhưng không có cảm giác đau khi đi tiểu ra máu. Điều này là do lớp lót mặt trong bàng quang (tiếp xúc nước tiểu) bị tổn thương, gây tình trạng chảy máu.

Căn bệnh ung thư nhắm tới đối tượng trên 40 tuổi, dễ tái phát: Dấu hiệu cảnh báo là gì? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: Tiểu gấp, tiểu rắt, tiểu ra máu là một trong những triệu chứng điển hình của ung thư bàng quang.

3. Các triệu chứng khác

Khi các khối u phát triển lớn hơn, người bệnh có thể có thêm các triệu chứng như đau bụng dưới, đau vùng xương chậu, đau lưng, sụt cân,...

Khi các dấu hiệu này kéo dài và không thuyên giảm, mọi người không nên chủ quan mà cần cảnh giác và đi khám kịp thời.

Yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang

1. Tuổi tác

Tuổi tác tăng càng, nguy cơ mắc ung thư bàng quang cũng sẽ tăng lên. Hầu hết những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bàng quang đều trên 40 tuổi.

2. Giới tính

Nam giới có nhiều khả năng bị ung thư bàng quang hơn phụ nữ.

3. Hút thuốc lá

Hút thuốc lá, hút xì gà có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang do hút thuốc khiến các hóa chất có hại tích tụ trong nước tiểu. Khi hút thuốc, cơ thể sẽ tiến hành xử lý các chất hóa học trong khói thuốc và bài tiết một số chất qua đường nước tiểu. Những hóa chất độc hại này có thể gây hại cho niêm mạc bàng quang và làm tăng nguy cơ ung thư.

Căn bệnh ung thư nhắm tới đối tượng trên 40 tuổi, dễ tái phát: Dấu hiệu cảnh báo là gì? - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ: Hút thuốc là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang.

4. Tiếp xúc với một số hóa chất độc hại

Các nhà nghiên cứu cho rằng thường xuyên tiếp xúc gần với hóa chất độc hại có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang.

5. Từng điều trị ung thư

Những người từng điều trị bằng thuốc chống ung thư cyclophosphamide có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn. Những người đã được điều trị bức xạ xung quanh vùng xương chậu để điều trị ung thư trước đó có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn.

Ngoài ra, những người từng mắc và đã điều trị khỏi ung thư bàng quang vẫn sẽ có khả năng tái phát.

6. Viêm bàng quang mãn tính

Nhiễm trùng, mắc bệnh sán máng hoặc viêm đường tiết niệu mãn tính có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang tế bào vảy.

Phòng ngừa thế nào?

Rất khó để có thể ngăn chặn hoàn toàn ung thư bàng quang, nhưng mọi người có thể giảm thiểu nguy cơ bằng một số cách như ngừng hút thuốc, hạn chế tiếp xúc các hóa chất, cải thiện chế độ ăn uống bằng cách bổ sung nhiều loại trái cây và rau quả...

Nguồn: Health/39, Mayoclinic, Healthline

Căn bệnh ung thư nhắm tới đối tượng trên 40 tuổi, dễ tái phát: Dấu hiệu cảnh báo là gì? - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại