Căn bệnh ung thư hiếm gặp, có tiên lượng xấu, dấu hiệu ban đầu mờ nhạt: Ai có nguy cơ cao?

Huyền My |

Đây là căn bệnh ung thư hiếm gặp nhưng có tiên lượng xấu ở giai đoạn cuối. Dấu hiệu ở thời kỳ đầu thường dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh thường gặp nên khó phát hiện.

Ung thư túi mật là gì?

Túi mật là cơ quan nhỏ hình quả lê nằm ở hạ sườn phải, bên dưới gan. Túi mật có chức năng dự trữ dịch mật - một loại dịch tiêu hóa được sản xuất từ gan. Túi mật thường có chiều dài khoảng 8 - 12 cm, chiều rộng 3 - 5 cm, thể tích 30 - 60ml. Chức năng của túi mật là dự trữ và cô đặc dịch mật.

Ung thư túi mật là bệnh lý ác tính hiếm gặp xảy ra ở các tế bào trong túi mật. Tại Trung Quốc, tỷ lệ mắc bệnh ung thư túi mật không cao, chỉ khoảng 0,8% - 1,2% người mắc, ung thư túi mật thường xuất hiện ở người từ 60 - 70 tuổi.

Ung thư túi mật nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh là rất cao. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân mắc ung thư túi mật lại thường được phát hiện ở giai đoạn muộn nên việc điều trị gặp khó khăn và tiên lượng thường rất xấu.

Bác sĩ Diêu Quốc Lương, Khoa phẫu thuật gan mật và tuyến tụy, Bệnh viện I trực thuộc Đại học Khoa học và Công Nghệ Hà Nam, Trung Quốc, chỉ ra rằng ung thư túi mật là căn bệnh ung thư dễ di căn và khó chẩn đoán do bệnh thường không có các triệu chứng đặc hiệu.

Căn bệnh ung thư hiếm gặp, có tiên lượng xấu, dấu hiệu ban đầu mờ nhạt: Ai có nguy cơ cao? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Túi mật là cơ quan nhỏ hình quả lê nằm ở hạ sườn phải, bên dưới gan.

Dấu hiệu thời kỳ đầu của ung thư túi mật

1. Đau bụng trên bên phải

Những cơn đau âm ỉ, đau quặn thắt, đau dai dẳng kéo dài ở vùng bụng phía trên bên phải thường là dấu hiệu cảnh báo ung thư túi mật.

2. Bất thường ở hệ tiêu hóa

Ung thư túi mật giai đoạn đầu có thể gây ra một số triệu chứng bất thường cho hệ tiêu hóa bao gồm chán ăn, buồn nôn, nôn mửa ra dịch mật màu vàng có vị đắng và chướng bụng.

Căn bệnh ung thư hiếm gặp, có tiên lượng xấu, dấu hiệu ban đầu mờ nhạt: Ai có nguy cơ cao? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Ung thư túi mật giai đoạn đầu có thể gây ra một số triệu chứng bất thường như buồn nôn, nôn mửa.

3. Vàng da, vàng mắt

Đây cũng là một trong những triệu chứng tương đối phổ biến của bệnh ung thư túi mật. Da người bệnh, tròng trắng ở mắt sẽ chuyển sang màu vàng, đôi khi còn đi kèm với tình trạng ngứa da. Bởi khi tế bào ung thư phát triển đủ lớn và gây ứ trệ dịch mật sẽ làm cho bilirubin trong dịch mật thấm ngược trở lại máu, gây ra dấu hiệu vàng da, vàng mắt.

4. Các triệu chứng khác

Ngoài các triệu chứng trên người mắc ung thư túi mật cũng có thể gặp một số triệu chứng như giảm cân đột ngột trên 10kg, sốt, mệt mỏi,...

Đối tượng có nguy cơ cao, cần khám tầm soát

Bác sĩ Trịnh Á Dân, bác sĩ tại Khoa ngoại tổng quát, Bệnh viện Tuyên Vũ trực thuộc Đại học Y khoa Thủ đô, Trung Quốc, chỉ ra 4 nhóm đối tượng sau có nguy cơ mắc ung thư túi mật cao hơn so với người bình thường và cần đi khám tầm soát ung thư.

1. Người bị sỏi mật

Sỏi mật sẽ kích thích niêm mạc túi mật, nếu không tiến hành cắt bỏ sớm thì lâu dần có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư túi mật. Đa số bệnh nhân mắc ung thư túi mật có tiền sử bị sỏi mật.

Căn bệnh ung thư hiếm gặp, có tiên lượng xấu, dấu hiệu ban đầu mờ nhạt: Ai có nguy cơ cao? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Đa số bệnh nhân mắc ung thư túi mật có tiền sử bị sỏi mật.

2. Bệnh nhân bị polyp túi mật

Người bệnh có các polyp túi mật lớn hơn 1cm được khuyến cáo cắt bỏ bởi vì có khả năng cao tiến triển thành ung thư.

3. Người có người thân trong gia đình bị ung thư túi mật

Nếu trong gia đình có người có tiền sử mắc bệnh ung thư túi mật thì gia đình cũng cần đi khám tầm soát đề phòng tránh nguy cơ mắc ung thư túi mật

4. Người hút thuốc, nghiện rượu

Những người có thói quen hút thuốc, nghiện rượu, béo phì cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư túi mật.

Phương pháp phòng tránh

Nhìn chung, trong cuộc sống thường nhật, mọi người nên cố gắng duy trì chế độ ăn uống điều độ, đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục hợp lý và duy trì trạng thái tinh thần ổn định, vui vẻ.

Đặc biệt, mọi người nên từ bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia, tiêu thụ các sản phẩm qua chế biến nhiều lần, thực phẩm bị ẩm mốc, hư hỏng để phòng tránh ung thư.

Ung thư xuất hiện có thể là do nhiều yếu tố tác động lên cơ thể. Vì vậy, trong cuộc sống, chúng ta cần phải xây dựng thói quen, chế độ ăn uống lành mạnh và đi khám sức khỏe định kỳ để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc ung thư. Ngay cả trong trường hợp không may mắc bệnh ung thư, việc đi khám định kỳ sẽ giúp người bệnh phát hiện sớm và điều trị kịp thời để kéo dài thời gian sống và chất lượng cuộc sống.

Nguồn: QQ

Căn bệnh ung thư hiếm gặp, có tiên lượng xấu, dấu hiệu ban đầu mờ nhạt: Ai có nguy cơ cao? - Ảnh 6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại