Căn bệnh gây sụp mí mắt, bủn rủn tay chân, suy hô hấp nặng âm thầm, có thể tử vong

Mộc Trà |

Người phụ nữ 51 tuổi bị bệnh nhược cơ được chỉ định phẫu thuật nội soi, loại bỏ u tuyến ức, cải thiện triệu chứng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, bà Nguyễn Thị Thơm (51 tuổi, trú TP HCM) xuất hiện biểu hiện sụp mí mắt, bủn rủn chân tay. Gia đình liền đưa bà đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Tại đây, bà Thơm được chẩn đoán là bị nhược cơ. Đặc biệt, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhược cơ là do bà Thơm có khối u ở vị trị trên trước của trung thất, được xác định là u tuyến ức.

Trên phim chụp CT ngực, khối u hiện rõ với kích thước 3x4cm. Khối u tồn tại đã lâu nên gây ra tình trạng nhược cơ độ I cho người bệnh. Ngay lập tức, bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định mổ nội soi cắt khối u và cuộc phẫu thuật nhanh chóng được tiến hành.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực cho biết: "Bệnh nhân bị nhược cơ độ I-IIA. Chính vì thế, chúng tôi áp dụng phẫu thuật nội soi lồng ngực để đạt được yêu cầu không cần sử dụng thuốc giãn cơ cũng như các loại thuốc giảm đau morphin nhằm hạn chế rủi ro trong lúc mổ, đồng thời giúp bệnh nhân nhanh hồi phục. Nhờ đó, ca mổ diễn ra vô cùng thuận lợi. Khối u và toàn bộ mô tuyến ức được cắt bỏ. Người bệnh có thể tập thở sớm sau mổ, được rút ống nội khí quản chỉ 2 giờ sau mổ và xuất viện sau 2 ngày".

Theo bác sĩ Dũng, trung thất là khu vực giữa xương ức và cột sống. Khu vực này chứa các cơ quan quan trọng, bao gồm tim, thực quản và khí quản. Các khối u trung thất phát triển ở một trong ba khu vực của trung thất: phía trước, giữa hoặc phía sau. Vị trí của khối u trong trung thất thường phụ thuộc vào độ tuổi người bệnh. Trẻ em có nhiều khả năng phát triển khối u phía sau trung thất. Trong khi đó, u trung thất ở người lớn thường phát triển ở khu vực phía trước.

Căn bệnh gây sụp mí mắt, bủn rủn tay chân, âm thầm gây suy hô hấp nặng có thể tử vong - Ảnh 1.

Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM tiến hành phẫu thuật nội soi cắt khối u cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

"Gần 40% người có khối u trung thất không biểu hiện triệu chứng và thường được phát hiện trong quá trình chụp X-quang ngực khi bệnh nhân khám tổng quát hoặc kiểm tra cận lâm sàng để chẩn đoán một bệnh lý khác. Do đó, nếu có dấu hiệu đau tức ngực, khó thở, ho, nổi hạch, khàn tiếng, sụt cân không rõ nguyên nhân..., người bệnh cần đi khám ngay để được xử trí kịp thời", bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

Phòng ngừa bệnh nhược cơ

Ngoài ra, theo bác sĩ Dũng, một số bệnh nhân còn kèm theo biểu hiện nhược cơ tùy từng mức độ: nhược cơ khu trú ở mắt (độ I); nhược cơ toàn thân nhẹ, chưa có rối loạn nuốt và hô hấp (độ IIA); nhược cơ toàn thân trung bình, có rối loạn nuốt, nói nhưng chưa có rối loạn hô hấp (độ IIB); nhược cơ toàn thân nặng, cấp tính, có rối loạn nói, nuốt và hô hấp (độ III). Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng sẽ diễn tiến nặng dần, gây suy hô hấp nặng dẫn đến tử vong.

Nhược cơ là một bệnh thần kinh - cơ tự miễn. Nguyên nhân gây bệnh là tình trạng giảm số lượng các thụ thể acetylcholine (cần thiết cho quá trình co cơ) ở chỗ nối thần kinh cơ, từ đó dẫn tới rối loạn quá trình dẫn truyền thần kinh - cơ. Bệnh nhược cơ có liên quan đến bất thường của các tế bào lympho T của tuyến ức (nằm trong lồng ngực, dưới vùng cổ, ngay sau xương ức) khi tuyến này không tự mất đi ở độ tuổi trưởng thành như thông thường.

"75% người bị nhược cơ có bất thường của tuyến ức, trong số này 65% là tuyến ức phát triển quá mức, còn 10% là có u tuyến ức", bác sĩ Dũng cho biết.

Khối u trung thất có thể được loại bỏ hoàn toàn bằng phương pháp phẫu thuật, nguy cơ tái phát rất thấp. So với phương pháp mổ truyền thống trước đây (phải mở lồng ngực với đường mổ dài), mổ nội soi ngày càng được ưa chuộng nhờ ưu điểm đường mổ ngắn, ít chảy máu, ít đau sau mổ, giảm nguy cơ nhiễm trùng và nhanh hồi phục.

"Bệnh nhân mổ u trung thất cần được chăm sóc tích cực sau phẫu thuật. Trước hết là giảm đau cho tốt, nếu không thì động tác thở sẽ bị hạn chế, người bệnh có nguy cơ xẹp phổi dẫn tới nhiễm trùng phổi, viêm phổi ảnh hưởng đến hô hấp. Bên cạnh đó, người bệnh có thể tập vật lý trị liệu, tập thở để kích thích nở phổi. Nếu làm tốt những điều này, người bệnh sẽ hồi phục sức khỏe gần như hoàn toàn", bác sĩ Dũng lưu ý.

BS.CKI Nguyễn Ngọc Công, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, nhược cơ là bệnh tự miễn và chưa có biện pháp phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, việc duy trì sức khỏe tốt cũng giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Trong sinh hoạt hằng ngày, bạn nên lưu ý:

- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là trái cây và rau xanh.

- Duy trì lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.

- Khi cơ thể có dấu hiệu bất thường, bạn nên chủ động đi khám bác sĩ để theo dõi tình trạng sức khỏe và kiểm soát bệnh lý (nếu có).

- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe toàn diện.

Khi đã mắc bệnh nhược cơ, người bệnh sẽ phải học cách sống chung với bệnh. Để cải thiện triệu chứng bệnh, ngoài các phương pháp điều trị, người bệnh cũng nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt và làm việc phù hợp và chủ động thăm khám theo lịch hẹn. Nếu phương pháp điều trị không làm thuyên giảm triệu chứng bệnh, người bệnh nên trao đổi ngay với bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nặng.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại