Năm ngoái chị Nguyễn Thùy Dương (Hưng Yên) biết mình mắc bệnh viêm gan.
Trước thời gian này, thi thoảng chị thấy cơ thể mình mệt mỏi, chán ăn, đặc biệt là khi đi qua các quán ăn chị thấy rất sợ mùi mỡ.
Nghĩ do áp lực công việc, cơ thể mệt mỏi nên chị tự ra hiệu thuốc mua thuốc chống mệt mỏi về uống.
Dù vậy, tình hình sức khỏe không được cải thiện, chị vào bệnh viện kiểm tra. Sau khi làm các xét nghiệm, kết quả chị bị nhiễm vi rút viêm gan B.
Nghe bác sỹ giải thích về đường lây truyền bệnh, chị nói cả nhà đi kiểm tra thì không may tất cả đều mắc viêm gan siêu vi B.
Lúc này chị mới tá hỏa bởi suốt thời gian qua mọi người trong nhà hay sử dụng chung bàn chải đánh răng, thi thoảng chị cũng dùng dao cạo râu của chồng để triệt lông nách.
Trước đó, mẹ chị cũng đã từng bị mất do ung thư gan. Từ đó mọi người phải điều trị thuốc ức chế virus theo đơn của bệnh viện kê cho.
Viêm gan B có thể lây cho các thành viên trong gia đình nếu không biết bảo vệ. Ảnh minh họa
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc – nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết, trường hợp nhiều người trong gia đình cùng bị viêm gan B không phải là hiếm. Đây là một bệnh lây nhiễm, không có tính di truyền.
Dù vậy, yếu tố gia đình lại là một trong những tác nhân khiến nhiều gia đình có 4 - 5 thành viên lây truyền cho nhau bị viêm gan siêu vi B. Bệnh trở thành mãn tính và đây là nguyên nhân đầu tiên gây ra ung thư gan.
Đa phần người bệnh bị viêm gan virut B, C thường không có triệu chứng rõ rệt nên mọi người không biết mình mắc bệnh.
Nhiều trường hợp vào viện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn xơ gan thậm chí ung thư gan mới biết thì đã muộn.
Ở nước ta, hiện có khoảng 20 triệu người bị lây nhiễm vi rut viêm gan B, viêm gan C, trong đó có hơn 8 triệu người bị xơ gan, ung thư gan.
Nguy cơ ở những người nhiễm virus viêm gan B có khả năng mắc ung thư gan cao gấp 200 lần so với người bình thường.
Ung thư gan đang trở thành gánh nặng và là một trong 5 bệnh ung thư phố biến ở nước ta với tỷ lệ mắc từ 40/100.000 dân.
Ths Nguyễn Thị Thu Hương, Phòng khám Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Medlatec cũng cho biết đang theo dõi nhiều trường hợp nhiễm virus viêm gan B.
Nhiễm virus viêm gan B, C làm tăng nguy cơ ung thư gan và có thể lây nhiễm hoặc di truyền trong gia đình nếu các thành viên không biết cách bảo vệ.
Nhiều trường hợp cả gia đình cùng mắc viêm gan B mà không hề hay biết.
Đa phần mọi người thường chủ quan không nghĩ tới mình có nguy cơ mắc bệnh nên ít đi làm xét nghiệm sớm.
Nhiều trường hợp thiếu kiến thức về bệnh này. Con đường lây nhiễm của viêm gan virus B chủ yếu qua từ mẹ sang con, qua tình dục và đường máu.
Bởi vậy việc tiếp xúc với máu của bệnh nhân như sử dụng chung dụng cụ dao cạo râu, bàn chải đánh răng, bông băng vệ sinh, bông tẩy trang… có nguy cơ lây bệnh rất cao.
Viêm gan B không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường trong cuộc sống như bắt tay, ngủ chung, ăn chung.
Tuy nhiên, để phòng tránh bệnh viêm gan tốt nhất không dùng chung các vật dụng cá nhân như cắt móng tay, bông tẩy trang, tăm xỉa răng, bàn chải đánh răng…; Không dùng chung bơm kim tiêm các vật dụng khác như: kim châm cứu, xăm mình, khuyên tai...
Ngoài ra, nên đi thăm khám sức khỏe định kỳ, tiêm vắc xin phòng ngừa, đối với viêm gan B, A.
Để hạn chế hậu quả do tính chất gia đình của bệnh gan gây ra, những trường hợp nhiễm virus viêm gan B từ mẹ, đặc biệt là những trường hợp gia đình có nhiều người ung thư cần được khám định kỳ 3 tháng/lần để tầm soát bệnh tốt nhất.
Ngoài ra, cần xét nghiệm đột biến Precore và Promomotor cần được thực hiện ở những bệnh nhân này nếu số lượng virus HBV-DNA>= 1,0x105 copies/ml. Sử dụng thuốc ức chế virus sớm sẽ giảm nguy có ung thư gan.