Campuchia tiếp tục phá bỏ cơ sở do Mỹ xây dựng trong căn cứ hải quân?

Anh Minh |

Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy một cơ sở khác do Mỹ xây dựng tại một căn cứ hải quân ở Campuchia đã bị phá bỏ, các nhà nghiên cứu tại một cơ quan nghiên cứu của Mỹ cho biết.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã công bố những hình ảnh cho thấy cơ sở bảo dưỡng thuyền bơm hơi tại Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia vẫn còn đó vào ngày 1 tháng 10 nhưng đã biến mất vào ngày 4 tháng 11.

CSIS đã công bố hình ảnh vào đầu tháng 10 cho thấy một cơ sở khác do Mỹ xây dựng, Trụ sở Chiến thuật của Ủy ban An ninh Hàng hải Quốc gia, đã bị phá bỏ vào tháng 9.

Hồi tháng 10, Lầu Năm Góc cho biết việc phá hủy tòa nhà, ngay phía nam của cơ sở bảo trì, đang gây ra quan ngại.

Các báo cáo cho biết các tòa nhà đã bị phá bỏ đã làm dấy lên những lo ngại xuất hiện trong năm 2019 về một thỏa thuận bí mật giữa Campuchia và Trung Quốc cho phép Bắc Kinh sử dụng căn cứ Ream để đồn trú quân nhân, lưu trữ vũ khí và cập cảng tàu chiến trong nhiều thập kỷ.

Chính phủ Campuchia đã nhiều lần phủ nhận rằng họ đã thực hiện một thỏa thuận như vậy và các quan chức cho biết vào tháng 10 rằng trụ sở nọ đã được di dời để phục vụ việc mở rộng căn cứ, đồng thời bác bỏ các tin tức về sự tham gia của Trung Quốc.

Năm ngoái, Lầu Năm Góc đã yêu cầu Campuchia giải thích lý do tại sao họ từ chối lời đề nghị sửa chữa căn cứ vào năm 2018 của Mỹ, nói rằng quyết định này gây ra đồn đoán về "kế hoạch lớn hơn" cho Ream "liên quan đến việc lưu trữ các khí tài quân sự của Trung Quốc," Joseph Felter, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Nam và Đông Nam Á, đã viết vào thời điểm đó.

CSIS nói tòa nhà bảo dưỡng thuyền đã được dỡ bỏ theo từng giai đoạn, điều này có thể củng cố các tuyên bố rằng cơ sở này đang được di dời.

Tuy nhiên, tuyên bố của văn phòng Thủ tướng Campuchia Hun Sen rằng các tòa nhà đang được dỡ bỏ để cải tạo là không thuyết phục, vì cơ sở bảo trì mới được ba năm tuổi, nhóm nghiên cứu lưu ý.

Sự hiện diện quân sự tiềm tàng của Trung Quốc tại Ream - cũng như tại một sân bay gần đó mà một công ty Trung Quốc đang xây dựng - đã gây lo ngại cho các quan chức Mỹ và các nước khác trong khu vực, vì nó có thể cho phép Trung Quốc phát huy sức mạnh trên các khu vực nhạy cảm ở Đông Nam Á, chẳng hạn như eo biển Malacca.

Mỹ và các nước khác có khả năng tương tự trong khu vực, nhưng tác động của sự hiện diện vẫn đáng lo ngại, đặc biệt là đối với Ấn Độ, quốc gia đã theo dõi hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương trong phần lớn thập kỷ qua.

Đại sứ quán Campuchia và Lầu Năm Góc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ Reuters.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại