LTS: Như nhiều đồng đôi khác, CCB SV Ngô Văn Thạo - PGS.TS, nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị (Ban Tuyên giáo Trung ương), nguên sinh viên khoa Sử, Trường ĐHSP Hà Nội - cũng có những ký ức không thể nào quên về những năm tháng cầm súng đánh giặc.
Dưới đây là hồi ức của ông về một trận đánh trong chiến dịch giải phóng Đông Hà - Quảng Trị năm 1972.
----------------
Ghìm chân cả chi đội xe tăng địch
Tối ngày 25/4/1972, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 chúng tôi được lệnh ra chốt thay Đại đội 1 vừa bị quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tràn lên và mất chốt hôm trước.
Chốt của chúng tôi nằm trên cao điểm 35, phía tây nam Đông Hà. Đó là dãy đồi khá dài, với các cao điểm 32, 35, 37 nối nhau, nằm ven phía nam đường 9 (nay là khu nhà khách của Tỉnh ủy Quảng Trị).
Tác giả Ngô Văn Thạo - PGS.TS, nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị (Ban Tuyên giáo Trung ương)
Từ đây, muốn vào Đông Hà, xe phải vượt qua một chiếc cầu sắt, rồi theo Quốc lộ 1 về phía Nam. Trên cao điểm 32 có một chi đội xe tăng của VNCH.
Đến hôm ấy, công binh của ta đã phá gục cầu sắt Đông Hà nên chi đội xe tăng của địch chỉ có cách vượt qua cao điểm 35, 37 theo đường tuyến chạy về phía nam mà thôi. Chỉ huy chiến dịch điều Đại đội chúng tôi chốt tại cao điểm 35 là để chặn đường chạy của chi đội xe tăng này.
Suốt ngày 26/4, chúng tôi ngồi trong giao thông hào xem đơn vị tên lửa chống tăng vác vai B72 canh chừng chi đội xe tăng này.
Có 2 chiếc xe trồi lên di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác bị tên lửa B72 khai hỏa, bay là là trên các ngọn cây sim, cắm phụp vào xe tăng. Chỉ nghe tiếng nổ ục và khói trắng bốc lên. Chiếc xe tăng bị tiêu diệt, nằm im trên mặt đất, không còn động đậy nữa.
Đêm hôm ấy, chúng tôi lên cao điểm 37, chốt hai bên đường tuyến từ cao điểm 32 qua đây để chạy về phía nam. Trận địa chốt chia làm hai cánh: một cánh trên gần đỉnh đổi là căn cứ đóng quân cũ của địch, bên phải đường tuyến; một cánh bên trái đường.
Trung đội 6 của chúng tôi chốt bên cánh trái, hướng nhìn về cao điểm 32 và 35 trong giao thông hào do địch đào trước đây.
Suốt ngày 27/4, chúng tôi chịu pháo kích của địch bắn vào trận địa. Tôi nhớ phải 6, 7 lần chúng tập trung bắn vào quả đồi. Đạn nổ choang choác, chỉ có cách nằm rạp xuống giao thông hào, trúng ai, người ấy phải chịu.
May là hào giao thông của địch đào zích zắc nên có quả đạn rơi trúng một đoạn, nhưng không ai bị thương. Trong những lúc pháo địch không bắn, thỉnh thoảng có vài con chó hoang chạy qua chạy lại, chắc là chúng kiếm ăn trong những xác lính VNCH chết trong trận 23/4 trên quả đồi này.
Mới cuối tháng 4, nhưng Quảng Trị đã bắt đầu nắng và nóng. Chúng tôi dựa vào các bụi sim, mua để tránh nắng suốt ngày hôm đó.
Buổi chiều, anh nuôi mang cơm lên trận địa đúng lúc pháo địch dập vào trận địa. Anh Đặng, anh nuôi người Hà Bắc (không rõ Bắc Ninh hay Bắc Giang) không kịp chạy xuống hào giao thông, nằm trên mặt đất bị mảnh pháo xuyên từ mặt qua gáy, hy sinh tại chỗ. Thương anh quá!
Trận chiến ác liệt tại Thành cổ Quảng Trị năm1972. Ảnh tư liệu
Bắt sống 6 xe tăng thiết giáp
Khoảng gần 6 giờ chiều, trời bắt đầu tối dần, chúng tôi nghe tiếng máy xe tăng nổ ầm ầm bên cao điểm 32. Toàn trận địa báo động. Một đoàn xe tăng, xe thiết giáp địch nối nhau tràn lên chốt. Chúng đi hàng một vì đường hẹp.
Chiếc đi đầu là xe tăng rất lớn, không biết mác xe gì, cần ăng - ten lắc lư theo sự chuyển động của xe. Bên cánh trái chúng tôi ở hướng đồi thấp hơn nên chưa nhìn thấy cả đoàn xe địch.
Trên hướng phải, anh Chuân, người Thủy Nguyên - Hải Phòng giữ B41 bắt đầu nổ súng. Trong khoảng 15 phút, anh bắn 6 quả đạn, làm cháy 4 xe của địch. Nhưng chiếc xe đi đầu, không biết vì sao vẫn vượt qua được và leo đến gần chốt của chúng tôi.
Anh Trước, quê Đông Triều - Quảng Ninh lao ra bắn quả B40 nhưng đạn bay sượt qua nóc tháp pháo. Anh Trước chạy quay lại hào giao thông.
Duy, Trung đội phó Trung đội 4, người Lạng Sơn lao ra, lắp quả đạn vào súng và nằm dài trên mặt đất, nhằm thẳng xe tăng lúc đó chỉ cách 20 mét bóp cò. Đạn trúng vào xích xe và nổ tốt. Chiếc xe tăng đứt xích, quay một vòng tròn và dừng lại.
Nhưng do Duy nằm dọc súng, nên lửa bắt vào đôi tất chân, bùng cháy, làm bỏng hai bắp chân. Hai lính xe tăng VNCH (không hiểu sao chỉ có hai) bung lắp xe nhẩy ra và chạy về phía chúng tôi, chếch theo hướng chân đồi bên trái. Anh Tư, Tiểu đội trưởng tiểu đội tôi hô bắn.
"Nụ cười bên thành cổ Quảng Trị" (bộ đội). Ảnh: Đoàn Công Tính
Tôi gác khẩu AK lên bờ giao thông hào nhả mấy loạt đạn, nhưng không thấy bắn lại, chỉ nhìn thấy bóng người lao vào gốc sim bên kia giao thông hào. Anh Tư nói "ném cho nó quả lựu đạn". Tôi móc túi lấy quả lựu đạn M26 của Mỹ, rút chốt, ném qua. Lựu đạn nổ tốt.
Trận địa vẫn ầm ầm tiếng súng. Hà Trọng Thu đằng sau tôi vọt lên bắn quả B40. Tôi đứng ngay đằng sau, nhưng né sang một bên nên không bị lửa tạt vào. Còn Bình đứng sau Thu một đoạn, bị lửa tạp vào mặt, sém tóc kêu ầm ĩ. Sau quả đạn đó, trận địa im ắng hẳn, chỉ còn tiếng máy xe nổ dưới chân đồi.
Tôi được Trung đội giao lên bắt liên lạc với Đại đội. Khẩu lệnh là "chiến thắng". Tôi chạy đến gần sở chỉ huy, hô "chiến thắng" thì gặp ngay Đại đội trưởng Nguyễn Xuân Sắc. Anh nói địch chạy hết rồi, cánh ấy thế nào.
Tôi báo cáo Bình bị thương do lửa B40, thì ngay lúc đó, Thu dắt Bình đến sở chỉ huy. Anh Đạm, y tá đại đội đỡ Bình xuống và lấy thuốc tra mắt, thuốc mỡ bôi vào mặt cho Bình.
Đến lúc ấy, chúng tôi vẫn nghe tiếng máy xe nổ ầm ầm dưới chân đồi. Đại đội trưởng Sắc thành lập tổ xung kích, trang bị B41 và AK đi xuống chân đồi tiếp cận xe tăng địch. Tôi được tham gia nhóm xung kích này.
Đến chân đồi, chúng tôi nhìn thấy có 5, 6 xe tăng, xe bọc thép vẫn nổ máy, nhưng không thấy dấu hiệu di chuyển. Đại đội trưởng Sắc ra lệnh dùng súng AK bắn vào tháp pháo, thành xe để thử phản ứng.
Chúng tôi nằm xuống và xả đạn AK vào các xe tăng. Đầu đạn gặp thành xe tóe lửa nhưng không thấy phản ứng gì. Sau đó chúng tôi tiếp cận gần cũng không thấy địch. Như vậy là sau khi 5 chiếc xe tăng đi đầu bị bắn cháy, lính các xe khác đã bỏ xe, chạy bộ theo đường tắt về Ái Tử, thị xã Quảng Trị.
Đại đội trưởng Sắc gọi điện báo cáo với Tiểu đoàn rằng đã "bắt sống" 6 xe tăng và xe bọc thép của địch. May lúc đó, tại sở chỉ huy Tiểu đoàn có mấy lính xe tăng của ta đang chờ về đơn vị, do xe của họ bị đội bụng và cháy từ sáng.
Đông Hà Những ngày đầu giải phóng.
Liên lạc dẫn lái xe tăng lên, lái xe về hậu cứ. Khi chiếc xe M113 đi qua, chúng tôi yêu cầu dừng lại. Hóa ra đây là xe phục vụ hậu cần, có rất nhiều thịt hộp, giò gà, giò ba khoanh, cơm sấy, hoa quả, cà chua, khoai tây hộp, thuốc lá...
Chúng tôi khuân cả chục thùng xuống chốt. Anh Tư lấy cây đàn ghi ta của tên lính VNCH nào đó để lại. Chiếc đàn theo anh đến tận Mỹ Chánh khi đại đội chúng tôi cùng Trung đoàn chốt chiến dịch theo tuyến Mỹ Chánh - động Ông Do mới bị vỡ, hỏng.
Sáng hôm sau, chúng tôi đi tìm thấy hai lính xe tăng VNCH bị thương nằm dưới gốc cây sim. Chúng tôi băng bó và chuyển họ về tuyến sau.
Tổng hợp lại, trận này, Đại đội 2 chúng tôi bắn cháy 5 xe tăng, thu giữ được 6 xe tăng và thiết giáp còn nguyên vẹn. Đại đội hy sinh 1 người (anh Đặng, anh nuôi) và bị thương 2 người là Bình và Duy (cả 2 là Trung đội phó Trung đội 4 và Trung đội 6) đều bỏng do đuôi lửa của B40. Thế mới chán chứ!
Khoảng 10 giờ sáng ngày 27/4, chúng tôi được lệnh tiến vào Đông Hà, thị xã đã bỏ ngỏ. Địch rút khỏi thị xã ngay sáng hôm đó. Chúng tôi đi qua thị xã, đến chốt tại làng Trung Chỉ, ngay ven sông.
Đến ngày 2/5, sau khi toàn bộ tỉnh Quảng Trị được giải phóng, chúng tôi trao chốt cho đơn vị khác để đi sâu vào phía nam, thực hiện chốt chiến dịch tại Mỹ Chánh - động Ông Do cho đến khi địch phản kích từ ngày 19/6.
Trong chiến dịch giải phóng Đông Hà mà tôi được tham gia, đây trận đánh thắng lợi và hiệu quả nhất.