Anh Nguyễn Mạnh Dũng (29 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng nôn ra cả máu lẫn thức ăn. Anh Dũng nhanh chóng được đưa đi cấp cứu. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội anh Dũng được các bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày và kết quả không nằm ngoài dự đoán đó là thành dạ dày xung huyết kèm theo có tia máu chảy.
Anh Dũng nhanh chóng được cầm máu qua hệ thống nội soi kèm theo điều trị chảy máu dạ dày tá tràng. Theo người nhà anh Dũng, gia đình đang chuẩn bị làm đám cưới cho anh.
Khoảng 1 tuần nay lo lắng cho đám cưới khiến anh mất ăn mất ngủ. Mẹ anh tâm sự gia đình chỉ có 3 mẹ con, bố anh mất sớm nên việc trọng đại của đời mình anh là chủ lực, mẹ anh chỉ giúp con về mặt tinh thần.
Viêm loét dạ dày gây chảy máu dạ dày
Cách đây hơn 1 năm anh có bị đau bụng đi khám bác sĩ cũng cho biết bị viêm loét dạ dày nhẹ và đã uống thuốc. Tại bệnh viện, bác sĩ kiểm tra anh bị dạ dày nặng còn có vi khuẩn HP đi kèm.
PGS Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đào tạo tiêu hóa, Gan mật Việt Nam cho biết nhiều người không hề biết suy nghĩ nhiều, căng thẳng, stress là những nguyên nhân gây đau dạ dày. Suy nghĩ nhiều ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật, gây tác động xấu lên hệ tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày.
Gần đây nhất, PGS Thắng tiếp nhận một bệnh nhân nữ 26 tuổi cũng bị chảy máu dạ dày nặng phải vào viện cấp cứu. Do chỉ sau 1 đêm cãi nhau với chồng, bệnh nhân đã bị xung huyết toàn bộ niêm mạc dạ dày kèm theo chảy máu dạ dày.
Theo người nhà bệnh nhân, hai vợ chồng trước đó chỉ tranh luận việc đi học thạc sĩ hay không. Bản thân bệnh nhân muốn đi học thạc sĩ ở nước ngoài nhưng chồng không đồng ý và có xung đột vợ chồng xảy ra. Đêm đó bệnh nhân đã suy nghĩ, không ngủ và đến ngày hôm sau bị chảy máu dạ dày.
Căng thẳng khiến dạ dày tăng tiết axit trong khi lượng thức ăn đưa vào vẫn không thay đổi, phần axit dư ra trong quá trình tiêu hóa sẽ ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày.
Tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn khi tăng tiết axit dạ dày khi đói. Axit dạ dày thường xuyên tác động đến niêm mạc sẽ làm mất đi lớp nhầy niêm mạc có tác dụng bảo vệ, từ đó dẫn đến đau dạ dày, viêm loét dạ dày, tá tràng, chảy máu dạ dày…
Chảy máu dạ dày nguy hiểm như thế nào?
Theo PGS Thắng chảy máu đường tiêu hóa là một cấp cứu nội khoa và ngoại khoa. Đó là hiện tượng máu nuôi dưỡng tại ống tiêu hóa chảy ra khỏi mạch, đi ra ngoài hoặc vào trong lòng mạch.
Từ đó sẽ xuất hiện một số triệu chứng điển hình, đối với đường tiêu hóa trên bệnh nhân thường có biểu hiện nôn ra máu, với đường tiêu hóa dưới bệnh khó nhận biết hơn với các biểu hiện âm thầm mà bệnh nhân ít để ý tới, song biểu hiện đặc trưng nhất là đi ngoài phân đen.
PGS Nguyễn Duy Thắng
Những người có thể bị chảy máu dạ dày là người có tiền sử viêm loét dạ dày trước đó. Dấu hiệu có thể người bệnh nôn ra máu tươi, máu cục có lẫn thức ăn, đi ngoài phân đen.
Người bệnh có thể thấy đau nóng rát vùng thượng vị, ít khi thấy đau dữ dội. Khi bị mất máu nhiều người bệnh cảm giác chóng mặt, hoa mắt, hay ngất, da xanh, vã mồ hôi, mạch nhanh huyết áp tụt.
Khi có các dấu hiệu trên, người bệnh cần tới bệnh viện ngay lập tức và không nên điều trị tại nhà bởi việc thiếu kiến thức về bệnh lý và sự chậm trễ khi xử lý có thể khiến máu ra nhiều hơn, gây tử vong.
Nếu nhẹ các bác sĩ có thể theo dõi thêm từ 24 - 48 giờ, tiến hành nội soi dạ dày và nếu không còn chảy máu thì sẽ cho xuất viện, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Theo PGS Thắng nguyên nhân gây viêm loét dạ dày có rất nhiều đặc biệt hiện nay lối sống công nghiệp nhiều người ăn uống thất thường nhất là người trẻ, ăn nhiều đồ chua cay, ăn các thực phẩm giàu natri, ăn uống không đúng bữa là tác nhân gây ra viêm loét dạ dày.
Ngoài ra, áp lực cuộc sống, stress hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp tới dạ dày.