Cách tiêm kích Thụy Điển khóa thành công máy bay trinh sát nhanh nhất thế giới SR-71

Hoàng Phạm |

SR-71 nổi tiếng vì không máy bay nào có thể đuổi kịp nó và thậm chí nó có thể bay nhanh hơn cả tên lửa. Trên thực tế, chỉ có một tiêm kích từng “khóa” thành công máy bay trinh sát của Không quân Mỹ.

Máy bay SR-71. Ảnh: DVIDS

Máy bay SR-71. Ảnh: DVIDS

Máy bay trinh sát nhanh nhất thế giới

SR-71 Blackbird là máy bay trinh sát tốc độ cao do tập đoàn Lockheed chế tạo cho Không quân Mỹ vào những năm 1960. Đây là loại máy bay có tốc độ nhanh nhất của Không quân Mỹ từ trước tới nay với vận tốc tối đa đạt Mach 3 (3.300 km/h), trần bay 25,9 km và tầm hoạt động 5.230 km.

SR-71 Blackbird ra đời nhằm thọc sâu vào lãnh thổ đối phương để thu thập tin tức tình báo.

Tốc độ cao cho phép nó thu thập nhiều thông tin tình báo về địa hình, vị trí đối phương. SR-71 có thể xâm nhập không phận để chụp ảnh rồi nhanh chóng thoát ra khi đối phương chưa kịp trở tay. Trong 1 giờ, SR-71 có thể tiến hành trinh sát và chụp ảnh trên một khu vực rộng 260.000 km2.

Trong gần 25 năm phục vụ, SR-71 đã lập nhiều kỷ lục về tốc độ. Ngày 28/7/1976, chiếc máy bay này đã đạt vận tốc đáng kinh ngạc: 3.529,56 km/h.

Bay với tốc độ khoảng 58,82km/phút hay 980m/giây, nó nhanh hơn một viên đạn bắn ra từ khẩu súng trường M1 Garand thời Thế chiến II vốn có sơ tốc đầu nòng 853m/giây.

Mặc dù nhiều máy bay bị mất do tai nạn, nhưng không có chiếc Blackbird nào bị đối phương bắn hạ. Trên thực tế, chỉ có một tiêm kích có khả năng khóa radar đối với máy bay trinh sát nhanh nhất của Không quân Mỹ.

Tuy nhiên, đó không phải là máy bay đánh chặn của Liên Xô như MiG-25, mà là máy bay chiến đấu Saab J37 Viggen do Thụy Điển sản xuất.

Cách tiêm kích Thụy Điển khóa thành công máy bay trinh sát nhanh nhất thế giới SR-71 - Ảnh 2.

Máy bay SR-71 'Blackbird' trong một nhiệm vụ huấn luyện năm 1997. Ảnh: Getty

Saab J37 và SR-71

Trong những năm 1980, SR-71 thường thực hiện các chuyến bay ở tầm rất cao tới các mục tiêu chiến lược xác định trước và một trong số đó là “Baltic Express” – nhiệm vụ đòi hỏi nó phải bay qua một khoảng trống nhỏ trên không phận quốc tế gần Thụy Điển.

Khi SR-71 bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ vào những năm 1960, nó đang ở đỉnh cao của công nghệ tàng hình và rất ít hệ thống radar có thể theo dõi được chiếc máy bay này. Tuy nhiên, đến những năm 1980, các hệ thống trên mặt đất mới và tiên tiến hơn đã có thể phát hiện ra SR-71.

Đó là khi SR-71 đang thực hiện nhiệm vụ Baltic Express. Khi chiếc SR-71 đi vào một điểm cụ thể gần Copenhagen, nó sẽ kích hoạt radar phòng không của Thụy Điển.

Stockholm duy trì chính sách trung lập nghiêm ngặt trong Chiến tranh Lạnh. Chính phủ Thụy Điển không thể cho phép các máy bay do thám của Mỹ đi vào không phận của mình và đã tiến hành tập trận đề phòng bao gồm hoạt động điều máy bay đánh chặn.

Thụy Điển đã tiến hành hàng trăm nhiệm vụ Cảnh báo Phản ứng Nhanh (QRA) mỗi năm để đánh chặn bất kỳ máy bay không xác định nào tiếp cận không phận nước này.

Các mục tiêu QRA bao gồm cả máy bay của các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw và NATO và thường chỉ chúng chỉ bay gần không phận Thụy Điển trên Biển Baltic hoặc Vịnh Bothnia.

Khi SR-71 bắt đầu thực hiện các chuyến bay Baltic Express, Thụy Điển đã điều Saab J35F Draken để chặn máy bay trinh sát của Mỹ, nhưng nó đã không hoàn thành nhiệm vụ.

Các phi công của Không quân Mỹ có thể tin rằng Saab J37 Viggen cũng giống như chiếc J35F Draken.

Tuy nhiên, Vigen được trang bị hệ thống radar và nhắm mục tiêu vũ khí tiên tiến, cho phép nó có khả năng theo dõi và khóa tên lửa tốt hơn. SR-71 vẫn là một thách thức rất lớn, nhưng các phi công Thụy Điển đã điều chỉnh chiến thuật.

Cách tiêm kích Thụy Điển khóa thành công máy bay trinh sát nhanh nhất thế giới SR-71 - Ảnh 4.

Máy bay Saab Viggen của Không quân Thụy Điển tại căn cứ Fairford tháng 7/1993. Ảnh: Getty

Các phi công Thụy Điển điều khiển chiếc J37 Vigen đã tìm cách đạt được độ cao ngay bên dưới Blackbird và sau đó leo dốc lên để bay về phía SR-71 theo cách tiếp cận trực diện.

Trong khi các phương thức đánh chặn điển hình thường tiếp cận từ phía sau, cho phép tên lửa có cơ hội khóa mục tiêu tốt hơn, Viggen được trang bị tên lửa Skyflash có khả năng khóa radar từ phía trước.

Tháng 1/1986, chiến thuật như vậy đã đem lại hiệu quả. Phi công Thụy Điển Per-Olof Eldh leo lên chiếc máy bay chiến đấu Saab J37 Viggen của mình và bắt đầu giao thức tấn công trực diện. Per-Olof Eldh đã bám đuổi thành công và khóa được tên lửa lên chiếc SR-71 đang đến gần.

Tất nhiên, Eldh đã không khai hỏa và hai chiếc máy bay cắt ngang đường bay của nhau một cách vô hại và tiếp xúc trực quan với nhau.

Nhưng Saab J37 Viggen đã được chứng minh là chiếc máy bay đầu tiên chặn thành công và khóa được chiếc máy bay có tốc độ nhanh nhất thế giới. Sau lần đó, Eldh còn 5 lần chặn thành công chiếc SR-71 bằng cách sử dụng các chiến thuật tương tự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại