Làm gì để không bị nhiễm HIV?
HIV chưa có thuốc chữa. Đây là lý do vì sao phòng tránh lây nhiễm HIV lại trở nên cực kỳ quan trọng. Vậy cần làm gì để không lây nhiễm HIV:
Không quan hệ tình dục (giao hợp âm đạo, đường miệng, hậu môn). Đây là một phương pháp phòng tránh HIV khá hữu hiệu. Nhưng đối với nhiều người đây không phải là giải pháp khả thi vì quan hệ tình dục là một phần trong cuộc sống và chúng ta muốn được hưởng thụ.
Nếu bạn có đời sống tình dục, cần:
Chung thủy từ cả hai phía (khi biết chắc cả hai không bị nhiễm HIV). Chung thủy vốn là một đức tính mà người Việt Nam ta hằng coi trọng. Dù không xét đến khía cạnh đạo đức thì cũng có thể thấy rõ chung thủy là một điều mang lại nhiều ích lợi.
Ở thời đại hiện nay, chung thủy không những bảo vệ hạnh phúc lứa đôi mà còn bảo vệ sức khỏe của chính mình. Nếu có vợ, chồng hay người yêu, bạn hãy coi trọng hơn nữa việc chung thủy.
Dùng bao cao su trong mỗi lần quan hệ tình dục: Bao cao su có thể coi là thần hộ vệ nếu dùng đúng cách. Nó giúp ta tránh được HIV và nhiều rắc rối khác, trong đó có cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Lý do đơn giản nhất cần phải dùng bao cao su là ta không thể biết người khác có nhiễm HIV hay không, thậm chí người nhiễm HIV rất có thể cũng không biết mình bị nhiễm. Vì thế, nếu có quan hệ tình dục thì hãy nhớ một điều vô cùng quan trọng là: Bạn có thể đảm bảo không lây nhiễm HIV bằng cách luôn luôn dùng bao cao su.
Nếu là người nghiện chích ma túy: Không dùng chung kim tiêm hay xi lanh.
Những hành vi không làm lây nhiễm HIV
Hôn và ôm: Những hành vi này không làm cho virut từ máu hoặc tinh dịch của người nhiễm xâm nhập cơ thể của người kia được.
Muỗi đốt: HIV không tồn tại lâu bên ngoài cơ thể con người. Ngoài ra muỗi không hút máu của người này và nhả vào cơ thể của người kia - chúng hút máu và “tiêu hóa” máu. Chữ “H-human” trong HIV có nghĩa là “người”. Như vậy virut chỉ có thể sống được trong cơ thể người mà thôi.
Dùng chung bồn tắm với người nhiễm HIV: Vì dịch tiết của người nhiễm không thể đi vào cơ thể người không nhiễm qua bồn tắm được.
Dùng chung bàn chải răng với người nhiễm HIV: Hầu như chưa bao giờ xảy ra tình trạng nhiễm HIV do dùng chung các vật dụng trong gia đình. HIV không thể tồn tại lâu bên ngoài cơ thể con người.
Sau khi ra khỏi cơ thể của người nhiễm, virut phải tìm cách đi vào cơ thể người khác trong gia đình ngay thì mới sống được - điều này không thể xảy ra nếu không có quan hệ tình dục hoặc sử dụng chung bơm kim tiêm.
Các tiếp xúc thông thường khác: Tất cả các kiểu tiếp xúc thông thường như cùng ăn uống, mặc chung quần áo, bơi chung bể bơi, ở cùng nhà, ngủ chung giường (tất nhiên là không quan hệ tình dục!), làm việc cùng cơ quan, dùng chung nhà vệ sinh, cắt tóc... không làm cho ai bị nhiễm HIV.