Cách phòng tránh các bệnh thường gặp mùa nắng nóng

Thạc sĩ Y học Mai Hữu Phước |

Thời tiết nóng, lạnh hay mát mẻ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một số loài nấm ký sinh hoặc vi sinh vật thích nghi phát triển và gây bệnh.

Thời tiết nóng, lạnh hay mát mẻ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một số loài nấm ký sinh hoặc vi sinh vật thích nghi phát triển và gây bệnh, tạo ra một số bệnh lý theo mùa… Riêng nóng quá cũng là tác nhân vật lý gây bệnh.

Các bệnh lý đường tiêu hóa, ngoài da

Các bệnh như viêm họng, viêm thanh quản cũng gặp nhiều trong mùa nắng nóng do uống nhiều nước đá nhằm mục đích đỡ khát và hạ nhiệt. Nhiều người có vẻ như “dị ứng” với quạt nước hoặc máy điều hòa, nên sau một giấc ngủ tránh cái nóng thì cảm giác họng khó chịu, đau rát, ho và thậm chí là khàn tiếng...

Do vậy, cần lưu ý sử dụng quạt gió, quạt nước và máy điều hòa sao cho hợp lý, vừa làm dịu sự nóng nực, vừa tiết kiệm điện, lại tránh phải đi mua thuốc để… khắc phục. Tốt nhất là nên hẹn giờ, để độ lạnh sao cho vừa đủ giảm sự căng thẳng của tiết trời bên ngoài.

Các bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp trong mùa nắng nóng điển hình là tiêu chảy cấp, dịch tả, ngộ độc thức ăn.

Sau khi ăn phải thức ăn hoặc sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn vì sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc... người bệnh bắt đầu có các biểu hiện bệnh lý ở đường tiêu hóa thường gặp như đau quặn bụng, đi cầu phân lỏng, nôn mửa...

Sự cố trên nôn dưới tháo sẽ làm cho người bệnh nhanh chóng bị mất nước, khô kiệt và rơi vào trạng thái choáng. Nếu không được xử trí cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Những điều cần lưu ý trong sơ cấp cứu và điều trị tiêu chảy, nôn mửa:

- Bồi phụ nước và điện giải: Nhằm mục đích trả lại các chất bị mất do phân mang theo ra bên ngoài cơ thể, đảm bảo duy trì tuần hoàn ổn định.

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Nhằm đảm bảo sự hấp thu và bổ sung năng lượng, tăng cường sức chống đỡ cho cơ thể của người đang mang bệnh. Có thể bổ sung các loại men tiêu hóa như Biolactin, Probio… để ổn định lại “trật tự” của vi khuẩn đường ruột, lập lại thế cân bằng cho hệ thống tiêu hóa hoạt động bình thường.

- Về việc dùng thuốc cầm tiêu chảy: Trong nhiều trường hợp, tiêu chảy là phản ứng tích cực của cơ thể nhằm thải trừ bớt các độc tố và vi khuẩn ra khỏi cơ thể người bệnh. Việc dùng thuốc “phanh” đột ngột hoặc lạm dụng thuốc nhiều khi mang lại những kết quả tồi tệ hơn như liệt ruột, gây chướng bụng hoặc bị táo bón nặng hành hạ.

Nắng nóng làm cho các lỗ chân lông giãn nở, mồ hôi và chất bã thi nhau túa ra ngoài. Cộng với bụi bặm của môi trường sẽ là điều kiện thuận lợi để các bệnh ngoài da như rôm sảy, mụn nhọt, ghẻ, nhiễm trùng da, viêm da cơ và các bệnh nấm da như lang ben, hắc lào có điều kiện thuận tiện đua nhau phát triển.

Phòng bệnh ngoài da không gì khác hơn là phải vệ sinh da bằng cách thường xuyên tắm giặt, mặc áo quần thông thoáng, thay ngay quần áo bẩn hoặc bị ẩm ướt. Nếu mắc bệnh, chú ý điều trị ngay và điều trị có hiệu quả để tránh lây lan cho người khác và sự tiến triển bệnh ngày càng nặng nề hơn.

Các bệnh say nắng, say nóng

Cách phòng tránh các bệnh thường gặp mùa nắng nóng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: ITN.

Xảy ra trong những ngày nóng bức. Khi nắng ngập tràn khắp nơi, nhiệt độ không khí gia tăng, đi lâu, ngồi lâu, làm việc lâu ở ngoài trời thường dễ mắc phải. Say nắng, say nóng tuy hai nhưng cũng là một.

Đây là một hội chứng mất nước, mất muối cấp tính do sự tăng thân nhiệt đột ngột. Lúc này cơ chế điều hòa nhiệt độ của cơ thể không còn kiểm soát nổi. Sự hấp thu nhiệt của môi trường nhanh hơn là sự thải nhiệt từ cơ thể ra ngoài. Điều này làm gia tăng nhiệt độ bên trong cơ thể.

Người bị say nắng, say nóng biểu hiện như là một hiện tượng nhiễm độc. Sốt cao là dấu hiệu nổi bật và điển hình nhất của trường hợp bệnh lý này. Co giật là điều đáng sợ, do nhiệt độ cơ thể gia tăng quá cao (40 - 41 độ C) gây kích ứng hệ thần kinh trung ương.

Các biểu hiện thường gặp là nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai. Trạng thái tinh thần cũng bị kích động, bồn chồn, vật vã, lơ mơ, nói nhảm, mạch nhanh, huyết áp hạ. Ngoài ra, còn có thể nôn mửa và tiêu chảy. Điều này sẽ làm nặng thêm bệnh cảnh của sự mất nước và thậm chí là chết người.

- Cách sơ cấp cứu: Ngay lập tức đưa người bị say nắng, say nóng thoát khỏi bối cảnh mà họ đang chịu đựng. Bóng râm của cây cối được xem như là vị trí đặt nằm lý tưởng. Lưu ý nới rộng quần áo cho dễ thở, quạt mát, lau mát, chườm mát.

Cách phòng tránh các bệnh thường gặp mùa nắng nóng - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: ITN.

Trẻ nhỏ có thể cởi hết quần áo, ngâm mình vào nước mát. Những trường hợp cần thiết thì dùng thuốc hạ nhiệt thông thường, cho uống nhiều nước để chống mất nước.

Chườm khăn tẩm nước đắp quanh cơ thể để gia tăng sự bốc hơi làm mát. Trường hợp quá nặng phải đưa người bị say nắng, say nóng đi cấp cứu để được theo dõi điều trị tại bệnh viện.

- Cách phòng tránh: Không ở lâu ngoài trời nắng nóng. Đi lại ngoài trời nắng cần có mũ hay nón rộng vành, dù che mát. Lao động cần có phương tiện che chắn bảo vệ. Thời gian nghỉ giải lao và nghỉ ngơi hợp lý.

Bên cạnh đó, không quên uống bù lượng nước mất của cơ thể do nắng nóng gây ra. Nước chanh pha ít muối là lựa chọn hàng đầu của nhiều người trong những ngày nắng nóng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại