1. Bệnh tay chân miệng dễ thành dịch và lây lan nhanh
Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Ở vùng khí hậu nhiệt đới bệnh thường xuất hiện vào mùa hè và đầu thu. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc tay chân miệng tăng cao từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12.
Thời điểm này tuy không phải cao điểm của dịch bệnh, nhưng có thể do ảnh hưởng từ dịch COVID – 19 sau thời gian nghỉ kéo dài học sinh trở lại học tập có thể bệnh bùng phát, lây lan.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước hoặc phân của người nhiễm bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi.
Do đó, những trẻ học lớp mầm non, mẫu giáo có nguy cơ nhiễm bệnh rất lớn vì trong quá trình học tập, vui chơi, trẻ có thể bị lây chéo qua đường miệng do chơi đồ chơi và thói quen ngậm đồ chơi vào miệng.
Đa số trẻ chỉ biểu hiện nhẹ nhưng nếu bệnh xuất hiện trong hai tuần đầu sau sinh thường có nguy cơ rối loạn chức năng gan, phổi, não , tỷ lệ tử vong cao.
Biểu hiện trên da của bệnh tay chân miệng ở trẻ
2.Cách phát hiện các dấu hiệu bệnh tay chân miệng trở nặng
Đa phần trẻ mắc tay chân miệng có diễn biến nhẹ nhưng bệnh cũng có thể có biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não , viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn đến tử vong.
Các dấu hiệu của bệnh bao gồm: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Tuy nhiên, cha mẹ phải rất tinh ý mới phát hiện kịp thời.
Các dấu hiệu bệnh tay chân miệng trở nặng
- Sốt cao không hạ và kéo dài: Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường sốt nhưng dấu hiệu trở nặng là trẻ sốt cao không đáp ứng với điều trị. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt đường uống cần được đưa đến bệnh viện ngay.
-Quấy khóc nhiều: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường ngh là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
– Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
Bệnh tay chân miệng do EV-A71 gây ra có tỷ lệ cao hơn liên quan đến các biến chứng thần kinh.
– Khó thở: Có thể là biểu hiện của tình trạng suy tim, rối loạn huyết động… Phát hiệu triệu chứng khó thở bằng cách quan sát các dấu hiệu co rút cơ hô hấp ở mũi ức, trẻ thở khó nhọc, thở nhanh hơn bình thường, cánh mũi phập phồng….
– Rối loạn ý thức: Có thể là biểu hiện của viêm não, huyết áp thấp… Cần phát hiện rất sớm từ khi trẻ ngủ gà, chậm chạp.
– Tiểu ít: Có thể là biểu dấu hiệu sớm của tình trạng nặng. Tiểu ít là biểu hiện của tình trạng rối loạn huyết động, tụt huyết áp, suy thận. Đánh giá lượng nước tiểu hàng ngày của trẻ bằng cách thu thập nước tiểu vào các dụng cụ có thể đánh giá số lượng như chai nước nhựa.
– Một số dấu hiệu khác: nôn nhiều, nôn khan, yếu chân tay, khó nuốt, đi loạng choạng…
Theo số liệu các nghiên cứu, trong nhóm các virus gây bệnh tay chân miệng thì virus Enterovirus 71 là nguy hiểm nhất. Chúng lây truyền rất nhanh, xâm nhập vào tế bào niêm mạc và tổ chức lympho đường hô hấp và tiêu hóa rồi vào máu, đến các cơ quan đích là da, thần kinh, tim. Bệnh có thể gây viêm não với nhiều di chứng rất nặng nề và tỷ lệ tử vong cũng rất cao, nhất là với trẻ dưới 3 tuổi.
Ở trẻ sơ sinh, bệnh tay chân miệng có thể gây tử vong hoặc để lại những di chứng rất nặng nề. Bởi lẽ, trẻ sơ sinh còn quá nhỏ, việc phát hiện bệnh rất khó khăn. Đồng thời, sức đề kháng của trẻ khá kém nên không có khả năng chống chọi lại với bệnh tật.
Chính vì thế, khi bệnh tay chân miệng vào mùa, cha mẹ cần phải đặc biệt chú ý và quan sát bé của mình nhiều hơn. Bởi vì bệnh cũng có những biểu hiện không điển hình như dấu hiệu phát ban không rõ ràng hoặc chỉ có loét miệng hoặc chỉ có triệu chứng thần kinh, tim, mạch, hô hấp mà không phát ban hoặc loét miệng. Đây là những trường hợp người thân rất khó nhận biết là bé đã nhiễm bệnh.
3.Cần chăm sóc đúng khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh tay chân miệng và chỉ điều trị hỗ trợ. Theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng. Chính vì vậy, việc chăm sóc tại nhà vô cùng quan trọng, cụ thể chăm sóc bệnh nhân mắc tay chân miệng tại nhà và sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trường hợp bé bị sốt cao, bạn có thể sử dụng thuốc paracetamol để hạ sốt và giảm đau. Lưu ý, tuyệt đối không sử dụng thuốc có chứa thành phần Aspirin. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên sử dụng nước muối 0.9% để sát trùng niêm mạc miệng cho trẻ.
Về chế độ ăn hằng ngày cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, bù nước kịp thời đề phòng trẻ bị mất nước, hạ đường huyết.
Đối với trẻ bú mẹ cần tăng cường cho bé bú thành nhiều lần trong ngày. Với trẻ lớn hơn cần kiêng các loại thức ăn có thể khiến trẻ đau rát, tổn thương miệng như thức ăn nóng, đặc. Thay vào đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn các thức ăn loãng, nguội, dễ tiêu hóa như cháo loãng, sữa, sữa hạt, chè đỗ…
Nếu trẻ không chịu ăn, chán ăn cha mẹ không nên ép. Cho trẻ ăn những thức ăn trẻ thích. Có thể cho uống sữa hoặc sữa chua đều tốt. Hoa quả trái cây giàu vitamin, khoáng chất cũng là thực phẩm cần thiết cho trẻ trong khi điều trị bệnh tay chân miệng.
Tóm lại: Đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường sẽ có khả năng tự phục hồi trong vòng 7 – 10 ngày, ngoại trừ những trường hợp kèm biến chứng nặng. Đối với trẻ mắc tay chân miệng thể nhẹ có thể được điều trị và chăm sóc tại nhà theo chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên cần đi tái khám theo hẹn để kịp thời phát hiện biến chứng.
Hiện nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, việc chăm sóc trẻ đúng cách sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt được hiệu quả tốt nhất, giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ra những biến chứng nguy hiểm.