Cách giữ giọng không khàn

TS.BS. Phạm Bích Đào |

Chế độ sinh hoạt không hợp lý; Không đi khám và chữa các viêm nhiễm kịp thời; Sử dụng các chất kích thích quá nhiều; Lạm dụng giọng... là nguyên nhân khàn giọng.]

Một số người lạm dụng giọng nói hay gặp ở những người phải sử dụng giọng nhiều như giáo viên, ca sĩ, sử dụng sai kỹ thuật luyện thanh hoặc hát sai kỹ thuật ở học sinh thanh nhạc, phát thanh viên, trẻ em độ tuổi mẫu giáo-tiểu học, những người bán hàng...do ham mê, do sức khỏe đang trong giai đoạn sung sức, do chưa biết những nguy cơ gặp phải khi sử dụng giọng không hợp lý... là những nguyên nhân ảnh hưởng tới giọng nói và gây khàn tiếng.

Uống nước để chế tiết dịch nhầy làm ẩm niêm mạc của dây thanh

Lời nói được hình thành nhờ sự phối hợp của rất nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể: thanh quản tạo ra âm thanh, âm thanh được khuếch đại nhờ các khoang cộng hưởng vùng đầu mặt cổ rồi dưới sự chỉ huy của não bộ các bộ phận cấu âm như lưỡi, răng, môi tạo ra các từ và câu... Bất kỳ tổn thương nào ảnh hưởng tới một trong những bộ phận này đều làm cho giọng nói không hoàn chỉnh hoặc mất đi.

Dây thanh cũng như các bộ phận khác của cơ thể đều có những độ bền nhất định. Bạn vận động, thể thao quá sức cũng thấy đau mỏi cơ và dây thanh cũng thế, nếu nói nhiều cũng sẽ mỏi mệt và gây ra tình trạng suy nhược.

Vậy biểu hiện đầu tiên của dây thanh như thế nào chứng tỏ nó đã quá sức? Là lúc cảm giác hơi tức và đau ở vùng giữa cổ thì nên dùng lại và uống từng ngụm nước nhỏ chỉ đủ làm ướt niêm mạc họng trong vòng 5 phút, tốt nhất là uống nước có khả năng bồi phụ nước và cả điện giải như nước dừa tươi, oresol, nước gạo rang.

Những loại nước này có tác dụng cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cho các tuyến chế tiết quanh dây thanh tăng cường hoạt động để chế tiết dịch nhầy làm ẩm lại niêm mạc của dây thanh, tránh tình trạng niêm mạc bị khô ráp, bờ tự do của hai dây thanh cọ vào nhau gây tổn thương và gây viêm; Tận dụng tối đa các khoang cộng hưởng nhằm tránh sự tỳ đè của không không khí lên dây thanh làm khô và làm tổn thương dây thanh.

Cách giữ giọng không khàn - Ảnh 1.

Viêm dây thanh dễ gây khàn tiếng, thậm chí mất tiếng.

Một số việc nên tạo thành thói quen

Tập thở bụng: cố gắng điều chỉnh được luồng hơi thở trong lúc tập, làm sao kéo dài được thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào.

Ăn nhiều bữa và ăn ít một: việc ăn nhiều bữa nhỏ, không bị đầy bụng cũng như giúp việc đẩy hơi từ bụng ra khi nói dễ dàng hơn, không được nhịn ăn.

Ngủ đủ giấc: 6-7 tiếng/ngày - Nên ngủ sớm trước 11 giờ; Hạn chế uống rượu, bia; Không nên tập thể thao quá sức để tránh hiện tượng đau và nhược cơ toàn thân trong đó có cơ dây thanh.

Một số thói quen nên tránh: Đằng hắng, hay khạc nhổ (động tác này đôi khi thành thói quen của rất nhiều người, nó rất có hại do làm cho hai dây thanh chà xát nên rất dễ bị tổn thương); Không nên thức quá khuya; Hạn chế ăn lạnh hoặc ăn cay, hạn chế uống rượu, bia; Không ăn quá no trong một bữa...

Lời khuyên của thầy thuốc

Để khắc phục tình trạng khàn tiếng bạn nên đi khám khi có biểu hiện như:

Khi ngủ tiếng thở của bạn to hơn bình thường; Ngạt tắc mũi, hắt hơi nhiều, chảy nước mũi; Ngứa họng, cay họng, ho; Cảm giác nóng rát dọc theo xương ức, phần giữa ngực hoặc hay ợ hơi, ợ chua... Ù tai từng đợt; Nói đau, tiếp sau có thể giảm hoặc mất cử động của các khớp vận động vùng thanh quản.

Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý ảnh hưởng tới thanh quản như các bệnh lý tai mũi họng, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản...

* Đọc thông tin về sức khỏe do BS Phạm Bích Đào tư vấn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại