Hiện nay tình hình mưa, ngập lụt vẫn đang diễn ra tại một số nơi ở miền Bắc, đặc biệt là khu vực huyện Chương Mỹ (Hà Nội) người dân vẫn sống chung với nước ngập.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Nước ngập cũng là nguyên nhân gây ra nhiều dịch bệnh trong đó bệnh nước ăn chân là bệnh ngoài da rất phổ biến khiến người mắc ngứa ngáy, khó chịu.
Theo BS. Nguyễn Thành, Bệnh viện Da liễu Trung ương, nước ăn chân còn gọi là bệnh nấm kẽ chân, thường xảy ra ở những người thường xuyên phải tiếp xúc với nước hoặc môi trường ẩm ướt…
Biểu hiện của bệnh là ở các kẽ ngón chân có hiện tượng bong xước da có màu hơi vàng, chảy dịch, có thể có các mụn nước. Bệnh phổ biến trong những vùng bị lũ lụt, vùng bị ngập nước kéo dài mà nguyên nhân chính là do tiếp xúc thường xuyên nguồn nước bị ô nhiễm.
Bệnh có các biểu hiện như: Tróc vảy khô, mụn nước hoặc viêm kẽ chân; thường bị ở các kẽ ngón, nhất là các kẽ hẹp như kẽ của các ngón chân giữa, ngón chân áp út… màu da khu vực bị bệnh đỏ ướt.
Thậm chí ở lòng bàn chân, gót chân, các cạnh ngoài của bàn chân cũng có thể bị mụn nước hoặc có vảy nhỏ mịn, gây ngứa ngáy, khó chịu, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động.
Để chữa trị nước ăn chân có nhiều phương pháp đơn giản, dễ thực hiện. Trước tiên, người bệnh cần phải rửa thật sạch chân bằng nước nước muối ấm, lau khô bằng khăn bông sạch, sau đó bôi thuốc chống nấm.
Bên cạnh đó có thể sử dụng các loại lá để chữa nước ăn chân như:
- Lá chè xanh: Có thể dùng lá chè xanh nấu nước đặc để ngâm rửa chân cũng là cách chữa khá hiệu quả chè xanh có tác dụng sát khuẩn, làm dịu da rất tốt.
- Lá trầu không: Lấy khoảng 10 lá trầu đun sôi với nửa lít nước, để nguội; cho một cục phèn chua vào. Dùng nước này rửa kỹ các kẽ ngón chân bị loét ngứa. Trầu không có tác dụng sát khuẩn, phèn chua sẽ làm khô chống ngứa và sát trùng.
Để phòng bệnh nước ăn chân, người dân vùng lũ cần giữ chân sạch, sau khi lội nước bẩn phải rửa chân kỹ bằng nước sạch, rồi lau khô bằng khăn sạch, đặc biệt chú ý các kẽ ngón chân, không để bẩn và ẩm ướt. Nên rửa tay sau khi chạm vào chân, để tránh lây lan ra những vùng khác trên cơ thể. Không dùng móng tay gãi ngứa vì thể thể làm xây xước chỗ ngứa, dễ nhiễm khuẩn.
Trường hợp nếu bị nặng như: Các kẽ chân lở loét, nóng, đỏ, có mủ… người bệnh nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị.